MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Trung Quốc giảm thọ 5 năm vì ô nhiễm

09-07-2013 - 20:00 PM | Tài chính quốc tế

Theo hồ sơ bệnh án, khác biệt trên là do các bệnh liên quan tới tim và phổi (mà một trong các nguyên nhân quan trọng là do ô nhiễm không khí).

Ô nhiễm khói than có thể đã giảm tuổi thọ trung bình tại nhiều vùng ở Trung Quốc xuống hơn 5 năm trong thập niên 1990, một nghiên cứu do Viện công nghệ Masachussets (MIT) và ba trường đại học khác tiến hành cho biết.

Như vậy ô nhiễm tác động tới sức khỏe người dân Trung Quốc nhiều hơn so với các tính toán trước đây.

Trung Quốc đã vật lộn với ô nhiễm không khí do kinh tế tăng trưởng quá nhanh, khiến nhiều người thêm lo ngại về tác động tới sức khỏe nhân dân. Dù mấy năm trở lại đây Trung Quốc đã nỗ lực đối phó với một số chất độc hại như sulfur dioxide nhưng ô nhiễm không khí vẫn “ở mức vô cùng cao”.

Tháng trước, Trung Quốc công bố một loạt biện pháp kiểm soát ô nhiễm. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2017 sẽ giảm mật độ khí thải từ các ngành trọng yếu xuống 30%.

Chủ tịch Tập Cận Bình còn “nhắc khéo” cán bộ địa phương cần tập trung giảm ô nhiễm tại địa phương mình.

“Chính phủ có thái độ rất nghiêm túc”, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát khí thải xe cộ thuộc Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc, ông Tang Dagang, cho biết. “Các biện pháp này cụ thể và chặt chẽ hơn trước đây." 

Khu thương mại của Bắc Kinh trong màn sương ô nhiễm

Nghiên cứu của 4 trường đại học là MIT, ĐH Bắc Kinh, ĐH Thanh Hoa và ĐH Jerusalem dựa trên một chính sách có từ thời Mao Chủ tịch (đã bị bãi bỏ) theo đó chính phủ cấp than sưởi miễn phí cho nhà dân và văn phòng ở các vùng phía Bắc Trung Quốc. Chính phủ lấy sông Hoài làm giới tuyến, giúp nghiên cứu trên có ranh giới địa lý rõ ràng để tiện so sánh.

Tuổi thọ trung bình ở miền Bắc hay miền Nam Trung Quốc nhìn chung là như nhau, nhưng nghiên cứu phát hiện thấy người sống ở vùng ngay phía Nam sông Hoài thọ hơn người sống ở ngay phía Bắc sông Hoài tới 5 tuổi rưỡi.

Phát hiện này trái ngược với các ước lượng tuổi thọ dựa trên thu nhập và thành phần dân cư.

Theo hồ sơ bệnh án ở hai vùng, khác biệt trên là do các bệnh liên quan tới tim và phổi (mà một trong các nguyên nhân quan trọng là do ô nhiễm không khí).

Nghiên cứu tập trung vào tác động của các phân tử bồ hóng, khói và các phân tử khí thường chỉ tập trung ở một địa phương thay vì các loại khí dễ dàng lan tỏa ra toàn quốc như NO và SO2.

Nhờ một chính sách nữa từ thời trước mở cửa mà nghiên cứu càng dễ thực hiện hơn, ấy là cấm người dân chuyển tới sống ở các vùng khác, vì thế phần lớn đối tượng nghiên cứu đã sống cả đời trong vùng.

Trung Quốc là nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới và vẫn tiếp tục trợ giá cho ngành than. Dù chính phủ đang tìm cách trao thêm quyền định giá năng lượng cho thị trường nhưng hiện nhiều tòa nhà vẫn dùng hệ thống sưởi chạy than giá rẻ.

Nghiên cứu của bốn trường đại học cũng tìm hiểu cả tác hại của chính sách trợ giá năng lượng kể trên. “Đảm bảo cho người dân được ấm áp vào mùa đông là tốt, nhưng chúng tôi vừa mới phát hiện ra một số hậu quả không mong muốn,” GS Greenstone từ MIT nói.

Trong khi đó, ảnh hưởng tới sức khỏe con người do mật độ các chất gây ô nhiễm cao vẫn chưa được nghiên cứu thấu đáo. Phần lớn các nghiên cứu hiện đều lấy không khí tại các nước đang phát triển (tương đối sạch) làm đối tượng so sánh.

Dù Trung Quốc đã cố gắng giảm một số chất gây ô nhiễm như SO2 nhưng mức độ ô nhiễm vẫn cao hơn nhiều lần so với phương Tây. Hôm thứ Hai tuần này, Chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Sở Bảo vệ môi trường New York chỉ có 65 điểm.

Ngược lại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Bắc Kinh báo cáo chỉ số AQI tại đây là 164. Năm ngoái, chỉ số này còn lập đỉnh 700 điểm. Chỉ số AQI càng cao, mức độ ô nhiễm càng nặng.

Quỳnh Oanh

tuannm

WSJ

Trở lên trên