MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Obama lại cảnh báo Putin về khủng hoảng Ukraine

15-04-2014 - 14:48 PM | Tài chính quốc tế

Trong ngày hôm qua, hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ đã có cuộc điện đàm tiếp theo về cuộc khủng hoàng Ukraine.

Trong cuộc điện đàm ngày 14/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo người đồng cấp Nga Vladimir Putin về những hậu quả tiếp theo liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Lời đe dọa này của người đứng đầu Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh xung đột giữa phe ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine với Chính phủ nước này leo thang mạnh.

Bloomberg cho biết, theo tuyên bố phát đi từ Moscow và Washington, trong ngày hôm qua, hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ đã có cuộc điện đàm tiếp theo về cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong đó, tuyên bố của Nhà Trắng nói rằng, ông Obama “bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về việc Chính phủ Nga hậu thuẫn hành động của các phần tử ly khai thân Nga có vũ trang” và thúc giục ông Putin dùng ảnh hưởng của mình để đưa quân ly khai rút khỏi các tòa nhà công quyền mà họ đang chiếm giữ.

Theo tuyên bố của điện Kremlin, ông Putin nói ông Obama nên “sử dụng khả năng của phía Mỹ để ngăn chặn ở mức cao nhất có thể việc sử dụng vũ lực và sự đổ máu”

Căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây gia tăng từ cuối tuần vừa rồi khi xảy ra các cuộc đụng độ gây thương vong giữa lực lượng an ninh của Ukraine và lực lượng ly khai ở miền Đông của nước này. Mỹ cáo buộc Chính phủ Nga tiếp tay cho các phần tử nổi loạn, trong khi Nga phủ nhận có sự tham gia vào tình hình bất ổn ở miền Đông Ukraine, đồng thời cáo buộc Chính phủ ở Kiev phớt lờ những lời cầu cứu từ phía các công dân Nga và người nói tiếng Nga ở Ukraine.

Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ nói rằng, cuộc xung đột vẫn có thể được giải quyết bằng đường ngoại giao, mặc dù bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng “không thể thành công trong bối cảnh sự tập trung của quân Nga ở biên giới Ukraine, sự gây hấn có vũ trang bên trong Ukraine, và những tuyên bố mang tính đẩy căng thẳng leo thang của các quan chức điện Kremlin”. 

Trong cuộc điện đàm này, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tổ chức một cuộc đàm phán giữa Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine vào ngày 17/4 tại Geneva, Thụy Sỹ. Theo Nhà Trắng, Tổng thống Putin là người khởi xướng cuộc điện đàm này.

Nhà Trắng cho biết, ông Obama nói với ông Putin rằng, Nga đang đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt nhiều hơn nếu căng thẳng ở Ukraine không được giải tỏa. Trước đó cùng ngày, ông Obama đã có cuộc trao đổi với Tổng thống Pháp Francois Hollande về khả năng bổ sung lệnh trừng phạt đối với Nga. 

Các bộ trưởng thuộc EU ngày 14/4 họp ở Luxembourg, Bỉ để bàn về vấn đề có nên bổ sung thêm danh sách các cá nhân Nga bị trừng phạt. Hiện đã có 51 nhân vật chính trị Nga và Ukraine nằm trong danh sách trừng phạt liên quan tới việc Nga sáp nhập Crimea hồi tháng trước.

Nỗi lo trừng phạt bổ sung đẩy thị trường chứng khoán Nga và đồng Rúp nước này mất giá trong ngày hôm qua. Trong đó, đồng Rúp giảm giá xuống mức thấp nhất trong 3 tuần, còn chỉ số chứng khoán Micex mất 1,3% số điểm. Từ đầu năm tới nay, Micex đã giảm 10%.

Cuộc khủng hoảng cũng khiến nền kinh tế Ukraine điêu đứng. Ngân hàng trung ương nước này hôm qua tăng lãi suất lên 9,5% từ 6,5% trước đó để ngăn sự lao dốc của đồng Hryvia, đồng tiền mất giá mạnh nhất thế giới từ đầu năm đến nay. Ukraine đang đối mặt nguy cơ suy thoái lần thứ 3 kể từ năm 2008.

Nếu EU gia tăng lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, các công ty châu Âu cũng sẽ gặp khó khăn. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đạt kim ngạch thương mại 89 tỷ USD với Nga trong năm 2012. Trong khi đó, kim ngạch thương mại Nga-Mỹ mới đạt 38 tỷ USD trong năm 2013.

Chưa kể, châu Âu còn phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu từ Nga. Năm 2011, Nga cung cấp 30% lượng khí đốt và 35% lượng dầu lửa mà châu Âu nhập khẩu.

Tiếp tục nhấn mạnh sự phối hợp giữa Mỹ với EU trong trừng phạt Nga, chính quyền Obama không hề loại trừ khả năng đơn phương trừng phạt nhằm vào các ngành kinh tế cụ thể của Nga. Theo thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney, các lệnh do Tổng thống Obama ký “cho phép mọi dạng trừng phạt khác nhau” nhằm vào Nga.

Theo An Huy

huongnt

VnEconomy

Trở lên trên