MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Núi lửa” giữa lòng châu Âu

20-09-2015 - 18:39 PM | Tài chính quốc tế

Nửa triệu người di cư xin vào châu Âu từ đầu năm đến nay có đến và con số sẽ không dừng lại. Nguy cơ một cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội chực chờ bùng nổ.

Paris mưa, lạnh và ẩm ướt. Ở hai bờ sông Seine, cảnh sát, các nhân viên chữ thập đỏ và nhân viên xã hội vừa hoàn tất việc giải tỏa những khu lều tạm của 500 người di cư. Họ sẽ được đưa về các trung tâm lưu trú của nhà nước.

Người dân Paris tò mò đứng nhìn những đoàn xe buýt xuôi ngược chở đầy người. Một bà cụ lẩm bẩm như tự hỏi: “Bộ Pháp chưa gặp đủ vấn đề với những tên Hồi giáo cực đoan hay sao?

Rồi thì các cộng đồng Hồi giáo ở đây sẽ phản ứng thế nào với cộng đồng Hồi giáo mới này? Tôi không hiểu nổi!”.

Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận những người này, bất kể tôn giáo, màu da của họ và sẽ đưa họ đến những điểm mà họ mong muốn, là Đức và các nước vùng Scandinavia. Nhưng khả năng tiếp nhận của chúng tôi đã bị quá tải trước số người đông đến vậy

Thủ tướng Croatia 
ZORAN MILANOVIC

Lương tâm giằng xé

Những thắc mắc của bà phản ánh cuộc khủng hoảng âm thầm bấy lâu nay của những người châu Âu gốc với người nhập cư. Nó là sự lột tả nỗi lo đất nước bị chìm ngập với hàng triệu người di cư và tị nạn chạy trốn chiến tranh và đói khát.

Dù Zagreb, Paris hay Berlin, người dân châu Âu đang cảm thấy bất lực. Ngôn từ trao đổi với nhau, dù trong giới chính trị hay người dân thường, đều là những cảm giác lúng túng: Phải gọi đây là “người di cư” hay là “người tị nạn”?

Bị giằng xé giữa nghĩa vụ hỗ trợ người gặp nạn - vốn gắn liền với truyền thống cũng như các giá trị nhân bản của châu Âu - và mối lo đất nước bị ngập tràn người di cư mới, bản thân người châu Âu cũng có những cách nghĩ khác nhau.

Từ các cấp chính phủ cho đến người dân thường cũng như giới truyền thông, ai cũng mong muốn tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất. Để cho hàng trăm ngàn con người đó “sống chết mặc bay” - điều khó thể chấp nhận về mặt đạo đức - hay phải tiếp nhận họ, mà phần lớn là người Hồi giáo, với nguy cơ làm mất cân bằng cho một xã hội vốn theo Thiên Chúa giáo?

Liệu có những tên khủng bố trà trộn trong số người di cư này không? Những người di cư này sẽ “tạm trú” tại châu Âu trong bao lâu? Các cử tri theo tư tưởng dân tộc sẽ phản ứng ra sao trong kỳ bầu cử tới?

Quả thật châu Âu đang cật vấn về đạo đức lẫn về khả năng tiếp nhận của mình trước số người quá đông đảo này. Câu chuyện đó cũng thể hiện qua những tranh cãi, bất đồng của các kỳ họp của Liên minh châu Âu (EU) về các khía cạnh ngoại giao, nhân đạo cũng như chính trị.

Sau lòng vị tha sẽ là gì?

Dư luận châu Âu, vốn vẫn không thuận với việc tiếp đón thêm người di cư từ vài tháng trước, đã đột ngột đổi thay với những tấm ảnh gây sốc về thi thể một em bé nhập cư trôi dạt lên bờ biển ở 
Thổ Nhĩ Kỳ.

Lòng vị tha đã chiếm thế thượng phong trong phút chốc. Các thăm dò dư luận cho thấy trong vòng năm ngày, số ý kiến thuận với việc “tiếp nhận người di cư” đã tăng từ 61% lên 66% ở Đức (trong khi số chống là 29%), và đạt đến 61% ở Ý từ khi Giáo hoàng Francis ra lời kêu gọi tiếp nhận người di cư; Ba Lan và Pháp đứng ở cuối bảng với mức 53% đồng ý. CH Czech, Slovakia và Romania vẫn cương quyết nói không với chuyện 
nhận người di cư.

Nhưng giữa các số liệu thăm dò với thực tế vẫn còn khoảng cách. Đức là quốc gia duy nhất đến nay có động thái tiếp nhận thật sự những người di cư. Riêng thành phố Munich đã sắp xếp chỗ ở cho 70.000 người.

Các quốc gia khác có vẻ chỉ thực thi cho lấy lệ nhằm xoa dịu những căng thẳng. Bằng chứng là nhiều quốc gia đã bắt đầu thực thi các biện pháp ngăn chặn dòng người di cư ồ ạt thời gian qua như việc thiết lập trở lại hoặc gia tăng kiểm soát ở biên giới quốc gia mình với các thành viên EU, xây thêm rào cao ở biên giới, tăng cường lực lượng quân đội, cảnh sát để phòng bị tình hình xấu... Tất cả cho ta cảm giác châu Âu như đang đề phòng một núi lửa chuẩn bị bùng nổ.

Munich trước mắt có vẻ lo lắng nhất khi đang chờ đợt bùng nổ bia bọt với lễ hội bia truyền thống Oktoberfest diễn ra từ ngày 9 đến 13-10. Ban tổ chức đang mong chờ tiếp đón đến 6 triệu người và họ cũng đã đề ra các biện pháp chưa từng có để phân cách giữa những người thích hội hè bia bọt với những người di cư đói khát.

Giới chức chính quyền khẳng định điều đó nhằm tránh những vụ ẩu đả giữa hai bên. Ông Joachim Herrmann, bộ trưởng nội vụ bang Bavaria, tuyên bố: “Những người xin tị nạn đến từ các quốc gia Hồi giáo vốn không quen chứng kiến những đám đông người say xỉn giữa chốn công cộng như thế. Mục đích của chúng tôi là chia cắt những nhóm người đó để không xảy ra tình huống xung đột nào”.

Âu đó cũng là thử thách đầu tiên cho thành phố tiếp nhận đông người di cư nhất hiện nay.

 

Theo Võ Trung Dũng

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên