MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi lo USD tăng giá

15-01-2015 - 14:52 PM | Tài chính quốc tế

Việc USD tăng giá sẽ khiến các nền kinh tế đang phát triển gặp nhiều khó khăn. Thị trường các nước này sẽ chao đảo do làn sóng rút USD về Hoa Kỳ, làm cản trở quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Theo dự báo của Cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc Tạp chí Economist (EIU), GDP toàn cầu năm 2015 sẽ tăng 5%, khả quan hơn so với tỷ lệ 3,4% của 2014. Thành tích đó có được nhờ kinh tế Hoa Kỳ bắt đầu phục hồi. Khi đó, chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ sẽ trở lại bình thường kéo USD tăng giá và gây khó cho các quốc gia đang phát triển đi vay bằng đồng bạc xanh. 

Chỉ trong hơn nửa năm (từ tháng 6-2014 đến nay), USD đã tăng giá khoảng 20% so với yen Nhật, 15% với EUR và 12% với bảng Anh. Điều này có được nhờ tăng trưởng của kinh tế Hoa Kỳ trong năm 2014. Sau giai đoạn phục hồi chậm chạp sau khủng hoảng 2008-2009, tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ trong cả năm ngoái đạt 3,3%.

Ngoài ra, còn do quyết định Hoa Kỳ chấm dứt gói nới lỏng định lượng (QE) vào ngày 29-10-2014 hay gói kích cầu trị giá 3.700 tỷ USD bơm ra suốt 6 năm qua kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng.

Việc USD tăng giá sẽ khiến các nền kinh tế đang phát triển gặp nhiều khó khăn. Thị trường các nước này sẽ chao đảo do làn sóng rút USD về Hoa Kỳ, làm cản trở quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, điều đáng ngại nhất là gánh nặng trả nợ bằng đồng USD đắt đỏ hơn sẽ làm tăng gánh nặng ngân sách và kìm hãm triển vọng tăng trưởng tại nhiều nước.

Khi khủng hoảng tài chính xảy ra năm 2008 từ việc vay nợ quá nhiều của khối Âu-Hoa Kỳ-Nhật, các nước đang phát triển lại ít bị chấn động. Một phần nhờ mức vay mượn của các nước này còn thấp và một phần nữa chính phủ các quốc gia này đã học kinh nghiệm khủng hoảng từ những năm 1994 tại Nam Mỹ rồi 1997 tại Đông Á.

Nhưng 6 năm sau đó, vì tình trạng tăng trưởng thấp và các biện pháp ứng phó của các nước phát triển là hạ lãi suất tới mức thấp nhất và ráo riết bơm tiền giải cứu thị trường với khối lượng khổng lồ. Hiện tượng tiền nhiều và rẻ đã kích thích các nước đang phát triển vừa bơm tín dụng vừa đi vay. Kết quả là số nợ hiện nay của các nước đang phát triển lại lên đến mức kỷ lục.

Hơn nữa, đa số quốc gia này lại vay bằng USD. Khi USD tăng giá mạnh trong năm 2015 này, các nước đang phát triển sẽ lại đối mặt với khả năng bị rủi ro khủng hoảng như 20 năm về trước và nếu có tránh được cũng gặp rất nhiều bất trắc.

Kinh tế Hoa Kỳ dù chưa khả quan nhưng so với khối các nước phát triển như châu Âu và Nhật Bản vẫn là mạnh nhất. Chính sức mạnh tương đối đó mới nâng USD so với hơn 30 loại ngoại tệ và gây khó cho những quốc gia vay nợ bằng USD. USD được xem là tài sản dự trữ an toàn, vì vậy sẽ càng lên giá vì nhiều người mua.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) bắt đầu tăng lãi suất, giá USD còn tăng thêm hơn 30% nữa. Lúc đó dòng USD sẽ chảy về Hoa Kỳ ngày càng mạnh.

Một số ý kiến cũng cho rằng việc USD chảy về Hoa Kỳ sẽ giúp người dân nước này có thêm tiền để chi tiêu, doanh nghiệp chi mạnh tay cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ và mở rộng sản xuất và chính quyền còn tăng thêm nguồn thu từ thuế.

Trong ngắn hạn, Hoa Kỳ có thể chấp nhận việc xuất khẩu khó khăn vì giá hàng hóa xuất đi tính theo USD trở nên đắt đỏ. Song về trung và dài hạn, thâm hụt thương mại lớn và kéo dài lại đe dọa đến công ăn việc làm của người dân và tương lai tăng trưởng của Hoa Kỳ. Đây sẽ là nguyên nhân chính khiến đồng USD không ở mức quá cao.

Theo Đức Hoàng

PV

Sài Gòn đầu tư

Trở lên trên