MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nga hối thúc doanh nghiệp trở về quê nhà

12-04-2014 - 17:08 PM | Tài chính quốc tế

Sau một thập kỷ sát cánh cùng nhau, các công ty Nga và thị trường tài chính toàn cầu đang bắt đầu tách rời.

Đầu tuần này, Phó Thủ tướng Nga Igor Shuvalov vừa lên tiếng khuyến khích các công ty Nga như Gazprom và Sberbank hủy niêm yết trên các TTCK nước ngoài với lý do là để đảm bảo an ninh kinh tế. Cùng lúc đó, nhiều ngân hàng Mỹ và châu Âu như Citigroup và Deutsche Bank cũng đang xem xét kỹ lưỡng các vụ làm ăn với doanh nghiệp Nga trong bối cảnh khủng hoảng ở Ukraine vẫn chưa chấm dứt. Điều này cũng có nghĩa là các công ty Nga sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc huy động vốn từ nước ngoài. 

Đồng thời, các ngân hàng toàn cầu cũng bị cản trở trong nỗ lực thâm nhập Nga – một thị trường mới nổi có vai trò quan trọng. Mặc dù vậy, các ngân hàng lớn vẫn cam kết sẽ duy trì hoạt động kinh doanh ở Nga, bất chấp môi trường ngày càng không thuận lợi. 

Sergei Ostrovsky – chuyên gia đến từ hãng luật Ashurst LLP có trụ sở tại London – cho rằng các ngân hàng đang đặc biệt thận trọng. Theo một nguồn tin thân cận, Citigroup vừa thành lập một nhóm đặc biệt đánh giá lại hoạt động kinh doanh ở Nga. Bank of America Corp. và Deutsche Bank cũng có những động thái tương tự. 

Các thương vụ của Nga

Trong mấy năm gần đây, một số thương vụ lớn nhất ở châu Âu đều có liên quan đến Nga, trong đó có vụ liên doanh dầu khí giữa TNK và BP trị giá 55 tỷ USD năm 2012. Tháng trước, công ty điện RWE của Đức vừa bán bộ phận dầu khí cho một quỹ được quản lý bởi tỷ phú Nga Mikhail Fridman với giá 7 tỷ USD. Đây là thương vụ lớn nhất trong năm 2013 của ngành năng lượng châu Âu. 

Hiện nay có tổng cộng 68 doanh nghiệp Nga niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán London. Mail.ru Group Ltd và OAO Lukoil (công ty tư nhân lớn nhất trong ngành dầu khí của Nga) thì đang niêm yết cổ phiếu trên sàn New York. Chính ông Shuvalov cũng cho rằng “thị trường vốn quốc tế đang trở nên phức tạp hơn và gần hơn với các công ty Nga”. 

Những thương vụ giữa các ngân hàng toàn cầu và khách hàng Nga vẫn đang được tiến hành. Metalloinvest Holding Co. - công ty khai thác quặng sắt sở hữu bởi tỷ phú Alisher Usmanov hôm 19/3 vừa nhận khoản vay 1,2 tỷ USD từ nhiều ngân hàng, trong đó có Credit Suisse Group AG và Societe Generale SA. 1 tuần sau đó, Credit Bank of Moscow cũng huy động được khoản vay lên tới 550 triệu USD được dàn xếp bởi Morgan Stanley (MS) và HSBC Holdings Plc cùng một số ngân hàng khác. 

Rủi ro danh tiếng 

CEO của Goldman Sachs Group Inc., Morgan Stanley và Citigroup đều đang có kế hoạch tới tham dự Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg - sự kiện được ông Putin đứng ra tổ chức vào tháng tới. 

Các ngân hàng bán lẻ cũng đang "bám chặt" vào hoạt động ở Nga. Tháng trước, Citigroup vừa mở phòng giao dịch thứ 51 ở ngoại ô thủ đô Moscow. 

Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn cố gắng né tránh những nhân vật có thể sẽ nằm trong danh sách cấm vận trong tương lai, tối thiểu hóa rủi ro về danh tiếng và hạn chế sự ảnh hưởng của nền kinh tế Nga vốn ngày càng mỏng manh. 

Các doanh nghiệp Nga và phương Tây cũng đang có ý định thực hiện một số vụ M&A qui mô lớn. Công ty sản xuất thiết bị điện Fortum Oyj đã có kế hoạch chi phần lớn số tiền có được từ việc bán thiết bị ở Phần Lan và Thụy Điển để thực hiện các vụ mua lại ở Nga. Tuy nhiên, các kế hoạch đều đang bị xem xét lại do khủng hoảng ở Ukraine. 

Cùng lúc đó, Donskoy Tabak - công ty buôn bán thuốc lá độc lập lớn nhất ở Nga, có thể sẽ phải ngừng các nỗ lực tìm kiếm người mua bởi hiện nay có rất ít công ty muốn mở rộng hoạt động ở Nga. 

Morgan Stanley là ngân hàng tư vấn hoạt động năng nổ nhất trong các vụ M&A ở Nga. Kể từ 2009 đến nay, Morgan Stanley đã thực hiện các thương vụ có tổng trị giá 100 tỷ USD trong tổng số 363 tỷ USD. Đứng sau là Deutsche Bank với các thương vụ trị giá 95 tỷ USD. 

Theo Charles Geisst, giáo sư tài chính tại ĐH Manhattan, nếu các lệnh cấm vận khắc nghiệt hơn được áp dụng, các công ty Nga phụ thuộc vào thị trường tài chính sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn so với các ngân hàng nước ngoài. "Đầu tư từ các doanh nghiệp nội địa và các nước đồng minh là không đủ để hỗ trợ thị trường và giữ cho đồng ruble ổn định", ông nói. 

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên