MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãnh đạo G-7 tuyên bố tạm “nghỉ chơi” với Nga

26-03-2014 - 08:51 AM | Tài chính quốc tế

Theo AFP, tại The Hague (Hà Lan), Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh đạo các nước G-7 tuyên bố: “Chúng tôi tạm rút ra khỏi cơ chế G-8 cho đến khi Nga thay đổi chính sách (về Ukraine)”.

Hội nghị thượng đỉnh G-8 tại Sochi (Nga) vào tháng 6-2014 sẽ được thay bằng hội nghị G-7 tại Brussels (Bỉ). Báo New York Times dẫn lời ông Michael McFaul - cựu đại sứ Mỹ tại Matxcơva - bình luận: “Đó là một hành động mang tính biểu tượng nhưng có ý nghĩa. G-8 là cơ cấu mà Nga muốn tham gia. Đó là biểu tượng của một câu lạc bộ quyền lực”.

Hãng tin Interfax của Nga đưa tin phản ứng lại, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố việc bị loại khỏi khối G-8 “không phải là một bi kịch” đối với Matxcơva. “Nếu các đối tác phương Tây cho rằng cơ chế G-8 không còn giá trị thì chúng tôi chấp nhận. Chúng tôi không cố níu kéo cơ chế này” - ông Lavrov nhấn mạnh. Dù vậy, ngay sau đó người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga muốn tiếp tục duy trì cơ chế liên lạc với các nước G-8 ở mọi cấp độ.

Các lãnh đạo G-7 cũng cảnh báo sẽ tăng cường những biện pháp trừng phạt ảnh hưởng tới nền kinh tế Nga nếu Matxcơva tiếp tục leo thang căng thẳng tại Ukraine. Một quan chức Mỹ tiết lộ nếu Nga đưa quân vào các thành phố miền đông và miền nam Ukraine, G-7 sẽ thảo luận việc trừng phạt các ngành công nghiệp trọng yếu của Nga như năng lượng, ngân hàng - tài chính, xuất khẩu vũ khí...

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tiết lộ G-7 đã đồng ý tìm giải pháp giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng cho biết sẽ xem xét các nguồn cung khí đốt khác, ví dụ như của Mỹ hoặc Qatar. Các nhà lãnh đạo G-7 thừa nhận trừng phạt các ngành công nghiệp Nga sẽ dẫn tới hậu quả kinh tế toàn cầu, nhưng xác định Nga sẽ thiệt hại nhiều hơn và “hậu quả của việc không hành động” sẽ còn lớn hơn.

Hiện kinh tế Nga đã có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại. Theo Reuters, mới đây ngân hàng lớn nhất nước Nga dự báo Nga sẽ phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế do giới đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi quốc gia này. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính dòng vốn chảy khỏi Nga do cấm vận có thể lên tới 130 tỉ USD trong năm nay. Trước đó, Thứ trưởng kinh tế Nga Andrei Klepach cũng xác nhận dòng vốn rút khỏi Nga từ tháng 1 đến tháng 3 đã lên tới 65-70 tỉ USD.

Theo Sơn Hà

huongnt

Tuổi Trẻ

Trở lên trên