MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

QE của Nhật Bản gặp khó trước ẩn số Trung Quốc

07-09-2015 - 11:59 AM | Tài chính quốc tế

Sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc là một “biến số” ở xa, nằm ngoài tầm kiểm soát của Tokyo, nhưng lại có nhiều quan trọng với số phận của kinh tế Nhật Bản.

Thống đốc NHTW Nhật Bản Haruhiko Kuroda đang có một chiến thuật mới để hỗ trợ nền kinh tế của Nhật Bản. Đó là lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc – đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản. Phải chăng để giúp hỗ trợ niềm tin vào kinh tế của Nhật Bản?

Đó là một bước đi hoàn toàn khác với những gì các quan chức Nhật Bản khác đang nói tới. Như Bộ trưởng tài chính Nhật Bản Taro Aso và Bộ trưởng kinh tế Akira Amari là những người đã liên tục đổ lỗi cho sự suy giảm kinh tế Trung Quốc là nguyên nhân của những khó khăn mà Nhật Bản đang gánh chịu. Những nhân vật này liên tục thúc giục Bắc Kinh thực hiện các cải cách kinh tế trong khi chính họ cũng chưa thể cải cách kinh tế Nhật Bản. Điều này trông càng nực cười hơn khi mà những người này đã giữ vị trí điều hành nền kinh tế Nhật với thời gian lâu hơn so với các đồng nghiệp tại Trung Quốc.

Phát biểu trong một sự kiện tại New York hồi cuối tháng 8, Thống đốc Haruhiko Kuroda khẳng định một cách chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ tăng trưởng từ 6% đến 7% năm nay và năm sau – một dự báo mà hầu như không có bất cứ ai tán thành. Khi làm điều này đồng nghĩa với việc ông Kuroda đang đặt cược uy tín của bản thân cũng như chính sách của BOJ vào quỹ đạo tăng trường của Trung Quốc.

Tuy nhiên, có vẻ như ông Kuroda đang lạc quan thái quá. Kinh tế Nhật hiện đang đối đầu với 3 vấn đề chính. Đầu tiên đó là vấn đề nhân khẩu học. Người tiền nhiệm Masaaki Shirakawa đã từng cảnh báo rằng giá tiêu dùng của Nhật đang bị ràng buộc bởi dân số đang già đi của nước này. Vấn đề thứ 2 đó là niềm tin vào nền kinh tế đang chết dần. Chính sách tiền tệ gần như bị hôn mê vì các ngân hàng lưỡng lự không muốn cho vay và người đi vay cũng khá thờ ơ. Vấn đề thứ 3 đó là sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc – một “biến số” ở xa, nằm ngoài tầm kiểm soát của Tokyo, nhưng lại có nhiều quan trọng với số phận của kinh tế Nhật Bản.

Đối với "quả bom" mang tên Trung Quốc, Nhật Bản không thể giải quyết một cách chủ động. ít nhất là cho đến lúc này. Triển vọng kinh tế Trung Quốc ngày càng xấu đi, nhanh hơn hầu hết những gì các nhà đầu tư, nhà kinh tế dự báo và điều này đang đe dọa Abenomics.

Dẫu vậy, vẫn có một số quan điểm đồng tình với những nhận định “lạc quan” của thống đốc Kuroda. Nhà kinh tế Nicholas Largy của Viện nghiên cứu kinh tế Peterson mới đây đã viết trên tờ New York Time rằng: “Thế giới cần phải lấy lại niềm tin rằng triển vọng tươi sáng sẽ trở lại với kinh tế Trung Quốc". Ông cho rằng các dữ liệu kinh tế cơ bản của Trung Quốc như tăng trưởng tiền lương, thu nhập khả dụng và chi tiêu của các hộ gia đình đang gây ra một sự đánh giá sai lầm về cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại nền kinh tế nước này.

Dưới con mắt chuyên gia của mình, Lardy khẳng định đang có sự mắc lỗi trong việc giải thích, phân tích các dữ liệu kinh tế của Trung Quốc. Lượng điện tiêu thụ - chỉ báo quan trọng cho thấy tình hình hoạt động sản xuất của một nền kinh tế - đang sụt giảm mạnh. Tuy nhiên đó sẽ là điều hiển nhiên đối với một nền kinh tế đang chuyển hướng sang lĩnh vực dịch vụ.

Nếu những phân tích của nhà kinh tế Nicholas Lardy là đúng thì nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn một chút triển vọng sáng sủa. Tuy nhiên, đối với Nhật Bản, một nền kinh tế đang phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu, thì một sự giảm tốc nhỏ của Trung Quốc cũng có thể giáng một cú đánh chí mạng đối với nền kinh tế nước này. Sự kết hợp giữa tình trạng lạm phát còn ở mức thấp của Nhật Bản và việc phá giá tiền tệ của Trung Quốc đang làm giảm tỷ lệ thành công của chương trình kích thích tiền tệ trị giá hàng nghìn tỷ USD của thống đốc NHTW Nhật Bản (BOJ) Kuroda.

Mức sụt giảm 22% giá trị của đồng Yên kể từ khi thống đốc Haruhiko Kuroda tung ra chương trình nới lỏng định lượng (Quantitative Easing) đã giúp thúc đẩy lợi nhuận của Toyota và Sony và tạo động lực tiếp sức cho đà tăng của chỉ số chứng khoán Nikkei. Dù vậy, QE vẫn thất bại trong việc thúc đẩy doanh nghiệp tăng lương cho người lao động hoặc đầu tư mới, khiến hoạt động kinh tế nói chung vẫn giậm chân tại chỗ.

Chính sách làm đồng Yên suy yếu thay vì làm cho kinh tế Nhật Bản có tính đàn hồi, linh hoạt và cạnh tranh hơn đang làm gia tăng sự phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu. Do đó khi một trong các đối tác thương mại hàng đầu như Trung Quốc gặp trục trặc, đó sẽ là một cú sốc lớn đối với Nhật Bản.

Giải pháp tốt hơn mà Aso hay Kuroda và Amari có thể đưa ra đó là ngừng chạy theo việc kích thích mà hãy quay lại tập trung cải cách nền kinh tế quốc nội. Nếu họ dành gần 3 năm qua trên cương vị điều hành nền kinh tế để thực hiện nới lỏng thị trường lao động, xây dựng một hệ thống thuế ủng hộ tăng trưởng kinh tế, khuyến khích đổi mới và hạ bớt hàng rào thuế quan, khuyến khích các lựa chọn tiêu dùng thì họ có lẽ Nhật Bản đã không bị ảnh hưởng mạnh đến vậy trước những rắc rối từ Trung Quốc.

Có lẽ ông Kuroda đã đi sai một nước cờ. Thực tế hiện nay rất đơn giản: trừ khi Nhật Bản hướng tới giải quyết thực sự các vấn đề của chính mình, tái cấu trúc nền kinh tế toàn diện, thì họ mới có thể tránh khỏi bị lôi kéo sâu hơn vào bất ổn mang tên Trung Quốc. Và trong trường hợp đó, các nhà lãnh đạo Nhật Bản sẽ không còn ai để đổ lỗi ngoại trừ chính họ.

Tuấn Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên