MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều nhà đầu tư tại Trung Quốc có nguy cơ trắng tay

19-05-2015 - 12:03 PM | Tài chính quốc tế

Bắc Kinh dễ dàng để cho các công ty phá sản hơn khiến ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài có nguy cơ chịu thiệt hại

Trong lúc tốc độ phát triển của nền kinh tế Trung Quốc chậm lại và Bắc Kinh dễ dàng để cho các công ty phá sản hơn, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp có nguy cơ chịu thiệt hại. Nguyên nhân là điều gì cũng có thể xảy ra trong hệ thống toà án Trung Quốc, Reuters cho biết.

Tháng trước, nhà sản xuất tấm năng lượng mặt trời Baoding Tianwei Baobian Electric đã trở thành công ty nhà nước đầu tiên của Trung Quốc mất khả năng thanh toán trái phiếu. Điều này cho thấy Bắc Kinh ngày càng sẵn sàng để cho các công ty phá sản trong bối cảnh chính phủ nước này tăng cường cải cách thị trường doanh nghiệp.

Trên lý thuyết, trái chủ trong nước và nước ngoài bình đẳng trong luật phá sản của Trung Quốc, nhưng những luật sư và nhà đầu tư có kinh nghiệm cho rằng các thủ tục tuyên bố phá sản chịu sự can thiệp của quan chức chính quyền địa phương, và những người này hiếm khi dành sự ưu tiên nhà đầu tư nước ngoài.

"Tòa án có thể và thường tuỳ ý đưa ra quyết định, và quyền quyết định của toà án cũng không rõ ràng. Điều này hoàn toàn trái ngược với các nền tư pháp khác như Mỹ, nơi mà câu hỏi chủ chốt luôn là các vấn đề pháp lý đã được đáp ứng chưa," Mark Hyde, người đứng đầu bộ phận phá sản và tái cơ cấu tại công ty luật Clifford Chance tại Hồng Kông nhận định.

Các nhà đầu tư nước ngoài chịu thiệt hại do các vụ phá sản của công ty Chaori và Suntech cảm thấy họ bị đối xử không công bằng.

"Trong trường hợp của Suntech, công ty này không có một động thái nào trong suốt bốn tháng và chỉ khi chúng tôi gây áp lực mạnh họ mới bắt đầu tính đến một giải pháp. Các chủ nợ được coi là một mối phiền toái", một nhà đầu tư sở hữu trái phiếu của Suntech cho biết.

Sở hữu nước ngoài trên thị trường trái phiếu Trung Quốc dự kiến sẽ tăng thêm 3-4% vào cuối năm 2015, từ mức 2,6% hiện tại, theo Ngân hàng Standard Chartered, nhưng những con số có thể tăng trưởng theo cấp số nhân một khi Trung Quốc nâng hạn ngạch đầu tư hiện tại.

Luật Phá sản doanh nghiệp của Trung Quốc có hiệu lực từ năm 2007, có học hỏi nhiều yếu tố từ phương thức phá sản của Mỹ và Anh, theo đó cho phép các công ty vỡ nợ hoặc chủ nợ của họ nộp đơn xin phá sản để tái cơ cấu nợ hoặc buộc công ty đó phải thanh toán các khoản nợ.

Tuy nhiên bộ luật này vẫn đang được điều chỉnh, dẫn đến nhiều mâu thuẫn khi áp dụng, ông Daniel Anderson, giám đốc công ty luật Ropes & Gray cho biết.

Khi tình trạng suy thoái của kinh tế Trung Quốc tiếp diễn, giới luật sư nhận định sẽ ngày càng nhiều công ty tuyên bố phá sản, nhưng họ cũng cho rằng kết quả thủ tục tố tụng sẽ tiếp tục bị bóp méo bởi các yếu tố phi thị trường.

Theo Diệu Minh

PV

VnEconomy

Trở lên trên