MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

New York đi về đâu?

08-11-2013 - 12:34 PM | Tài chính quốc tế

Bloomberg là một người có tài nhưng không phải là một vị thị trưởng “quyến rũ”. Nhiều người cho rằng de Blasio có thể ngược lại: được lòng dân nhưng lãnh đạo không hiệu quả.

“Trái táo lớn” đã “chạy tốt” suốt 20 năm qua. Điều gì sẽ xảy ra dưới sự dẫn dắt của vị thị trưởng mới? 
 “Các bạn đã không sai lầm, các công dân của thành phố này đã chọn con đường tiến bộ”, Bill de Blasio – vị thị trưởng mới đắc cử của New York – đã khẳng định nhu vậy. 

Ông de Blasio đã vượt qua đối thủ đến từ đảng Cộng hòa Joe Lhota trong cuộc bầu cử vừa diễn ra ngày 6/11 vừa qua để trở thành một trong những thị trưởng quan trọng nhất nước Mỹ. Với tỷ lệ phiếu bầu lên tới 73%, rõ ràng đây là dấu hiệu cho thấy người dân New York đang mong đợi điều gì đó khác biệt hoàn toàn so với những gì Micheal Bloomberg đã làm. Và, họ đã được thỏa mãn.

Tân thị trưởng thấu hiểu

Ông de Blasio đã thuyết phục cử tri rằng ông là vị thị trưởng của “99% dân số”. Những người phản đối thì cho rằng vị thị trưởng mới của New York có thể cổ súy cho phong trào Chiếm phố Wall.  Đây cũng là vị thị trưởng New York đầu tiên của đảng Dân chủ trong 2 thập kỷ qua. 

Chắc chăn, ông de Blasio sẽ có được sự đồng cảm với những người dân phải chật vật để trả tiền thuê nhà hoặc cho con theo học đại học. Ông đến từ một gia đình đổ vỡ - cha ông rời bỏ gia đình và sau đó tự sát thay vì chết vì ung thư. Gia đình của ông giống với phần lớn các gia đình ở New York. Vợ ông là người Mỹ gốc Phi. 

Rõ ràng, vị thị trưởng mới của New York ở một thái cực hoàn toàn khác biệt so với Bloomberg – tỷ phú có 31 tỷ USD trong túi và do đó sẽ không thể đồng cảm với những nỗi đau của tầng lớp trung lưu. Ông Bloomberg đã xây dựng nên đế chế thông tin tài chính trước cả khi ông chạy đua vào chức thị trưởng năm 2011. Ngược lại, ông de Blasio là một chính trị gia thuần túy.

Bloomberg tỏ ra là người khá logic và thường nói những câu tựa như “nếu bạn không thể đo đếm, hãy quản lý nó”. De Blasio có nụ cười và cử chỉ thân thiện. Tài sản kếch xù cho phép Bloomberg tự tài trợ cho các chiến dịch tranh cử và không nợ ai. De Blasio được hậu thuẫn bởi các nhóm lợi ích (ví dụ như các nghiệp đoàn nhà nước) và chắc chắn họ muốn ông bù đắp bằng thứ gì đó.

Chênh lệch giàu nghèo ở New York lớn hơn bất kỳ thành phố nào ở Mỹ. Khoảng 30% người dân chi tiêu hơn một nửa số tiền họ kiếm được vào tiền thuê nhà. Một phụ nữ làm công việc dọn vệ sinh với hai đứa con và người chồng thất nghiệp than phiền cô không thể tiếp tục trả tiền thuê nhà Brooklyn. Hàng xóm của cô cũng khiếp sợ trước giá thuê nhà ngày càng tăng cao. “2.000 USD/tháng? Ai có thể chịu đựng được mức giá đó?”, cô cằn nhằn.

Chênh lệch giàu nghèo chính là điểm mấu chốt trong chiến dịch tranh cử của de Blasio. Ông đổ tội cho Bloomberg, cho rằng ông đã khiến khoảng cách ngày càng nới rộng. De Blasio muốn nâng thuế đánh vào người nghèo để chi trả cho trường công. Đây là một dự án đáng giá, nhưng hệ thống trường công của New York rõ ràng là không thiếu tiền. Chi phí lên đến gần 20.000 USD – thậm chí còn cao hơn một số trường tư.

Và, cũng cần phải lưu ý về chuyện đánh thuế ở New York. 1% người giàu nhất (khoảng 35.000 người) đóng góp tới 43% doanh thu thuế của thành phố. Tính cả thuế liên bang, tỷ lệ lên tới 55%. Tăng thuế đánh vào người giàu (từ 3,9% lên 4,4%) có thể khiến bộ phận này rời khỏi New York để tới Florida. Kế hoạch của ông khiến nhiều người lo lắng, và sự thiếu kinh nghiệm trong quản lý có thể khiến nhiều người hoài nghi liệu kế hoạch này có khả thi. 

Nhớ về Bloomberg

Để hiểu về những thay đổi mà de Blasio sẽ đem đến, hãy nhìn lại những gì Bloomberg đã làm. Ông nhậm chức chỉ 3 tháng sau vụ tấn công khủng bố 11/9, khi phần còn lại của Trung tâm thương mại thế giới là một đống đổ nát và nền kinh tế thì mong manh dễ vỡ. Nhiệm vụ đầu tiên của Bloomberg là trấn an một thành phố nhuốm màu sợ hãi. Và, ông đã thành công. 

Không có vụ tấn công khủng bố nào thành công ở New York kể từ năm 2001 đến nay. Ít nhất 16 vụ đã bị dập tắt, trong đó có một vụ đánh bom vào khách du lịch ở quảng trường Thời đại. Nhận ra rằng “trái táo lớn” nằm trong danh sách mục tiêu của al-Qaeda, Bloomberg đã thành lập cơ quan đối phó với khủng bố với sự dẫn dắt của David Cohen – một cựu nhân viên CIA. Ngoài ra, cơ quan này còn có sự góp mặt của các chuyên gia quân sự và đối ngoại. 

Tỷ lệ tội phạm cũng đã giảm xuống dưới thời người tiền nhiệm của Bloomberg. Tuy nhiên, dưới bàn tay của tỷ phú này, New York trở nên an toàn hơn. Năm ngoái, số vụ nổ súng giảm xuống 419, chỉ bằng 1/5 so với năm 1990, bất chấp số dân của thành phố đã tăng thêm hơn 1 triệu người. 

Lực lượng cảnh sát kiểm tra việc sử dụng súng một cách chặt chẽ, mặc dù điều này cũng gây nên tranh cãi. Một số người cho rằng cảnh sát phân biệt chủng tộc khi tập trung vào các thanh niên da đen. Mùa hè qua, một thẩm phán liên bang đã buộc tội sĩ quan cảnh sát vi phạm quyền công dân của hàng nghìn người. 

Một New York an toàn hơn giúp thu hút lượng khách du lịch kỷ lục: 52 triệu người – tăng 40% so với năm 2000. Các cửa hàng lại đầy ắp khách du lịch, các buổi hòa nhạc ở Broadway chật cứng khán giả. Bất chấp khủng hoảng tài chính, số việc làm mà khu vực tư nhân New York tạo ra vẫn tăng 4% trong giai đoạn 2007 – 2012, trong khi con số trên cả nước giảm 3%. 

Ngoài các ngành truyền thống – tài chính, bất động sản và truyền thông, New York có ngành công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, tạo ra lương hàng năm lên tới 30 tỷ USD. Lương trả cho các nhân viên trong ngành công nghệ tăng mạnh, bù đắp lương của phố Wall sụt giảm. Thị trưởng Bloomberg cấp tiền và đất đai cho ĐH Cornell và Technion để phát triển trung tâm nghiên cứu công nghệ, hi vọng có thể tạo ra văn hóa khởi nghiệp giống như ở thung lũng Silicon.

Trước năm 2002, các trường học của New York khá nghèo nàn. Hơn 1/5 học sinh bỏ học cấp 3 trước khi tốt nghiệp. Không có trường công nào của New York nằm trong top 25, bây giờ 22/25 trường là ở New York. Bloomberg đóng cửa các trường khó khăn, mở trường nhỏ hơn và cho phép mô hình trường được ngân sách tài trợ nhưng được điều hành bởi tư nhân. Các hiệu trưởng cũng phải trải qua kỳ thi sát hạch và việc sa thải giáo viên yếu kém trở nên dễ dàng hơn. 

Kết quả là, năm 2003, 20,5% học sinh ở New York có kết quả tốt hơn về môn toán trong các kỳ thi cấp quốc gia. Mô hình trường mới ở Harlem đã tỏ ra hiệu quả. Tuy nhiên, công đoàn ghét chúng và ông de Blasio cũng không ưa mô hình này. 

Dân số của New York đã tăng khoảng 300.000, lên 8,3 triệu người dưới thời Bloomberg. Lần đầu tiên kể từ năm 1950, số người di cư đến thành phố nhiều hơn số người đi khỏi. Năm 2007, Bloomberg phác họa kế hoạch tăng trưởng 25 năm, trong đó 40% thành phố sẽ được quy hoạch lại và phát triển theo hướng ưu tiên cơ sở hạ tầng. Từ năm 2002, thành phố cam kết đổ hơn 88 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng như đường tàu điện ngầm và công viên. 

Tuy nhiên, Bloomberg thường hành động theo kiểu áp đặt. Ông đóng cửa các trường mà không tham khảo ý kiến phụ huynh, đóng cửa đường phố mà không thông báo. Doug Muzzio – một nhà chính trị học – gọi kiểu của ông là “đế chế”. Ông cấm hút thuốc ở hầu hết các nơi công cộng. Điều này khiến những người theo chủ nghĩa tự do mếch lòng. 

Bloomberg sử dụng các số liệu để làm những điều tẻ nhạt. Đội ngũ phân tích của ông lấy số liệu từ nhiều cơ quan để đưa ra quyết định. Ví dụ, họ theo dõi các cuộc gọi đến số 311 ( đường dây nóng của địa phương) và sau đó liên kết với những thông tin như không chấp thuận quy tắc về thuế để chỉ ra các vụ việc trái phép. 

Nói một cách ngắn gọn, Bloomberg là một người có tài nhưng không phải là một vị thị trưởng “quyến rũ”. Nhiều người cho rằng de Blasio có thể ngược lại: được lòng dân nhưng lãnh đạo không hiệu quả. Còn quá sớm để khẳng định điều này, nhưng chắc chắn vị thị trưởng mới của New York sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Và, có thể, người dân New York đã bắt đầu “thương nhớ” vị thị trưởng cũ của họ. 

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên