Mỹ cũng phải học các nền kinh tế mới nổi
Các nền kinh tế mới nổi mang đến những bài học quan trọng như kỷ luật tài chính và đầu tư vào giáo dục.
Sau nhiệm kỳ 4 năm, Chủ tịch FED sắp mãn nhiệm, ông Ben Bernanke đã có một tuyên bố quan trọng được dư luận quốc tế quan tâm: “Các nền kinh tế phát triển như Mỹ có lẽ cần học lại một số bài học được đúc kết từ kinh nghiệm của các nền kinh tế thị trường mới nổi”.
Trong khi Hội nghị Trung 3, khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc lại đưa ra quyết định có ý nghĩa cốt lõi của cải cách kinh tế mới ở Trung Quốc là “để thị trường đóng vai trò mang tính quyết định”, khiến vấn đề đặt ra, ai học ai?
Từ hệ quả của “chủ nghĩa tự do”
Được biết, nền kinh tế TBCN, tiêu biểu là kinh tế Mỹ và Tây Âu, đã trải qua ứng dụng các học thuyết kinh tế: Từ “bàn tay vô hình” của Adam Smith, “cân bằng tổng quát” của L.Walras, “nhà nước can thiệp” của John Maynard Keynes đến “Chủ nghĩa tự do mới” của F.A. Hayek.
Các học thuyết nêu trên đã thay nhau đưa lại những thành công cho nền kinh tế TBCN, đạt đến đỉnh cao phát triển như CNTB hiện đại vào những năm cuối của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, nhưng nó cũng ghi dấu ấn vào lịch sử hiện đại về cuộc đại khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, bắt nguồn từ Mỹ năm 2008 và trải qua 6 năm vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn “tiêu điều”.
Với lý luận uyên thâm, thực tiễn sâu sắc, ông Bernanke đã đưa ra các quyết sách tài chính Mỹ trong suốt thời gian khủng hoảng kéo dài của nền kinh tế số một thế giới, với những giải pháp “khôn ngoan” và chứa đựng những yếu tố “bất ngờ” (lãi suất gần 0% và các gói QE), khiến nền tài chính thế giới buộc phải cùng chia sẻ gánh nặng với nước Mỹ thông qua vị thế toàn cầu của đồng USD.
Tuy nhiên, trước khi nhiệm kỳ mới (2014-2018) bắt đầu vào tháng 2 này, có vẻ như ông Bernanke muốn “bàn giao” cho người đồng nghiệp là bà Janet Yellen đã được Quốc hội Mỹ thông qua ngày 7/1/2014 để trở thành Chủ tịch FED khóa 15 rằng, nước Mỹ cần học kinh nghiệm của các nền kinh tế mới nổi.
Theo ông Bernanke các nền kinh tế mới nổi mang đến những bài học quan trọng như kỷ luật tài chính và đầu tư vào giáo dục mà Mỹ và các nước phát triển cần học hỏi”. Tăng trưởng kinh tế nhanh và duy trì trong thời gian dài của các nền kinh tế mới nổi là một trong những xu hướng quan trọng về lâu dài sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu.
Các bài học có thể kể đến đó là: kỷ luật tài chính, đầu tư cho khu vực công, đẩy mạnh giáo dục-công nghệ, điều chỉnh hợp lý nhằm khuyến khích tăng trưởng và cải cách trong khi vẫn duy trì sự ổn định về tài chính. Sự “tăng trưởng thần kỳ” của châu Á là một hiện tượng thành công đáng chú ý nhất, đặc biệt là trường hợp của Trung Quốc. Sự phát triển của nền kinh tế này đã khiến các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển chiếm hơn 50% GDP toàn cầu, vượt qua con số hơn 25% vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước.
Ông Bernanke nhấn mạnh, sự ổn định kinh tế vĩ mô, mức độ tín nhiệm của thị trường, chính sách đúng và quyết đoán, các thể chế kinh tế vững là những yếu tố quan trọng cho sự tăng trưởng bền vững. Ông cũng khuyên các nước phát triển nên tập trung vào kỷ luật tài chính, tự do thương mại, lập quỹ tài chính tư nhân kết hợp với đầu tư cho khu vực công. Đây là những vấn đề liên quan đến chính sách mà các chính trị gia Mỹ đang tranh cãi.
Đến “để thị trường đóng vai trò mang tính quyết định”
Quan điểm “để thị trường đóng vai trò mang tính quyết định” thay cho quan điểm “thị trường đóng vai trò cơ sở, nền tảng” đã được Hội nghị TW3 khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra.
Theo giới phân tích quan điểm mới trên đây của Trung Quốc đã thể hiện sự điều chỉnh vai trò của nhà nước và thị trường đối với nền kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn tiếp theo. Trước đây, can thiệp quá sâu vào nền kinh tế đã không còn hiệu quả cho tăng trưởng nhanh và bền vững.
“Để thị trường đóng vai trò mang tính quyết định” có nghĩa là việc phân phối tài nguyên của Trung Quốc sẽ được “tự do hóa”, tức là để cho thị trường tự điều tiết quá trình sản xuất (theo nghĩa rộng) bao gồm cả sản xuất - phân phối – trao đổi – tiêu dùng. Nhà nước không can thiệp vào các lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, ngân hàng và đầu tư phát triển.
Việc “tự do hóa” nêu trên có vẻ gần gũi với lý thuyết kinh tế của “chủ nghĩa tự do mới” của F.A.Hayek đã từng được Tổng thống Mỹ R.Nixon năm 1992 ca ngợi rằng: “bí quyết thành công của Mỹ là ở chỗ thành công đó không phụ thuộc vào chính phủ mà đều do các thiết chế tư nhân” và hệ quả sau gần 30 năm thì đã rõ.
Mặc dù lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước và tài chính chưa được Nghị quyết Trung ương 3 của Trung Quốc cụ thể hóa, nhưng theo lôgic thì thị trường ắt phải “tự do điều tiết” lĩnh vực này, vì đây là cái gốc của mọi “nguồn lực” đất nước đã được tiền tệ hóa. Và bài học đắt giá mà nền kinh tế Mỹ và Tây Âu đã phải trả, chắc chắn các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Trung Quốc không thể không quan tâm.
Giới phân tích cho rằng Trung Quốc đã đạt được những tiến triển quan trọng về phương hướng cải cách với trọng tâm là chống độc quyền hành chính trong giai đoạn vừa qua, nhưng nay lại nhấn mạnh hơn nữa vai trò “tự do hóa” nền kinh tế để cho “bàn tay vô hình” có vai trò lớn hơn, phải chăng là một bước lùi?
Có chuyên gia cho rằng, đây là truyền thống “ném đá dò đường” của Trung Quốc để tiến tới “tự do hóa” chứ không phải “tư nhân hóa”. Đây là giải pháp để thị trường đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong phân bổ nguồn lực, thay vì phân định lại ngay lập tức về quyền tài sản, trong bối cảnh doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc chưa đủ mạnh để thay thế doanh nghiệp nhà nước.
Như vậy, cuộc khủng khoảng đầu tiên của CNTB hiện đại kéo theo hệ lụy đối với nền tài chính-kinh tế toàn cầu, khiến giới chuyên gia, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách của các quốc gia đều phải ra sức tìm kiếm mô hình (học thuyết) kinh tế mới khả dĩ đưa nền kinh tế phục hồi, phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ mới.
Vì thế, mô hình kinh tế các quốc gia mới nổi mà Trung Quốc dẫn đầu đang được các chuyên gia Mỹ khuyến cáo học hỏi, nội tại nền kinh tế Trung Quốc lại đang có nhu cầu “tự do hóa” - “để thị trường đóng vai trò mang tính quyết định”, khiến vấn đề “ai học ai” vẫn là câu hỏi khó./.
Theo Nguyên Nhâm