MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nước Mỹ "mắc kẹt" vì USD quá mạnh?

13-03-2015 - 09:14 AM | Tài chính quốc tế

Nhà đầu tư càng kỳ vọng Fed sẽ sớm nâng lãi suất thì đồng USD càng tăng giá mạnh và khi đó lạm phát càng giảm.Trong khi đó lạm phát đạt mức mục tiêu là một trong những yếu tố quan trọng để Fed xem xét nâng lãi suất.

Nội dung nổi bật:

- Người tiêu dùng Mỹ sẽ được hưởng lợi trong thời gian tới vì USD mạnh làm giảm giá các mặt hàng nhập khẩu.

- Tuy nhiên điều này khiến mục tiêu lạm phát 2% trở nên xa vời hơn. Giới phân tích dự đoán USD mạnh sẽ buộc Fed phải kiên nhẫn hơn.


Thế giới đang chứng kiến giá trị của đồng USD tăng vọt với mức tăng 24% kể từ tháng 6 đến nay. Tuy nhiên, phải một thời gian nữa đà tăng của USD mới dần dần tạo nên những “con sóng” trong nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đầu tiên, giá hàng hóa mà các công ty Mỹ nhập khẩu sẽ giảm xuống và sau đó người tiêu dùng cũng được hưởng lợi. USD sẽ thay thế dầu mỏ trở thành lực cản mới đối với lạm phát trong bối cảnh giá nhiên liệu dần đi vào trạng thái ổn định.

Quần áo, các mặt hàng điện tử và ô tô là một số trong các mặt hàng sẽ có giá rẻ hơn trong thời gian tới. Sức mua của các hộ gia đình – vốn đang được hưởng lợi từ giá xăng thấp nhất 6 năm và thị trường lao động cải thiện mạnh mẽ - sẽ tăng lên đáng kể.

Giá hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu vào Mỹ đã giảm 7 tháng liên tiếp, qua đó đánh dấu chuỗi giảm dài nhất (trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng tốt) kể từ năm 1998. Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, nguyên nhân chính là do giá năng lượng giảm mạnh.

Tuy nhiên, kể cả khi không tính đến năng lượng, giá hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ cũng giảm 0,7% trong tháng 1 – mạnh nhất kể từ năm 2002. Giá tiêu dùng được dự báo sẽ có chung xu hướng vì các nhà bán lẻ phải giảm giá để duy trì sức cạnh tranh.

Thử thách của Fed

Tình thế hiện nay giúp ích cho các hộ gia đình, nhưng lạm phát yếu là một thử thách không nhỏ đối với các nhà hoạch định chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trước khi đưa ra quyết định nâng lãi suất. Các quan chức Fed phải quyết định liệu thị trường lao động có thể đảm bảo lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2006 sẽ không đẩy nền kinh tế quay lại suy thoái hay không.

Suốt từ tháng 3/2012 đến nay, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đã không vượt quá mức mục tiêu 2%. Thậm chí chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,2% trong tháng 1 - yếu nhất kể từ tháng 10/2009.

Chỉ số lạm phát lõi (tức loại trừ nhiên liệu và thực phẩm) cũng chỉ tăng 1,3% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 1 vừa qua, thấp nhất kể từ tháng 3/2014.

Các chuyên gia của Barclays và Oxford Economics cho rằng đà tăng giá của đồng bạc xanh sẽ khiến lạm phát theo năm giảm 0,2 điểm phần trăm. Các chuyên gia đến từ JPMorgan Chase thậm chí đưa ra con số cao gấp đôi.

Micheal Gapen – người từng là chuyên gia kinh tế của Fed và hiện đang làm việc cho Barclays – dự báo rằng Fed sẽ nâng lãi suất trong tháng 6 tới, mặc dù “cú sốc từ giá nhập khẩu” có thể buộc Fed phải kiên nhẫn hơn.

Ảnh hưởng của đồng USD đối với giá cả đã trở thành một phần quan trọng trong các cuộc tranh luận về thời điểm nâng lãi suất. Trong phiên điều trần trước Ủy ban ngân hàng Thượng viện tháng trước, Chủ tịch Fed Janet Yellen đã thừa nhận rằng giá dầu giảm và USD mạnh lên đang khiến lạm phát ngày càng trượt xa mức mục tiêu mà Fed đề ra.

Thomas Costerg, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Standard Chartered, nhận định lạm phát yếu ớt có thể khiến Fed nâng lãi suất muộn hơn so với dự đoán. “Thị trường sẽ diễn biến xấu nếu như Fed miễn cưỡng nâng lãi suất khi mà lạm phát không có dấu hiệu tăng. Lạm phát lõi lập đáy là yếu tố quan trọng đối với Fed và điều này sẽ không diễn ra trước giữa năm 2015”.

Mỉa mai thay, nhà đầu tư càng kỳ vọng Fed sẽ sớm nâng lãi suất thì đồng USD càng tăng giá mạnh và khi đó lạm phát càng giảm. Chi phí đi vay ở Mỹ tăng lên cũng khiến việc đầu tư vào các loại chứng khoán niêm yết bằng USD trở nên hấp dẫn hơn so với các nước vẫn đang thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ.

Thu Hương

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên