MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lo ngại nợ xấu từ doanh nghiệp Trung Quốc lây lan

12-12-2014 - 10:45 AM | Tài chính quốc tế

Các khoản nợ NH nước ngoài của Trung Quốc nhảy vọt 47% lên 1,1 nghìn tỷ USD trong quý II/2014 so với cùng kỳ năm trước.

Theo một số chuyên gia, không mấy ngạc nhiên khi các công ty Trung Quốc đang tìm cách vay mượn từ nước ngoài để duy trì hoạt động và tỷ lệ ngày một tăng nhanh. Nguyên nhân chủ yếu do hệ thống NH Trung Quốc đã siết chặt các khoản vay đối với DN nước này.

Cụ thể, trong quý III, nợ xấu trong hệ thống NH Trung Quốc tăng mạnh nhất kể từ năm 2005, leo thang thêm 11,8 tỷ USD lên 124,6 tỷ USD. Nợ xấu tăng từ tỷ lệ 1,08% trong tổng dư nợ của quý trước lên 1,16%. Những con số ảm đạm này khiến các NH hạn chế cho vay nhằm tránh rủi ro tín dụng.

Tính theo số liệu thuần túy, Ngân hàng quốc tế (BIS) cho biết Trung Quốc hiện là quốc gia nợ chồng chất thứ bảy thế giới tính theo tỷ lệ GDP trong các quốc gia mà BIS theo dõi. Trung Quốc tăng nợ nước ngoài đã đẩy bài toán "nợ xấu" sang cho nhiều quốc gia.  Ước tính, Trung Quốc vẫn nợ các NH quốc tế hơn 800 tỷ USD.

Không dừng lại ở con số đó, hiện nay theo số liệu thống kê, lượng giao dịch giữa công ty Đại Lục và chi nhánh tại nước ngoài của các NH Trung Quốc liên tục gia tăng.  Theo đánh giá của BIS, các khoản vay này đều được xếp vào loại vay nước ngoài. "Trái với các quan niệm thông thường, bất cứ vấn đề nào tại Trung Quốc cũng có thể loang rộng ra toàn thế giới thông qua kênh tài chính", BIS cảnh báo.

Từ đây, giới chuyên gia cảnh báo các quốc gia có chi nhánh NH Trung Quốc đang tồn tại hoặc có mối liên hệ tín dụng với một số công ty Trung Quốc phải thận trọng hơn về các khoản nợ. Bởi trong 10 năm qua, các DN Trung Quốc ngày càng phát triển về quy mô, nợ xấu của họ tại các NH cũng ngày một phình to.

Theo Jim Antos, chuyên gia NH của Mizuho Securities Asia (công ty môi giới chứng khoán trụ sở tại Hồng Kông), nếu mức độ nguy hiểm nợ nần của Hy Lạp là 10 thì cách đây vài năm, Trung Quốc đã lên đến 8. “Tôi nhận xét tiêu cực về các NH Trung Quốc. Họ không cung cấp thông tin thật về các món cho vay ngoài sổ sách, khiến mọi người phải e ngại”, ông cho biết.

Ông Jim Antos ví dụ, năm 2010, các NH Trung Quốc đã cho chính quyền các địa phương nước này vay 8.500 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.300 tỷ USD) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo Moody’s, con số thật có thể lên đến 1.840 tỷ USD nếu tính đúng tính đủ. Và nợ công Trung Quốc đã vào khoảng 36% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chứ không phải 20% như nước này công bố.

Song song với hệ thống NH, theo một báo cáo của bộ phận đánh giá tín nhiệm thuộc Standard & Poor’s (S&P), năng lực tài chính của các DN ở nước này yếu đi, mất khả năng trả nợ có thể gây ra những rủi ro ở quy mô toàn cầu.

Cụ thể, báo cáo của S&P giữa năm 2014 cho biết nợ mới của các DN Trung Quốc dự kiến đạt mức 20,4 nghìn tỷ USD vào năm 2018, chiếm khoảng một phần ba mức dư nợ của các DN toàn cầu, trong khi các DN Mỹ sẽ nợ khoảng 14 nghìn tỷ USD ở thời điểm đó.

“Cấu trúc tài chính yếu, tăng trưởng kinh tế chậm, lãi suất cao và siết chặt việc vay mượn có thể là thách thức nghiêm trọng cho những DN Trung Quốc vay nợ, nhất là các công ty vừa và nhỏ”, báo cáo S&P ghi rõ. S&P cũng nhấn mạnh, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bất cứ dấu hiệu tiêu cực nào với các DN Trung Quốc sẽ nhanh chóng lan sang các nước khác.

Quả vậy, khi trích dẫn một nghiên cứu được tiến hành trên cơ sở so sánh hơn 8.500 công ty đã niêm yết của Trung Quốc và nước ngoài, S&P nói các DN Trung Quốc đã khởi đầu năm 2009 ở tư thế tốt hơn so với các đối thủ nước ngoài, nhưng dòng tiền mặt và tỷ số vốn vay của họ đã tệ đi trong những năm qua. Khả năng trả nợ của các DN Trung Quốc yếu đi. Trong đó, sự đuối sức thể hiện rõ nét ở 2 lĩnh vực sắt thép và bất động sản.

Đánh giá về năng lực tài chính của các DN Trung Quốc, một vị giáo sư người Hồng Kông khẳng định, với một số DN Trung Quốc, họ chỉ có 2 nguồn để trả nợ: tiền bán đất (tức phải tiếp tục bán đất) và tiền do nhà máy, cảng, đường sá có thu phí tạo ra. Theo đó, ông cho rằng thị trường địa ốc Trung Quốc đang ảm đạm nên khó bán đất để cứu các công ty nói trên; trong khi khả năng sinh lợi của các công trình hạ tầng cũng không kém phần tệ hại - chỉ có 1/3 số dự án làm ra tiền đủ để trả nợ mà thôi.

Rõ ràng, việc các DN Trung Quốc đẩy mạnh vay nợ tại các quốc gia khác chắc chắn nợ này sẽ tác động không tốt lên nền kinh tế của nước đó, trường hợp xấu nhất là sắp tới đây tăng trưởng kinh tế của quốc gia đó có thể sẽ đi xuống.

Trước diễn biến trên, nhiều quốc gia đã bắt đầu lên kế hoạch xử lý. Đơn cử, Bộ Tài chính của một số nước châu Âu cho biết đang rà soát  một số rủi ro do nợ xấu của các chi nhánh NH Trung Quốc có mặt tại nước họ và đang nỗ lực giải quyết triệt để vấn đề. Cũng theo một số nguồn tin, các đơn vị kiểm toán quốc gia của một số nước khác cho biết sẽ tích cực xem xét lại các khoản nợ đó để đảm bảo khả năng thanh toán của chính quyền các địa phương. Trong khi chờ đợi, họ không được phép bảo lãnh cho DN vay nữa…


Theo Lâm Anh

huongnt

Thời báo Ngân hàng

Trở lên trên