MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà giàu mới nổi ở Myanmar (P2)

08-09-2014 - 08:56 AM | Tài chính quốc tế

Khi Myanmar mở cửa sau nhiều năm bị cô lập, một nhóm người giàu nổi lên, khao khát thể hiện sự giàu có đối lập với nghèo đói ở phần lớn đất nước.

Chàng trai 29 tuổi Carl Moe Myint đang thư giãn tại câu lạc bộ đua thuyền Yangon trong trang phục áo sơ mi xanh và quần âu đen. Làn da của anh rám nắng sau nhiều năm đi khắp Nam Phi, Singapore và Thái Lan.

Được thành lập năm 1924, trong thời kỳ người Anh đô hộ Myanmar, câu lạc bộ nằm bên bờ hồ thơ mộng ở trung tâm Yangon đã bị tàn phá trong suốt Thế chiến thứ hai. Giờ đây, các quán bar, nhà hàng và nhiều cơ sở vật chất khác đã được khôi phục lại chủ yếu nhờ tiền của gia đình Moe Myint. Câu lạc bộ được coi là điểm đến lý tưởng của giới nhà giàu ở Myanmar với số thành viên tăng 30% trong năm qua. 

Cha của Moe Myint, Michael Moe Myint, là nhà sưu tầm sách giàu có và có niềm say mê với bộ môn thể thao đua thuyền. Ông cũng là chủ của MPRL E&P Pte Ltd. Co., công ty dầu khí tư nhân lớn nhất ở Myanmar. Khi các công ty nước ngoài được phép vào hoạt động ở Myanmar, MPRL là đối tác của 4 công ty. 

Trở về từ ĐH Colorado năm 2008 sau khi học xong chuyên ngành kinh tế, Moe Myint hiện đang dồn sức cho một dự án lớn hơn cả dự án khôi phục câu lạc bộ ở Yangon: biến thị trấn ven biển Ngwe Saung thành sân chơi đua thuyền tầm cỡ quốc tế. 

Nằm ở trung tâm của dự án là câu lạc bộ du thuyền Ngwe Saung Yacht Club – dự án trị giá 17 triệu USD có gắn theo resort. “Ở Myanmar có quá ít người giàu muốn chi tiền để phát triển những đam mê của họ. Thay vào đó họ đến các câu lạc bộ đêm và tiêu xài hoang phí. Đầu tư vào những thứ phục vụ công chúng như trung tâm nghệ thuật, công viên hoặc các sáng kiến từ thiện vẫn còn rất hiếm”. anh nói. 

Patrick Robert, kiến trúc sư 67 tuổi người Pháp đã sống ở Yangon suốt hơn 20 năm nay, chia sẻ ông cảm thấy khá ngạc nhiên bởi có quá ít người giàu ở Myanmar quan tâm đến chi tiêu hợp lý. 

Hiện đang làm công việc thiết kế nhà ở, khách sạn và nhà hàng cho các khách hàng giàu có trên khắp thế giới đồng thời làm công việc bảo tồn các công trình kiến trúc, ông đang giúp khôi phục một vài công trình ở Yangon được xây dựng từ đầu những năm 1990. Tuy nhiên, Robert cho biết chủ yếu khách hàng là các doanh nhân đến từ phương Tây chứ không phải người dân Myanmar. 

Tháng 4 vừa qua, Robert giúp tổ chức chuyến đi châu Âu cho một gia đình giàu có ở Myanmar. Vì đây là lần đầu tiên người này tới châu Âu, ông muốn Robert dẫn đi tham quan tất cả những gì tráng lệ nhất của “lục địa già”. Robert sắp xếp một chuyến thăm bảo tàng Louver vào đầu giờ sáng – thời điểm khách du lịch không cần mua vé vào cửa. Tuy nhiên, vị doanh nhân này không tỏ ra thích thú. 

“Một tuần ở London, Rome và Paris, tất cả chỉ có mua sắm, mua sắm và mua sắm. Cái này của Chanel, cái kia của Louis Vuitton”, Robert nói. Triệu phú Myanmar rất cảm ơn Robert vì đã giúp ông mua được chiếc túi Hermes trị giá 80.000 USD cho vợ chỉ trong 1 ngày thay vì phải đợi 3 tuần đến vài năm. 

Ở ngoại ô Yangon, Ivan Pun đang ngồi trong văn phòng Pun+Projects, công ty được thành lập dựa trên thứ mà Pun gọi là “những ý tưởng bán lẻ xa xỉ”. Pun đã bắt đầu với Transit Shed 1 (TS1), dự án gồm một trung tâm triển lãm nghệ thuật và một trung tâm bán lẻ.

Trên bàn của Pull là một tá những chiếc bút chì đen được gọt kỹ càng. Bản copy của những tạp chí thời trang đình đám như Monocle và Apartamento nằm gọn gàng trên bàn. Văn phòng của Pun nằm trên tầng 8 của tòa nhà 11 tầng FMI Center. Đây là một trong những tòa nhà văn phòng hiếm hoi ở Yangon, được xây dựng bởi cha của Pun.  

Sáng thứ hai hàng tuần, Pun chủ trì cuộc họp ở TS1, thảo luận về mọi khía cạnh của dự án, từ việc bán các tác phẩm nghệ thuật cho tới buổi triển lãm tiếp theo hay việc hậu cần của nhà hàng Port Autonomy nằm cách TS1 vài mét. Tuy nhiên, dự án gặp phải một vấn đề khá phổ biến ở Myanmar: làm thế nào để nhà hàng có điện. 

Cuộc họp bị gián đoạn 3 lần chỉ trong 10 phút bởi chiếc điện thoại của Pun đổ chuông với nhiều cuộc điện thoại quan trọng. Các nhân viên – hầu hết ở độ tuổi cuối 20, đầu 30 – chăm chú thảo luận về từng chi tiết của TS1 – từ đồng phục của nhân viên cho tới giá cả. 

Những ngày này Pun càng bận rộn nhiều hơn bởi phải giải quyết công việc trước khi có chuyến đi kéo dài 3 tuần tới Hồng Kông, Tokyo, New York và cuối cùng là tới Brazil để xem World Cup. Ở Mỹ, Pun sẽ tới một cửa hàng ở Hamptons – nơi các sản phẩm mang thương hiệu MyanmarMade đã được bán trong suốt mùa hè qua. 

Pun chia sẻ những gì quan sát được ở nước ngoài sẽ giúp anh mang về rất nhiều ý tưởng cho Myanmar. Lớn lên ở Anh, Pun học ngành phương Đông ở Oxford. Tuy nhiên, anh bỏ học năm 2007 vì cho rằng chuyên ngành này không phù hợp. Pun chuyển sang theo đuổi thời trang và âm nhạc. Điều này đem anh đến với tạp chí Vogue nổi tiếng. 

Năm 2009, anh trở lại châu Á và ban đầu làm việc ở Bắc Kinh. Cuối cùng, Pun bị hấp dẫn bởi mảnh đất quê nhà Myanmar, trở về làm việc cho tập đoàn của bố. 

Năm ngoái, Pun tổ chức một bữa tiệc theo phong cách “Great Gatsby” ở Yangon với sự tham dự của người bạn Baz Luhrmann cũng là đạo diễn của bộ phim. 

Thu Hương

huongnt

WSJ

Trở lên trên