MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mô hình công ty đại chúng sắp “tuyệt chủng”?

18-05-2012 - 16:20 PM | Tài chính quốc tế

Thị trường chứng khoán ảm đạm, số lượng IPO sụt giảm đáng kể trong những năm gần đây khiến không ít người lo lắng có phải mô hình công ty đại chúng đã mất hết lợi thế.

Nhìn qua, tất cả mọi thứ đều có vẻ ổn. Công ty đại chúng được ra đời vào giữa thế kỷ 19 nhằm cung cấp vốn cho các công ty lớn của thời đại công nghiệp. Với việc Facebook theo sau Microsoft và Google gia nhập vào thị trường chứng khoán, có thể nghĩ các công ty đại chúng sẽ có thể làm nên điều thần kỳ như thời kỳ bùng nổ internet trước đây. Tuy nhiên, không phải tất cả những phát minh của thế kỷ 19 đều vận hành trơn tru. 

Số lượng công ty đại chúng đã sụt giảm mạnh mẽ trong thập kỷ vừa qua, giảm 38% ở Mỹ và 48% ở Anh kể từ năm 1997. Số lượng vụ IPO ở Mỹ giảm từ mức trung bình 311 trong thời kỳ 1980 – 2000 xuống còn 99 vụ trong giai đoạn 2001 – 2011. Các công ty nhỏ với doanh số hàng năm dưới 50 triệu USD trước khi IPO giảm mạnh nhất. Số lượng giảm từ 165 vụ mỗi năm trong giai đoạn 1980 – 2000 xuống chỉ còn 30. Sự kiện IPO của Facebook có thể cải thiện tình hình nhưng chắc chắn sẽ không đủ bù đắp sự sụt giảm trong dài hạn.

Zuckerberg sẽ gia nhập vào câu lạc bộ những người hay gặp phải phiền toái. Các qui định chặt chẽ ngày càng đè nặng lên các công ty đại chúng kể từ khi Enron sụp đổ vào năm 2001. Các giám đốc than phiền rằng những qui định này khiến họ không thể tập trung vào tăng trưởng trong dài hạn. Trong khi đó, các cổ đông cũng tỏ ra giận dữ, cổ tức mà họ nhận được hiếm khi ngang hàng với thu nhập của các giám đốc đang phí phạm tiền bạc xây dựng các tòa nhà tráng lệ và những bộ y phục lộng lẫy. 

Cùng lúc đó, các loại hình doanh nghiệp thay thế đang được triển khai rộng rãi. Trong khi “niêm yết” là ước mơ của mọi CEO, trở thành công ty tư nhân giống như Burger King, Boots và vô số các tên tuổi khác cũng là sự lựa chọn hoàn hảo. Các doanh nghiệp nhà nước cũng đã hồi phục từ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội và giờ đây đang trở thành những công ty hùng mạnh như China Mobile – công ty di động lớn nhất thế giới, Dubai World – công ty vận hành cảng thành công nhất thế giới hay Emirates – hãng hàng không tăng trưởng nhanh nhất. 

Không còn nghi ngờ gì nữa, chính sự ảm đạm của thị trường chứng khoán là nhân tố quan trọng dẫn đến xu hướng này. Hơn nữa, những loại hình thay thế cho công ty đại chúng đã giải quyết được một số điểm yếu về mặt cấu trúc khiến chúng khó phát triển trước đây. 

Về khả năng thâm nhập thị trường vốn, các công ty đầu tư tư nhân được sự hỗ trợ về thuế cùng với các công ty đầu tư mạo hiểm đã có kênh để đầu tư là các thị trường sơ cấp điển hình như SecondMarket. Khối lượng cổ phiếu giao dịch trên SecondMarket từ năm 2008 đến nay đạt khoảng 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, đối tác góp vốn không còn phải chịu trách nhiệm đầy đủ và 1 công ty được phép có nhiều đối tác như mong muốn. 

Xu hướng này có phải là tiêu cực hay không? Câu trả lời là không, ngược lại, việc đa dạng hóa loại hình doanh nghiệp là một điều tốt. Tuy nhiên, có những lý do để lo lắng về sự xuống dốc của loại hình đã trải qua thời kỳ thịnh vượng trong suốt 150 năm qua. 

Thứ nhất, các công ty đại chúng đã trở thành trung tâm tạo ra các sáng kiến và việc làm. Lý do khiến các doanh nhân làm việc chăm chỉ và các nhà đầu tư mạo hiểm đặt cược nhiều như vậy vào các công ty là bởi họ hy vọng một ngày nào đó công ty sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán. IPO cung cấp cho các công ty non trẻ tiền bạc để có thể thuê nhân công và thâm nhập vào các thị trường vốn đã ổn định. 

Thứ hai, các công ty đại chúng phải công bố báo cáo hàng quý, tổ chức đại hội cổ đông, đối phó với giới phân tích và nhìn chung hoạt động trong môi trường hoàn toàn mở. Ngược lại, hoạt động các công ty tư nhân và các doanh nghiệp gia đình được giữ kín. 

Thứ ba, các công ty đại chúng cho phép người bình thường có thể đầu tư trực tiếp vào một trong những bộ máy quan trọng nhất tạo ra của cải. Thế kỷ 20 chứng kiến phạm vi cổ đông được mở rộng đáng kể khi các công ty nhà nước được cổ phần hóa và các quỹ tương hỗ mọc lên như nấm. Như vậy, số lượng vụ IPO ít đi có nghĩa là cơ hội cho các nhà đầu tư giảm đi đáng kể. Sự tăng lên mạnh mẽ của các công ty tư nhân và thị trường tư nhân khiến quyền lực bị dồn vào tay của 1 nhóm những nhà đầu tư có lợi thế. 

Các công ty đại chúng xây đường tàu cho thế kỷ 19, lấp đầy thế giới với xe hơi, tivi và máy tính. Họ mang minh bạch đến đời sống kinh doanh cũng như cơ hội cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đúng là các nhà làm luật cần giám sát các công ty đại chúng chặt chẽ hơn so với các loại hình công ty khác, nhưng không nên chặt chẽ đến mức các doanh nhân không muốn doanh nghiệp của mình lên sàn chứng khoán. Công ty đại chúng từ trước đến nay vẫn là đầu máy của chủ nghĩa tư bản và các chính phủ không nên khiến đoàn tàu trật bánh. 

Minh Anh

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên