MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ cử 300 “cố vấn quân sự” tới Iraq

21-06-2014 - 10:00 AM | Tài chính quốc tế

Với việc Tổng thống Barack Obama cử 300 “cố vấn quân sự” tới Iraq, nước Mỹ dấn thêm một bước trở lại với cuộc xung đột mà Washington tưởng chừng đã bỏ lại sau lưng.

Ông Obama xây dựng sự nghiệp chính trị dựa trên quan điểm phản đối chiến tranh Iraq và chấm dứt sự can thiệp của Mỹ tại chiến trường này. Nhưng theo báo Washington Post, phát biểu hôm 20-6 (giờ VN), ông Obama khẳng định phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) không chỉ đe dọa Iraq mà cả nước Mỹ bởi ISIL có thể tạo ra một “thiên đường khủng bố” ở bắc Iraq và Syria.

“Các cố vấn quân sự sẽ đánh giá cách tốt nhất để huấn luyện, tư vấn và hỗ trợ lực lượng an ninh Iraq - ông Obama nhấn mạnh - Quân đội Mỹ sẽ không tham chiến ở Iraq nhưng chúng ta sẽ giúp đỡ người Iraq chống khủng bố đang đe dọa người dân nước này, khu vực và lợi ích Mỹ”. Ông cũng tiết lộ Nhà Trắng “sẵn sàng thực hiện hành động quân sự chính xác và nhắm mục tiêu cụ thể” chống lại ISIL khi cần thiết.

Nhiệm vụ do thám

Cuộc chiến 4.000 tỉ USD

Giới truyền thông Mỹ đang lên tiếng báo động nguy cơ Washington lại sa lầy ở Iraq. Theo một số nghiên cứu, cuộc chiến Iraq đã cướp đi sinh mạng của 4.500 lính Mỹ và 500.000 người Iraq. Chuyên gia tài chính ĐH Harvard Linda Bilmes ước tính phí tổn của Mỹ đối với cuộc chiến này lên tới 4.000 tỉ USD. Có nghĩa là mỗi gia đình Mỹ phải chi 35.000 USD. Số tiền này đủ để đảm bảo toàn bộ trẻ em thế giới được đi học trong vòng 83 năm tới.

Theo báo New York Times, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết các cố vấn quân sự, bao gồm nhiều lính đặc nhiệm, sẽ có nhiệm vụ đánh giá sức mạnh của lực lượng vũ trang Iraq, khả năng và quyết tâm chiến đấu chống ISIL. Đáng kể hơn, các cố vấn quân sự này sẽ thu thập thông tin tình báo trên chiến trường để xác định các mục tiêu ISIL mà máy bay chiến đấu và máy bay không người lái Mỹ sẽ không kích khi ông Obama ra lệnh.

Các cố vấn này cũng sẽ giúp Nhà Trắng đánh giá tình hình an ninh phức tạp ở Iraq, bởi ở đây không chỉ ISIL đang gây chiến mà các bộ tộc Hồi giáo Sunni và các nhóm vũ trang Shiite cũng đóng vai trò lớn. Một số quan chức Lầu Năm Góc cho biết hiện vài chục cố vấn đã rời các căn cứ quân sự Mỹ tại Trung Đông và sẽ có mặt ở Iraq trong một hai ngày tới. Họ sẽ làm việc ở Bộ chỉ huy quân đội Iraq tại Baghdad cũng như các lữ đoàn.

Nguồn tin từ Nhà Trắng tiết lộ người lập kế hoạch này là tướng Martin Dempsey, tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, từng là tư lệnh tại Baghdad năm 2003-2004, có kinh nghiệm đối phó với phiến quân Hồi giáo Iraq. Trong hai ngày qua, quân đội Mỹ cũng đã triển khai hàng chục chuyến bay do thám bằng chiến đấu cơ F-18 và máy bay tuần tra P-3 tại Iraq để đánh giá lực lượng ISIL.

Kế hoạch trên vấp phải phản ứng từ cả phe Cộng hòa chủ chiến và những người phản đối chiến tranh. Nhà phân tích quân sự Rick Francona của CNN mô tả quyết định của ông Obama “tương đương với việc đưa quân tới chiến trường”. “Đó là bước đầu tiên. Đó là cách chúng ta bị cuốn vào các cuộc chiến” - ông Francona nhấn mạnh. Những người khác chỉ ra rằng cụm từ “cố vấn quân sự” gợi nhớ lại ký ức của chiến tranh VN. Khi đó Washington cũng mô tả lực lượng ban đầu tới VN là cố vấn quân sự.

Ngược lại, phe Cộng hòa cho rằng ông Obama quá “yếu đuối” khi không ra lệnh lập tức không kích ISIL. Trên báo Wall Street Journal, cựu phó tổng thống Dick Cheney, kiến trúc sư cuộc xâm lược Iraq, viết: “Hiếm có một tổng thống Mỹ nào sai lầm đến thế”. Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng ông Obama phải sa thải hết đội ngũ an ninh quốc gia.

Nỗ lực ngoại giao

Song song với việc triển khai cố vấn quân sự tới Iraq, ông Obama cũng khẳng định không có một giải pháp quân sự hiệu quả cho cuộc xung đột hiện tại và chính quyền Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki cần sửa sai bằng cách áp dụng các chính sách toàn dân để hàn gắn cộng đồng người Sunni và Shiite tại nước này. Ông cho biết sẽ cử Ngoại trưởng John Kerry tới châu Âu và Trung Đông ngay trong cuối tuần này để kêu gọi các nhà lãnh đạo Ả Rập thúc đẩy việc thành lập một chính phủ đa sắc tộc tại Iraq.

Trước đó, nhiều nghị sĩ Mỹ đòi ông al-Maliki từ chức vì đã áp dụng các chính sách phân biệt đối xử với người Sunni. Nguồn tin New York Times cho biết các quan chức Mỹ đã đàm phán với một số thủ lĩnh Sunni và người Kurd cũng như các quan chức Shiite ở Iraq với hi vọng họ sẽ lập một liên minh cầm quyền mới. Trong khi đó, chiến sự vẫn đang diễn ra quyết liệt tại Iraq.

Theo AFP, mới đây Bộ Ngoại giao Mỹ báo động tin các tay súng ISIL đã chiếm được một trong những cơ sở từng là nhà máy sản xuất vũ khí hóa học dưới thời cựu tổng thống Saddam Hussein. Dù vậy người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jen Psaki cho biết Nhà Trắng không tin rằng bất kỳ vật liệu nào còn sót lại ở nhà máy này có thể trở thành vũ khí. Các cuộc đụng độ cũng đang diễn ra quyết liệt tại nhà máy lọc dầu Baiji và sân bay Tal Afar ở khu vực miền bắc.

Theo Hiếu Trung

huongnt

Tuổi Trẻ

Trở lên trên