MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà hàng, khách sạn ở Brussels điêu đứng vì khủng bố

01-04-2016 - 09:09 AM | Tài chính quốc tế

Khu vực khách sạn ở Brussels đang rơi vào tình trạng ế ẩm vì hậu quả của các cuộc tấn công khủng bố tuần trước. Tổng số phòng khách sạn có khách ở Brussels đã giảm trên 50% kể từ ngày 22/3.

Vào ngày phục sinh 28/3, chỉ 18% số phòng khách sạn ở Brussels có khách. Con số này thấp hơn nhiều so với tỉ lệ trên 75% thường thấy trong dịp lễ này. Những ngày trước lễ phục sinh, nhiều đơn đặt khách sạn đã bị huỷ, dẫn tới tỉ lệ phòng khách sạn có khách vào những ngày này giảm trên 50%. Đây là những thông tin được ông Rodolphe Van Weyenbergh, tổng thư ký Hiệp hội Khách sạn Brussels (BHA) chia sẻ.

Ông Van Weyengbergh cho biết, để có lợi nhuận, hàng năm trung bình mỗi khách sạn ở Brussels cần phải cho thuê được 70% số phòng. Vì vậy, theo ông, tình hình ế ẩm này chưa bao giờ diễn ra và các khách sạn ở Brussels không thể trụ vững.

BHA đã kiến nghị chính phủ Bỉ áp dụng ngay cơ chế thất nghiệp tạm thời cho nhân viên khách sạn ở Brussels đồng thời bỏ thuế du lịch đối với phòng khách sạn (vốn được đánh giá là cao nhất nước Bỉ). Theo ông Van Weyenbergh, nếu không có biện pháp nào được đưa ra, thì hàng ngàn nhân viên khách sạn sẽ đứng trước một thảm hoạ xã hội.

Theo BHA, các cuộc khủng bố tại Brussels vào ngày 22/3 là một đòn giáng tiếp theo vào khu vực khách sạn ở Brussels. Sân bay Zaventem tạm thời phải đóng cửa đã dẫn tới số lượng đặt khách sạn giảm mạnh và số lượng huỷ khách sạn tăng cao. Hệ thống khách sạn nơi đây cũng đã chịu nhiều thiệt hại sau cuộc khủng bố tại Paris vào tháng 11/2015, khi thành phố Brussels được đặt ở mức cảnh báo nguy cơ khủng bố cao.

Các hãng hàng không, cơ sở kinh doanh, khách sạn, nhà hàng, các cửa hiệu cà phê của Bỉ là các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Đối với một số doanh nghiệp, con số thiệt hại về kinh tế do cuộc khủng bố này có thể lên tới hàng triệu euro.

Hãng hàng không Brussels Airlines buộc phải dịch chuyển các chuyến bay từ Brussels đến các sân bay ở Antwerpen, Luik, Frankfurt và Zurich. Theo ông Bernard Gustin, chủ tịch hội đồng quản trị Brussels Airlines, việc dịch chuyển này tiêu tốn hàng chục triệu euro trong khi chi phí thay đổi đường bay cho hàng chục nghìn hành kháchlên tới hàng triệu euro. Ngoài ra, hãng còn phải trang trải các chi phí khác, như tiền khách sạn cho nhân viên ở Oostende, vận chuyển hành khách miễn phí bằng xe buýt, chi phí quá cảnh, ăn uống và nhiều phụ phí khác.

Theo kết quả của một cuộc điều tra nhanh do tổ chức độc lập NSZ tiến hành tại 207 cửa hàng ở khu vực Brussels Geweest, doanh thu của các cửa hàng này giảm 57% sau cuộc khủng bố ngày 22/3.

Các nhà kinh tế cho rằng các cuộc khủng bố ngày 22/3 sẽ chỉ gây ảnh hưởng hạn chế và nhất thời đến nền kinh tế Bỉ và không thể kéo nền kinh tế nước này đi xuống dốc. Kinh nghiệm thực tế cũng cho thấy, các cuộc tấn công khủng bố tại New York, Madrid và London không ảnh hưởng nhiều đến các số liệu tăng trưởng kinh tế của Mỹ, Tây Ban Nha và Anh.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế lo ngại rằng một làn sóng khủng bố mới sẽ là mối đe doạ lớn nhất đối với kinh tế Bỉ. Theo ông Bart Van Craeynest, chuyên gia kinh tế thuộc tập đoàn Econopolis, nếu các cuộc khủng bố tại Zaventem và Maalbeek mới chỉ là màn dạo đầu cho một làn sóng khủng bố mới, thì chắc chắn nền kinh tế Bỉ sẽ chịu nhiều thiệt hại.

CTV Xuân Hương (từ Brussels, Bỉ)

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên