MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

QE kiểu Trung Quốc

13-08-2014 - 12:46 PM | Tài chính quốc tế

Khác với QE của Mỹ, NHTW Trung Quốc bổ sung thêm các tài sản có độ rủi ro cao hơn vào bảng cân đối kế toán của NHTW mà không làm tăng quy mô của bảng cân đối kế toán.

Để miêu tả bản chất của chính sách tiền tệ mà Trung Quốc đang áp dụng và phân biệt với chính sách nới lỏng định lượng mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang áp dụng, một chuyên gia kinh tế đã đưa ra khái niệm mới: “qualitative easing” (tạm dịch: nới lỏng định tính).

Giáo sư Willem Buiter – chuyên gia kinh tế trưởng tại Citigroup – đã đưa ra khái niệm này để phân biệt các động thái của NHTW Trung Quốc với những gói QE (quantative easing) nổi tiếng mà Fed đã thực hiện.

QE đã trở thành “vũ khí khủng” trong cuộc chiến chống lại khủng hoảng tài chính toàn cầu của Fed. Đây là chính sách tiền tệ chưa từng có tiền lệ được sử dụng với mục đích kích thích nền kinh tế khi các chính sách tiền tệ thông thường không còn có tác dụng. QE đặc biệt hữu ích khi các lãi suất ngắn hạn đã chạm hoặc ở gần mức 0%.

Một NHTW áp dụng nới lỏng định lượng bằng cách mua vào một lượng lớn tài sản tài chính từ thị trường – trong trường hợp của Fed là trái phiếu chính phủ - để bơm số tiền mặt cần thiết vào một hệ thống tài chính đang căng thẳng.

Theo Buiter, ngược lại, chương trình “nới lỏng định tính” của Trung Quốc xảy ra khi NHTW bổ sung thêm các tài sản có độ rủi ro cao hơn vào bảng cân đối kế toán của NHTW mà không làm tăng quy mô của bảng cân đối kế toán. 

Trong bối cảnh của Trung Quốc, “nới lỏng định tính” được áp dụng khi NHTW Trung Quốc bổ sung thêm các tài sản rủi ro hơn như cho vay đối với khu vực nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời cung cấp các khoản vay giá rẻ cho những dự án cơ sở hạ tầng có mức lợi suất thấp. Tốc độ tăng tài sản trên bảng cân đối kế toán vẫn được giữ nguyên. 

Để kích thích kinh tế, trong mấy tháng gần đây Bắc Kinh đã áp dụng nhiều gói kích thích mini như nới lỏng tín dụng cho các ngân hàng ở khu vực nông thôn, mở rộng tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ hơn và giảm thuế phí cho doanh nghiệp. 


Mục đích của chương trình “nới lỏng định tính” mà Trung Quốc thực hiện là để cung cấp tín dụng giá rẻ cho một số khu vực được chọn, đồng thời phản ánh dự định kiểm soát lãi suất trong các khu vực đó của Bắc Kinh. 

Khái niệm “nới lỏng định tính” ra đời sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin PBOC vừa bơm thêm 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 162 tỷ USD) cho Ngân hàng phát triển Trung Quốc thông qua công cụ cho vay mới có tên gọi Pledged Supplementary Loan (PSL). Khoản vay này được sử dụng để cải tạo các thành phố kém phát triển trên khắp đất nước.

Một số chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư cho rằng động thái này giống với chương trình nới lỏng định lượng của Mỹ và lo ngại về hậu quả lạm phát. 

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế khác lập luận bảng cân đối của PBOC không cho thấy khoản vay dành cho các ngân hàng tăng đột biến. “Không giống như nới lỏng định lượng, có vẻ như nới lỏng định tính hướng đến mục tiêu giảm chi phí đi vay cho nền kinh tế”.

Hiểu thêm về chính sách tiền tệ của Bắc Kinh cũng giúp ích cho việc đầu tư vào Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã xuất hiện dấu hiệu phục hồi. Sau khi giảm giá, đồng nhân dân tệ đã tăng giá trở lại trong khi thị trường chứng khoán cũng tăng điểm. 

Động thái gây ngạc nhiên hôm 31/7 của PBOC cũng là dấu hiệu rõ ràng của “nới lỏng định tính”. PBOC đã để lãi suất đối với khoản vay ngắn hạn trên thị trường tiền tệ dành cho các ngân hàng thương mại giảm xuống lần đầu tiên trong năm nay. Cùng với đó, PBOC cũng rút một lượng tiền mặt khỏi hệ thống tài chính. Điều này cho thấy PBOC không có ý định bơm thanh khoản vào thị trường giống như các gói QE của Mỹ.

Trong trường hợp chính sách này không hiệu quả, PBOC sẽ sử dụng lựa chọn cuối cùng là trực tiếp cắt giảm lãi suất – biện pháp quyền lực nhất của chính sách nới lỏng tiền tệ.

Các chuyên gia kinh tế của Citigroup lưu ý mặc dù chính sách này có thể gây nên lạm phát, khả năng xảy ra chỉ giảm xuống nếu nền kinh tế hồi phục một cách bền vững.

Các chuyên gia kinh tế của Citigroup bổ sung thêm rằng mặc dù chính sách này cũng có thể gây ra áp lực lạm phát giống như QE của Mỹ, áp lực ở Trung Quốc sẽ nhỏ hơn.

Giảm chi phí đi vay trong một vài bộ phận của nền kinh tế một cách giả tạo dễ dẫn đến tình trạng tạo thêm một tầng lãi suất nữa cho nền kinh tế. Do đó, tác động tiêu cực của chính sách nới lỏng định tính là nó đối lập với nỗ lực tự do hóa lãi suất của Bắc Kinh.


Thu Hương

huongnt

WSJ

Trở lên trên