MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Le Monde: Nền kinh tế Nga có sức kháng cự “đáng nể”

16-03-2015 - 11:34 AM | Tài chính quốc tế

Theo tờ Le Monde (Pháp), nước Nga đã tránh được suy thoái và kịp thời rút ra bài học từ những cuộc khủng hoảng trước đây, bất chấp việc một số hoạt động kinh tế vẫn tiếp tục bị đóng băng.

Le Monde dẫn đánh giá của Natalia Orlova, Giám đốc kinh tế của ngân hàng Alfa Bank, cho rằng bất chấp lệnh trừng phạt từ phương Tây và các biện pháp trả đũa khiến hoạt động nhập khẩu hàng hoá của Nga giảm tới 40%, GDP của nước này vẫn tiếp tục tăng trưởng 0,6% trong năm 2014. Điều này cho thấy nền kinh tế Nga đã có sức bền và khả năng "kháng cự" khá tốt.

Tuy vậy, triển vọng kinh tế "xứ Bạch dương" năm 2015 không thực sự sáng sủa, với việc nhiều chuyên gia dự báo nước Nga khó tránh khỏi nguy cơ suy thoái và GDP có thể giảm từ 2 - 3%.

Chuyên gia kinh tế Nga, Natalia Orlova nhận xét: "Mức độ suy giảm này thấp hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng năm 1998 (-5,3%) và năm 2009 (-7,8%), nhưng đủ để người dân Nga cảm thấy rằng họ còn khá lâu mới quay trở lại giai đoạn tăng trưởng khoảng 4%/năm như trước đây".

Phát biểu tại một cuộc hội thảo về kinh tế Nga tổ chức tại Paris mới đây, bà Natalia Orlova cho rằng các dự báo về “sự co lại” của kinh tế Nga đưa ra gần đây tương đối khiêm tốn, khác với giai đoạn 2009. Mối đe dọa lớn nhất đối với nước Nga, vốn là một trong những đầu tàu phát triển tích cực nhất trong nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) từ nay chính là tình trạng kinh tế trì trệ.

Trong một bài viết trên tạp chí của Ngân hàng trung ương Phần Lan (Bofit) mới đây, hai chuyên gia kinh tế Alexey Kudrin và Evsey Gurvich đã nhắc lại nước Nga đã trải qua giai đoạn năng động từ năm 1998 đến 2008, trong đó GDP đã tăng tới 83%, năng suất lao động tăng 70%, hoạt động đầu tư tăng gấp đôi, sức mua từ đồng lương lao động tăng 340% và sức mua từ lương hưu tăng 280%.

Trong giai đoạn từ năm 2000 tới năm 2008, GDP của Nga tăng bình quân 6,9%/năm, trước khi giảm xuống còn trên dưới 1% từ 2009 đến 2013. Xét về cả giá trị tuyệt đối và danh nghĩa, tăng trưởng của Nga gần đây đều đi xuống. Song song với dòng ngoại tệ khá lớn chảy vào, một phần lớn do nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt, trong giai đoạn sau này nước Nga cũng chứng kiến sự ra đi của nguồn vốn ước tính lên tới 285 tỷ USD từ 2009 đến 2013.

Bất chấp sự thay đổi đáng kể của bức tranh kinh tế, thu nhập từ lương tiếp tục tăng trong năm 2014 (+11%), chủ yếu do biện pháp tăng lương dành cho đội ngũ công nhân viên chức nhà nước (có tới 18 triệu người, tức 25 - 30% lực lượng lao động). Bà Orlova nhận định việc người Nga có sở thích mua sắm là điều khá rõ ràng, nhưng tình trạng lạm phát cao có khả năng đe dọa mô hình kinh tế nội địa được thúc đẩy bởi chi tiêu của các hộ gia đình. Theo hai chuyên gia Kudrin và Gurvich, đó chỉ là sự "nhập khẩu tăng trưởng" nhờ nguồn thu nhập từ dầu khí. Giá tiêu dùng đã tăng 11,4% vào tháng 12/2014 và 16% hiện nay.

Lạm phát tại Nga vẫn khá cao. Nga không còn khả năng sản xuất thêm, do đó không có khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nước này cũng đang rơi vào tình trạng thiếu nhân lực chất lượng do dân số giảm rất nhanh. Năm 1989, nước Nga có 44 triệu người dưới 20 tuổi, nhưng con số này đã giảm xuống chỉ còn 30 triệu người vào năm 2012. Hơn nữa, áp lực lên tỷ  giá của tất cả các nền kinh tế mới nổi, có quan hệ với sự thay đỏi chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), không thể giúp cho Ngân hàng trung ương Nga đưa lạm phát quay trở lại đúng đường ray mong muốn (4 - 4,5%).

Theo chuyên gia kinh tế Tania Sollogoub của ngân hàng Crédit Agricole (Pháp), năm 2012, khi phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm lại, Tổng thống Putin đã tiến hành tự do hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Putin đã lựa chọn mô hình tư bản nhà nước và tập trung hết quyền lực vào trong tay. Điều này đã không có lợi để thúc đẩy đầu tư: từ hai năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài liên tục than phiền về tham nhũng. Họ cũng lo ngại về nguy cơ can thiệp quá lớn của Nhà nước.

Thực tế nước Nga vẫn có rất nhiều thế mạnh. Moscow đã rút ra bài học từ các cuộc khủng hoảng tỷ giá lần trước. Chính sách tiền tệ tương đối cân bằng và tỷ lệ nợ nước ngoài thấp, mặc dù giá dầu giả mạnh gần đây. Thế nhưng sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu khí vẫn rất lớn.

Bà Orlova nói: "Với chế độ tỷ giá cố định, ngân sách của Nga chỉ cân bằng nếu như giá dầu đạt 110 USD/thùng. Khi đồng rouble thả nổi, ngân sách có thể cân bằng với giá dầu ở mức 70 USD/thùng. Nga chưa tỏ ra thiếu khả năng đối phó với các biến động lớn từ bên ngoài, tuy nhiên nguy cơ vẫn rất lớn. Dòng vốn chảy khỏi nền kinh tế ra nước ngoài đã tăng gấp đôi trong hai năm nay, có thể lên tới 20 tỷ USD. Nhiều nhà kinh tế cho rằng vấn đề kiểm soát dòng vốn có thể sẽ lại được đề cập đến trong thời gian tới”.

Theo T.P

PV

Infonet

Trở lên trên