Muốn trốn thuế, hãy sang Mỹ
Việc chuyển tiền từ nơi bí mật ở nước ngoài vào Mỹ trở thành công việc mới, mang lại nhiều lợi nhuận.
- 07-02-2016Apple đóng phạt 347 triệu USD tiền trốn thuế tại Ý
- 21-01-2016Đây là 5 cách giúp Việt Nam thu được tiền trốn thuế của Uber
- 19-12-2015Bị cáo buộc trốn thuế, Tim Cook nói luật của Mỹ là "vớ vẩn"
Mỹ thành “thiên đường trốn thuế”
Tháng 9/2015, tại một công ty luật tại vịnh San Francisco, Andrew Penney, giám đốc điều hành Rothschild & Co. có bài thuyết trình về cách những người giàu nhất thế giới trốn thuế.Thông điệp đưa ra rất rõ ràng: hãy giúp khách hàng chuyển tài sản của họ đến Mỹ để tránh thuế. Mỹ trở thành thiên đường trốn thuế. Một số người gọi Mỹ là “Thuỵ Sỹ mới”.
Mỹ vẫn chỉ trích các nước khác là giúp người giàu của Mỹ giấu tiền. Tuy nhiên, đến nay, chính nước Mỹ lại là nơi giấu tiền và tránh thuế của người giàu nước khác, do Mỹ không theo tiêu chuẩn công bố thông tin toàn cầu mới. Từ các luật sư của Anh đến các công ty tín thác Thụy Sỹ đều giúp chuyển tiền từ tài khoản ở Bahamas và quần đảo Virgin (Anh) sang các vùng thuộc Mỹ như Nevada, Wyoming, và South Dakota.
Ông Peter A. Cotorceanu, công ty luật Anaford AG (Thuỵ Sỹ) viết: “Sao nước Mỹ cứ ngoan cố lên án các ngân hàng Thụy Sỹ trong khi lại trở thành nơi cất giữ tiền bí mật? Bạn có nghe tiếng gì không? Đấy là tiếng của tiền đổ vào nước Mỹ.”
Các công ty vào cuộc
Rothschild, một tổ chức tài chính của châu Âu có tuổi đời cả trăm năm vừa mở công ty quản lý quỹ tín thác tại Reno, Nevada, cách sòng bạc sòng bạc của Harrah và Eldorado chỉ vài bước chân. Công ty này chuyển tài sản của khách hàng từ nước ngoài, từ những nơi phải theo quy định thông tin mới (ví dụ: Bermuda) sang những nơi không bị quy định (như Nevada chẳng hạn).
Theo bà Emma Rees, phát ngôn viên của Rothschild, Reno thu hút các gia đình nước ngoài chuyển tải sản đến Mỹ, miễn là các gia đình này chứng minh được rằng họ tuân thủ đúng luật về thuế của nước sở tại. Công ty quản lý quỹ tín thác có được điều này nhờ việc Mỹ không tham gia vào các tiêu chuẩn báo cáo quốc tế.
Không chỉ Reno mà nhiều công ty khác cũng tham gia vào công việc này. Cisa Trust (Geneva - Thụy Sỹ) tư vấn cho giới giàu có ở khu vực Mỹ La tinh. Chủ tịch của Cisa Trust, ông John J. Ryan cho hay: công ty này đang xin xét mở chi nhánh ở thành phố Pierre, bang Nam Dakota để “phục vụ nhu cầu khách hàng ở nước ngoài”.
Các doanh nghiệp không lãng phí thời gian để kiếm tiền từ môi trường hiện tại. Công ty tư vấn tài chính Bolton Global Capital tại Boston mới đưa ra một ví dụ: Một người Mexico giàu có mở tài khoản trong ngân hàng của Mỹ qua một công ty ở British Virgin Island. Sau đó, tên của công ty sẽ được gửi đến chính phủ British Virgin Island trong khi danh tính của người sở hữu tài khoản không được chia sẻ với các nhà chức trách Mexico.
Giám đốc điều hành của Bolton Global Capital, ông Ray Grenier cho biết: việc Mỹ không theo tiêu chuẩn chia sẻ thông tin của OECD trở thành yếu tố kích thích sự phát triển ngành, làm số lượng các khoản chuyển ra khỏi các ngân hàng châu Âu (ví dụ như Thuỵ Sỹ) để sang Mỹ tăng đột biến.
Trident Trust Co., là một trong những nhà cung cấp dịch vụ quỹ tín thác nước ngoài lớn nhất thế giới, chuyển hàng chục tài khoản ra khỏi Thụy Sĩ, Grand Cayman và các nơi khác vào Sioux Falls, bang Nam Dakota trong tháng 12, trước hạn công bố thông tin vào ngày 1/1 năm nay.
Nam Dakota là một trong vài bang chú trọng mục tiêu đánh thuế thấp và bảo mật đối với các quỹ tín thác. Theo bà Alice Rokahr, Giám đốc hãng Trident tại Nam Dakota, ở Cayman Islands, người ta đang rút và đóng tài khoản hàng loạt, rất nhiều trong số đó xuất phát từ Thuỵ Sỹ nhưng muốn ra khỏi đất nước này.
Các nhà tư vấn cho rằng: nhu cầu giữ bí mật là chính đáng. Các tài khoản bí mật giấu tài sản, dù là ở Mỹ, Thụy Sĩ hay bất cứ nơi nào, cũng nhằm chống các vụ bắt cóc hay tống tiền ở quốc gia nơi chủ nhân tài sản sinh sống. Người giàu cũng thường cảm thấy an toàn khi để tiền của họ ở Mỹ hơn những nơi họ cho là thiếu chắc chắn. Bà Rokahr cho biết: chẳng có ai nói rằng tôi muốn trốn thuế, họ chỉ quan tâm đến sức khỏe và phúc lợi một cách hợp pháp.
Và cũng chẳng ai muốn những thiên đường trốn thuế ở nước ngoài biến mất. Theo Giáo sư kinh tế Gabriel Zucman thuộc Đại học California tại Berkele, các ngân hàng Thụy Sĩ vẫn giữ khoảng 1.900 tỉ USD tài sản vốn không được chủ tài khoản báo cáo tại đất nước của họ. Hiện cũng không rõ có bao nhiêu trong số gần 100 nước và vùng lãnh thổ khác đã thực sự ký kết hoặc đồng ý thực hiện tiêu chuẩn công bố thông tin mới do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra.
Chuyện các ngân hàng thu hút người nước ngoài gửi tiền vào Mỹ, hứa hẹn về tính bảo mật là không phạm pháp, trừ khi họ giúp đỡ các cá nhân này trốn thuế. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là một trong số ít những nơi cho phép giữ bí mật về tài khoản với chính quyền nước ngoài.
Văn phòng tại Reno của Rothschild đi tiên phong trong nỗ lực chuyển tiền từ nước ngoài vào Mỹ. Reno không phải là nơi người ta chọn lựa làm trung tâm chuyển tiền. Nếu muốn quay 1 bộ phim ở Las Vegas năm 1971, đây chính là phim trường tốt nhất. Các khách sạn có sòng bạc mở cửa 24/7 cùng với các cửa hàng cầm đồ trưng bày súng. Ánh đèn neon tại các sòng bạc như Harrah’s và Eldorado luôn rực sáng. Nhưng những ngày này, khách du lịch chuyển sang các sòng bài tại Las Vegas hơn, chỉ cách đó khoảng 1 giờ bay.
Văn phòng của Rothschild Trust North America LLC không dễ tìm. Văn phòng toạ lạc tại tầng 12 của tòa nhà vốn là trụ sở của Porsche tại Bắc Mỹ, khá gần các sòng bài. Trên danh sách các tổ chức đặt trụ sở tại toà nhà cũng không có tên Rothschild. Muốn đến đây, người ta phải đi qua tầng 10, nơi đặt văn phòng của McDonald Carano Wilson LLP, một công ty luật có liên quan đến chính trị. Nhiều người làm việc tại công ty này là cựu cán bộ cấp cao của bang Nevada, chủ sở hữu các sòng bạc lớn nhất của Reno và các nhà vận động hành lang. Một trong những nhà vận động hành lang về thuế của công ty này là Robert Armstrong. Ông cũng là luật sư bất động sản và tín thác hàng đầu của bang, đồng thời là một quản lý quỹ tín thác của Rothschild ở Bắc Mỹ.
Công ty tín thác này được thành lập năm 2013 để phục vụ các gia đình quốc tế có tài sản và họ hàng ở Mỹ. Công ty còn phục vụ các khách hàng thích môi trường ổn định, kiểm soát tốt ở Mỹ. Công ty sẽ đưa ra các cấu trúc pháp lý cho khách hàng nếu không hoàn toàn chắc chắn rằng vấn đề thuế được kiểm soát.
Scott Cripps, Giám đốc điều hành của Rothschild tại Nevada là một luật sư thuế ở California, đã từng điều hành dịch vụ tín thác cho ngân hàng Bank of the West. Dịch vụ này hiện là một phần của công ty tài chính khổng lồ Paribas SA của Pháp. Ông Scott Cripps giải thích rằng việc chuyển tiền ra khỏi các thể chế tài chính truyền thống và gửi vào Nevada là một hoạt động kinh doanh mới phát triển nhanh của Rothschild. Đây sẽ là xu hướng nhiều người đi theo, bởi tính bảo mật cao thu hút người chuyển tiền đến Mỹ. Với những người nước ngoài giàu có, tính bảo mật cực kỳ quan trọng, nhất là ở những nước có nạn tham nhũng hoành hành.
Người ta chuyển tài sản từ Bahamas, từ Bermuda sang Mỹ. Khách hàng thường là các gia đình nước ngoài có con ở Mỹ.