MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lúc nào cũng là Keynes

03-12-2013 - 09:54 AM | Tài chính quốc tế

Người ta có thể nhận thấy Keynes là một nhà tư tưởng có nhiều quan điểm mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên, có một xu hướng xuyên suốt và không hề thay đổi: đi tìm sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Kể từ khi cuốn sách “The General Theory of Employment, Interest and Money” (tạm dịch: Lý thuyết chung về thị trường việc làm, lãi suất và tiền tệ) được xuất bản vào năm 1936, nhà kinh tế học John Maynard Keynes đã trở thành cái tên gắn liền với ý tưởng cho rằng chính sách kích thích tiền tệ nên được sử dụng để chống lại suy thoái kinh tế. Ý tưởng này thống trị kinh tế học trong thời kỳ 30 năm sau chiến tranh thế giới thứ 2. Thậm chí, năm 1971, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã tuyên bố “giờ đây tất cả chúng ta là những người đi theo trường phái kinh tế học Keynes”. 

Mặc dù các ý tưởng của Keynes không còn được ủng hộ trong những năm 1980 và 1990, chúng lại được ưa chuộng khi khủng hoảng tài chính 2007 – 2009 tàn phá kinh tế thế giới. Từ Mỹ, Anh cho tới châu Á, tất cả đều sử dụng chính sách kích thích tài khóa để chống lại suy thoái kinh tế. 

Dẫu vậy, liệu các ý tưởng của Keynes có đơn giản hoặc kiên định như nhận định của một vài chuyên gia kinh tế theo trường phái Keynes ở thời điểm hiện tại hay không còn là một câu hỏi lớn gây nhiều tranh cãi. Trong khi Keynes coi trọng chính sách thắt lưng buộc bụng vào thời kỳ kinh tế phát triển tốt cũng như kích thích khi kinh tế lao dốc, nhiều người theo trường phái này cho rằng kích thích là “con đường một chiều” trong những năm 1960 và 1970. Như Keynes đã viết năm 1937, kinh tế bùng nổ (chứ không phải suy thoái) là thời điểm thích hợp nhất để kho bạc Mỹ thắt lưng buộc bụng. 

Khi còn sống, Keynes cũng đã lo lắng rằng một số người đang chấp nhận học thuyết của mình một cách quá thụ động. Năm 1940, A.C. Pigou – một trong những người chấm thi tại Economics Tripos ở ĐH Cambridge, đã viết thư gửi tới Keynes để than phiền rằng cả đồng nghiệp và sinh viên đang áp dụng lý thuyết Keynes một cách quá máy móc. 

Ngày nay, người ta có thể coi "General Theory" chỉ là một cuốn sách của quá khứ. Nó được viết ra ở một thế giới đối mặt với những vấn đề khác biệt hoàn toàn so với thời điểm hiện tại. Keynes đã phát triển những lý thuyết để điều chỉnh sao cho thâm hụt ngân sách của Anh chỉ ở mức 3% GDP trong suốt thời kỳ suy thoái.  Năm 2009, thâm hụt ngân sách của Mỹ là 13% GDP.

Đến cuối thế chiến thứ 2, chính Keynes cũng băn khoăn về việc viết một cuốn sách mới nhằm sửa chữa những thiếu sót và phát triển những gì mà ông không hài lòng ở cuốn "General Theory". Tuy nhiên, ông đã qua đời trước khi ý định được thực hiện. Người học trò Joan Robinson - người phát triển học thuyết của Keynes ở giai đoạn sau - đã pha trộn công trình còn bỏ dở của ông với các ý tưởng của Karl Marx trong cuốn "The Accumulation of Capital" (tạm dịch: Sự tích lũy vốn).

Những quan điểm mâu thuẫn

Cuốn sách này đã khiến những quan niệm về ý tưởng của Keynes bị xáo trộn. Nghiên cứu kỹ về những năm tháng giữa 2 cuộc chiến, người ta có thể nhận thấy Keynes là một nhà tư tưởng có nhiều quan điểm mâu thuẫn với nhau. Ông đã ủng hộ chính sách giảm phát thời kỳ đầu những năm 1920 và sau đó là chính sách lạm phát trong những năm 1930. Ông giành phần lớn cuộc đời ủng hộ thương mại tự do, nhưng lại quay ngoắt vào năm 1930 để ủng hộ rào cản thuế quan và sau đó là nhiệt liệt ủng hộ nước Anh sử dụng thuế quan để chống lại Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ 2. Keynes cũng nhiều lần thay đổi quan điểm trong các vấn đề khác, ví dụ như việc sử dụng thuế trên vốn và các biện pháp kiểm soát vốn. 

Tuy nhiên, có một xu hướng xuyên suốt và không hề thay đổi trong tư tưởng của Keynes: đi tìm sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Theo Skidelsky, giáo sư đến từ ĐH Warwick, phần lớn các công trình nghiên cứu của Keynes được thúc đẩy bởi khao khát tìm lại sự ổn định của nền kinh tế và giai đoạn trước 1914 - khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. 

Xét trên nhiều khía cạnh, công trình nghiên cứu của Keynes trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến được coi là một phản ứng trước thời thế loạn lạc. "A Tract on Monetary Reform" (1923) (tạm dịch: Tiểu luận về cải cách tiền tệ) đã tấn công vào các chính sách gây nên tình trạng lạm phát quá cao hoặc giảm phát. "The Economic Consequences of Mr Churchill" (1925) (tạm dịch: Những hệ quả kinh tế của Churchill) đánh giá lại quyết định quay trở lại chế độ bản vị vàng của nước Anh. 

Trong 2 cuốn  "A Treatise on Money" (1930) (Luận thuyết về tiền) và "General Theory" (1936), ông đã phát hiện ra rằng một khi đã thoát khỏi sự kiềm chế của vàng, chính sách kích thích trở thành một công cụ để ổn định GDP trong thời kỳ suy thoái. 

Tất cả các công trình nghiên cứu này đều ẩn chứa một điểm chung: ý tưởng cho rằng bằng bất cứ giá nào, sự ổn định trong nội tại của một nền kinh tế (giá cả và tỷ lệ thất nghiệp) nên được ưu tiên hơn so với những ổn định bên ngoài (tỷ giá hoặc dòng vốn lưu chuyển tự do). 

Keynes là một người theo chủ nghĩa kinh nghiệm. Ông không cho rằng mình bị gắn chặt vào bất kỳ "tín ngưỡng" kinh tế nào. Ví dụ, ông đã chỉ ra những lý thuyết kinh tế đúng đắn nhất và hiệu quả nhất cho từng thời kỳ. Cấu trúc kinh tế thế giới biến hóa nhanh hơn nhiều so với thế giới tự nhiên. Ông viết: 

"Kinh tế học là bộ môn khoa học mà người ta nghĩ về các mô hình và phải có nghệ thuật chọn ra mô hình có liên quan nhất với thế giới hiện tại. Không giống như khoa học tự nhiên, những nhân tố mà kinh tế học nghiên cứu luôn luôn biến đổi không ngừng qua thời gian. Rất ít nhà kinh tế học tốt bởi chọn đúng mô hình là một khả năng mà rất ít người có được".

Vậy thì, liệu những quan điểm về nền kinh tế đối lập nhau của Keynes có thể truyền tải thông điệp nào đến các nhà hoạch định chính sách của tương lai? Có lẽ, họ nên đóng góp nhiều hơn để tạo ra viễn cảnh tươi sáng thay vì bào chữa cho bất kỳ công cụ chính sách cụ thể nào. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên