MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Putin bị "điểm kém" về điều hành kinh tế

30-12-2015 - 15:29 PM | Tài chính quốc tế

Nhiều chuyên gia nói ông chủ điện Kremlin xứng đáng bị điểm F - mức điểm thấp nhất - về điều hành kinh tế trong khủng hoảng...

Tổng thống Nga Vladimir Putin bị nhiều chuyên gia kinh tế cho mức điểm thấp nhất về điều hành nền kinh tế đất nước trong giai đoạn khủng hoảng - Bloomberg cho hay.

Trong một cuộc khảo sát do hãng tin này thực hiện mới đây, 27% chuyên gia được hỏi nói ông chủ điện Kremlin xứng đáng bị điểm F - mức điểm thấp nhất - về điều hành kinh tế trong khủng hoảng.

50% cho Putin mức điểm D và E, trong khi chỉ có duy nhất 1 chuyên gia đánh giá nhà lãnh đạo Nga được điểm A - mức điểm cao nhất.

Trái lại, các chuyên gia có cái nhìn khá tích cực về vai trò của Ngân hàng Trung ương Nga và Bộ Tài chính nước này trong việc dẫn dắt nền kinh tế vượt qua khủng hoảng. Phần đông trong số 22 nhà kinh tế được khảo sát ý kiến dành mức điểm B cho cả hai cơ quan này.

“Tất cả những khó khăn kinh tế của Nga đã trở nên trầm trọng hơn bởi lệnh trừng phạt quốc tế liên quan đến chính sách đối ngoại của Nga ở Ukraine”, ông Nerijus Maciulis, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng Swedbank AB ở Vilnius, Lithuania, nhận xét. “Người được cho là chỉ đạo chính sách này chỉ xứng nhận điểm F”.

Kinh tế Nga ngổn ngang khó khăn

Nền kinh tế Nga đang bị siết chặt bởi hai gọng kìm: một là lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu sau khi Moscow sáp nhập Crimea vào năm ngoái, và hai là giá dầu lao dốc chóng mặt.

Đợt suy thoái đầu tiên kể từ năm 2009 mà kinh tế Nga đang trải qua có thể sẽ là cuộc suy thoái dài nhất ở nước này trong hai thập niên. Đồng Rúp Nga ngày 29/12 đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm 2015, với hơn 72 Rúp đổi 1 USD. Thu nhập của người dân Nga đang giảm với tốc độ mạnh nhất kể từ khi Putin lên cầm quyền.

Giá dầu thô Brent tại thị trường London hiện đang ở mức khoảng 37 USD/thùng, so với mức trên 110 USD/thùng vào thời điểm Nga sáp nhập Crimea. Cùng kể từ thời điểm đó, tỷ giá đồng Rúp đã “bốc hơi” một nửa.

Bộ Tài chính Nga dự báo, GDP nước này sẽ giảm 1% trong năm 2016 nếu giá dầu trung bình ở mức 50 USD/thùng. Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định giá dầu có khả năng giảm về ngưỡng 20 USD/thùng hoặc thậm chí là thấp hơn trong năm tới. Tháng 11 vừa qua, GDP Nga giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 3% vào tháng 10.

Tuy chưa thành công trong việc giảm mức lạm phát cao, Ngân hàng Trung ương Nga được các chuyên gia đánh giá cao vì động thái thả nổi tỷ giá đồng Rúp vào năm ngoái và giữ ổn định được hệ thống tài chính Nga.

Trong khi đó, Bộ Tài chính nước này đã quyết liệt trong việc hạn chế thâm hụt ngân sách, cảnh báo Nga sẽ cạn cả hai quỹ dự trữ quốc gia trong vòng từ 16 tháng đến 2 năm nếu tiếp tục rút dự trữ để tiêu mà không chịu cắt giảm các khoản chi.

“Nói chung, Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Nga là những cơ quan hiệu quả nhất và thực tế nhất”, nhà phân tích Gunter Deuber thuộc ngân hàng Raiffeisen ở Vienna, Áo, đánh giá.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã nói rằng lệnh trừng phạt của phương Tây khiến kinh tế Nga thiệt hại 1,5% GDP trong năm 2014, tương đương 27 tỷ USD, và mức thiện hại có thể tăng lên gấp vài lần trong năm 2015.

“Tất cả đều đến từ các quyết định của ngài Putin, nhà hoạch định chính sách thực sự và có thể là duy nhất ở Nga”, ông Cristian Maggio, trưởng bộ phận nghiên cứu các thị trường mới nổi thuộc ngân hàng Toronto Dominion ở London, nhận xét.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 8 đánh giá, lệnh trừng phạt của phương Tây có thể khiến GDP của Nga ban đầu thiệt hại 1-1,5%, còn trong trung hạn, tổng mức tổn thất có thể lên tới 9% GDP.

Tỷ lệ ủng hộ Putin vẫn cao

Chỉ có 9% chuyên gia được khảo sát dự báo Mỹ sẽ nới lệnh trừng phạt đối với Nga trong 12 tháng tới, giảm từ mức 20% trong cuộc khảo sát tháng 11. Tỷ lệ chuyên gia tin châu Âu bắt đầu nới lệnh trừng phạt đối với Nga trong năm 2016 là 52%, so với 56% cách đây 1 tháng.

Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ đã mở rộng lệnh trừng phạt Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine bằng cách bổ sung thêm 34 công ty và cá nhân người Nga vào danh sách trừng phạt. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã gia hạn lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng vì cho rằng kế hoạch hòa bình cho miền Đông Ukraine không được thực thi đầy đủ.

Dù phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong 16 năm cầm quyền, Tổng thống Putin vẫn nhận được tỷ lệ ủng hộ cao chưa từng thấy từ người dân giữa lúc Nga tiến hành cuộc không kích nhằm vào tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm phiến quân khác ở Syria. Theo một cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu độc lập Levada Center thực hiện trong tháng 12 này, tỷ lệ cử tri Nga ủng hộ Putin 85%.

“Cả về chính trị và kinh tế, Putin muốn sử dụng con bài dân tộc chủ nghĩa, nghĩa là hướng ra bên ngoài để tìm lý do cho những khó khăn kinh tế trong nước. Lẽ ra, ông ấy nên hợp tác hơn trong các vấn đề địa chính trị, và cải cách nhiều hơn ở trong nước”, nhà kinh tế Wolf-Fabian Hungerland thuộc ngân hàng Berenberg ở Hamburg, Đức, nhận định.

Chuyên gia này là một trong số những người cho Putin điểm F trong cuộc khảo sát của Bloomberg.

Theo An Huy

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên