MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những đứa trẻ sinh ra trong bão

18-11-2013 - 11:00 AM | Tài chính quốc tế

Theo ước tính, mỗi tháng có khoảng 25.000 phụ nữ trong vùng phải chịu thảm họa sẽ sinh con và điều này là một thử thách lớn đối với lực lượng cứu trợ trong điều kiện vệ sinh yếu kém.

Rizza Jo Jaro, 18 tuổi, đã phải di tản đến trung tâm cứu nạn ở Tacloban hôm 8/11 khi siêu bão Haiyan – một trong những cơn bão lớn nhất từ trước tới nay tấn công vào đất liền – tàn phá nới này. 

“Mẹ tôi thì thầm với đứa trẻ trong bụng tôi rằng đừng ra bây giờ”, Jaro nói. Cô quá sợ hãi và cảm thấy dường như mọi hi vọng đang tan biến. Jaro không nhớ rằng mình đã được chuyển đến sân bay Tacloban, nơi chiếc trực thăng C -130 đưa cô đến căn cứ quân sự ở Cebu. Đêm hôm đó, Haiyan Angel - bé gái được đặt tên theo cơn bão – chào đời. Sau khi được chăm sóc đặc biệt vì thiếu nước và lượng đường trong máu quá thấp, cô bé giờ đây đã hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, Haiyan Angel chỉ là một trong số ít những đứa trẻ may mắn.  

Siêu bão Haiyan đã tàn phá miền trung Philippines, khiến hầu hết các ngôi nhà sụp đổ (trong đó có cả các cơ sở y tế), hàng nghìn người thiệt mạng, 4 triệu người mất nhà cửa và ảnh hưởng đến hơn 10 triệu người. Theo ước tính, mỗi tháng có khoảng 25.000 phụ nữ trong vùng phải chịu thảm họa sẽ sinh con và điều này là một thử thách lớn đối với lực lượng cứu trợ. Thử thách còn lớn hơn nhiều trong tình trạng thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh yếu kém. 

Theo số liệu của Liên hợp quốc, có khoảng 222.000 phụ nữ mang thai trong vùng bị ảnh hưởng bởi bão Haiyan. Phía Đông Visayas, vùng bị tàn phá nặng nhất, có khoảng 57.000. Một nửa trong số này ở tỉnh Leyte.  Đông Visayas là vùng nghèo thứ ba ở Philippines với tỷ lệ hộ nghèo lên tới 37,2% trong năm 2012. 

Bernadette Villarin, 20 tuổi, dự kiến sẽ sinh con đúng vào tuần mà bão quét qua Tacloban. Cô cùng với người chồng Henry đã chạy tới tầng 2 của nhà hàng xóm để tránh mực nước đang ngày càng dâng lên. Khi cô có dấu hiệu chuyển dạ,  Henry không thể tìm được bà đỡ. “Tôi nghĩ các bà đỡ ở thành phố này đều đã chết hoặc mất tích”. 

Khi Villarin bắt đầu ra máu, dì và chồng của cô vội vã đưa đến sân bay và cố gắng giành giật một chỗ ngồi trên chiếc trực thăng C – 130. Bé trai Lando Joe được sinh ra ở Cebu, được đặt tên theo tên địa phương của cơn bão và người bác sĩ đỡ đẻ. Villarin lo sợ cho một người bạn đang bầu 8 tháng và vẫn bị kẹt ở Tacloban. 

Xác định vị trí của các bà bầu là điều khó khăn. Để tìm kiếm thức ăn và nước uống, mọi người phải di chuyển. Những người sống sót không có nước sạch hoặc chỗ ở trong vài ngày và có nguy cơ mắc bệnh ngoài da, tiêu chảy, hen suyễn, viêm phổi. “Họ ăn và uống bất cứ thứ gì có thể ăn được. Họ phải ở ngoài trời vài ngày vì không có chỗ ở”, bác sĩ Patty dela Cruz cho biết. 

Rõ ràng là siêu bão Haiyan đã tạo nên thử thách lớn đối với mục tiêu chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em của Philippines. Khoảng 230/100.000 sản phụ của Philippines thiệt mạng, quá cao so với các con số 110 của Thái Lan, 62 của Malaysia và 14 của Singapore. Mục tiêu thiên niên kỷ của Philippines là đến năm 2015 sẽ giảm tỷ lệ xuống còn 55 – 60. 

Minh Anh

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên