MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhật Bản muốn người dân nghỉ ngơi nhiều hơn

26-05-2015 - 15:35 PM | Tài chính quốc tế

Nhật Bản muốn người lao động đi nghỉ nhiều hơn và giảm thời gian làm việc nhằm giảm bớt số lượng người tự tử vì làm việc quá sức.

Nhiều thập kỷ kể từ khi từ “karoshi” (chết vì làm việc quá nhiều) xuất hiện trong từ điển tiếng Nhật, chính phủ Nhật Bản vẫn đang chật vật tìm ra cách kiểm soát vấn đề này. Thời gian nghỉ phép theo quy định và số lượng các ngày nghỉ đã tăng lên, nhưng người Nhật vẫn không muốn nghỉ ngơi và số vụ tự tử liên quan đến công việc không hề thuyên giảm trong suốt thập kỷ vừa qua.

Thể hiện lòng trung thành với công ty bằng cách cống hiến toàn bộ thời gian và không bao giờ rời công sở trước sếp đã trở thành quan niệm ăn sâu vào ý thức của người lao động Nhật Bản. Mỗi năm ở Nhật có tới 2.000 vụ tự tử có liên quan đến công việc và hầu hết các nhân viên toàn thời gian chỉ dùng chưa đến một nửa số ngày nghỉ phép mỗi năm.

Tuần này, Chính phủ Nhật vừa đưa ra dự luật khuyến khích các công ty giảm giờ làm và thúc đẩy nhân viên sử dụng kỳ nghỉ hàng năm nhiều hơn. Trước đó, trong tháng 4, một dự luật cũng được trình lên chờ phê duyệt, trong đó buộc các công ty phải cho người lao động ít nhất 5 ngày nghỉ phép có lương.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, Lao động và An sinh xã hội Nhật, trung bình người lao động toàn thời gian ở Nhật Bản làm việc 173 tiếng trong năm 2014, tăng 18 tiếng so với 10 năm trước và đây là con số cao nhất kể từ khi số liệu này được tính toán năm 1993.

Công việc được cho là nguyên nhân dẫn đến 2.323 vụ tự tử trong năm 2013. Trong khi đó con số ở mức cao kỷ lục 2,689 vụ trong năm 2011. “Các công ty Nhật Bản có xu hướng khuyến khích nhân viên làm thêm giờ thay vì tuyển thêm nhân viên khi vào mùa bận rộn”, Koya Miyamae – chuyên gia kinh tế đến từ công ty chứng khoán SMBC Nikko (Tokyo) nhận xét.

Trên giấy tờ, Nhật Bản hiện là một trong những quốc gia có nhiều kỳ nghỉ nhất thế giới với 16 ngày nghỉ trên toàn quốc mỗi năm. Trung bình mỗi lao động cũng có tới 18 ngày nghỉ phép mỗi năm.

 

Tú Anh

Bloomberg

Trở lên trên