MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhân dân tệ vào SDR: Lợi bất cập hại?

05-12-2015 - 20:34 PM | Tài chính quốc tế

Nhìn dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sụt giảm từ đỉnh 4.000 tỷ USD cuối năm ngoái xuống còn 3.500 tỷ USD trong năm nay, có thể thấy áp lực giảm giá rất lớn đang đè nặng đồng nhân dân tệ.

Kể từ đầu năm nay, việc di chuyển qua kênh đào Suez thuận tiện hơn trước nhờ công tác mở rộng kênh đào. Nhưng sau khi IMF quyết định đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ SDR, lệ phí quá cảnh đã trở thành mối bận tâm lớn đối với các hãng vận tải vì lệ phí đi qua đây được tính bằng SDR.

Nếu rất nhiều hàng hóa và dịch vụ được định giá bằng SDR, quyết định mới đây của IMF sẽ buộc các công ty trên toàn cầu mua vào tài sản bằng nhân dân tệ sớm nhất có thể để quản lý rủi ro và khiến đồng nhân dân tệ tăng giá đáng kể. Nhưng phí quá cảnh qua kênh Suez là trường hợp hiếm hoi. Có rất ít hàng hóa và dịch vụ được tính bằng SDR. Phê chuẩn của IMF chủ yếu đưa đồng nhân dân tệ gia nhập vào nhóm đồng tiền “thượng lưu” hơn là thiết lập một lượng cầu nhân dân tệ ồ ạt. Thậm chí quyết định này còn có thể mở đường cho đồng nhân dân tệ mất giá.

Lý do là vì sau khi vào giỏ SDR, giống như NHTW các nước phát triển khác, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ buộc phải để thị trường định giá đồng nội tệ. Phía IMF có trách nhiệm đảm bảo tính “tự do sử dụng” của đồng tiền này. Đây là bước nhảy vọt lớn về lòng tin vì từ trước đến nay nhân dân tệ đều bị kiểm soát chặt chẽ bởi các mệnh lệnh hành chính. Trước khi đưa ra quyết định, IMF đã yêu cầu Trung Quốc thay đổi chế độ quản lý tiền tệ.

Thời gian trước, tỷ giá nhân dân tệ luôn bị cho là không phản ánh đúng giá trị thực sự trên thị trường. Hiện nay cơ chế xây dựng tỷ giá đã được điều chỉnh. Tỷ giá bắt đầu mỗi phiên giao dịch được gắn với mức kết thúc phiên hôm trước. Mặc dù quãng đường đến với cơ chế thả nổi hoàn toàn còn khá xa đối với nhân dân tệ, kể từ khi Trung Quốc thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá (tức tháng 8/2015), PBOC đã phải liên tục tung ra các biện pháp kỹ thuật để can thiệp chống lại đà giảm của nhân dân tệ.

Vậy, câu hỏi là tại sao PBOC lại phải tiêu tốn nhiều tiền như vậy. Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc hoàn toàn để thị trường quyết định giá trị của đồng nội tệ? Nhìn dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sụt giảm từ đỉnh 4.000 tỷ USD cuối năm ngoái xuống còn 3.500 tỷ USD trong năm nay, có thể thấy áp lực giảm giá rất lớn đang đè nặng đồng nhân dân tệ. Nếu kể từ mùa hè đến nay PBOC không kiểm soát dòng vốn chặt chẽ thì có thể dòng vốn chảy ra ngoài còn lớn hơn rất nhiều.

Đồng nhân dân tệ có vẻ như đang bị định giá cao xét trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc. Đồng USD thì đang ở trong đà tăng. Chỉ trong 18 tháng, USD đã tăng 13% – gần chạm mức đỉnh tăng cao nhất lịch sử. Nhân dân tệ vẫn tiếp tục được neo với đồng USD.Trong khi Fed ngày càng đến gần hạn nâng lãi suất vào cuối năm, Trung Quốc lại đánh mất chính sách tiền tệ của mình, khiến cho đồng nhân dân tệ phải gánh áp lực giảm giá, ít nhất để chống lại đồng USD.

Sẽ là liều lĩnh nếu dự đoán Trung Quốc ngay lập tức hoàn toàn trao quyền kiểm soát cho thị trường. Vì điều đó đi ngược lại với sở thích sâu xa là cải cách dần dần. Tuy nhiên, vào SDR càng khiến trách nhiệm của Trung Quốc tăng lên và đó là chỉ báo dẫn đến kịch bản đồng nhân dân tệ yếu đi.

Thảo Trang

Economist

Trở lên trên