MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Salomon Brothers: Huyền thoại nhấn chìm phố Wall

20-09-2009 - 08:13 AM | Tài chính quốc tế

Đây là nơi khai sinh cụm từ “chứng khoán hóa” - mầm mống của đại khủng hoảng tài chính.

Cuối thập niên 70, các ngân hàng không còn muốn liều lĩnh tài trợ cho vay mua nhà dài hạn bằng nguồn tiền gửi ngắn hạn đầy bấp bênh.

Nếu những người đi gửi tiền đột ngột thấy thích giấu tiền dưới gối hơn là để nó ở nhà băng, các ngân hàng sẽ chẳng biết lấy đâu ra tiền mà trả cho khách, sụp đổ là điều khó tránh.

Cung giảm nhưng nhu cầu mua nhà lại tăng do số người đến tuổi trưởng thành ngày càng nhiều hơn. Áp lực tài chính đè nặng lên “giấc mơ Mỹ”.

Hoặc là có một bước đột phá, hoặc là người Mỹ nên tập quen với những căn nhà tùng tiệm hơn.

Phát minh vĩ đại

Thời cơ đến nhưng chỉ có Salomon Brothers cùng vị Phó Chủ tịch huyền thoại Lewis Ranieri là nắm được để ghi tên mình vào lịch sử.

Năm 1977, liên kết với Bank of America, Salomon phát hành MBS (mortgage-backed securities) tư nhân đầu tiên.

Về mặt bản chất đây là một trái phiếu được phát hành trên cơ sở đảm bảo bởi các khoản vay thế chấp mua nhà.

Bằng cách phát hành các chứng khoán nợ này, “chủ nợ” của các khoản vay thế chấp chuyển từ ngân hàng sang nhà đầu tư. Ngân hàng có điều kiện quay vòng vốn nhanh hơn và thay vì phải huy động vốn tiền gửi với lãi suất cao và kỳ hạn ngắn nay đã tiếp cận được một kênh huy động vốn dài hạn với lãi suất hấp dẫn hơn nhiều.

Không những vậy, rủi ro không thanh toán cũng được chuyển trực tiếp từ ngân hàng sang những nhà đầu tư mua MBS.

Vận may mỉm cười với Salomon, năm 1981, chính quyền ban bố đạo luật hoàn toàn bộ thuế trong vòng 10 năm trước đó cho các quỹ tiết kiệm và cho vay (S&L) nào không có nợ xấu.

Các quỹ này buộc phải bán các MBS thấp hơn giá trị thực rồi ngay lập tức mua lại các MBS tương tự để “làm sạch” bảng kết toán tài sản.

Vấn đề là, trên phố Wall, chỉ duy nhất Salomon Brothers có bộ phận giao dịch MBS, họ độc quyền. Các quỹ S&L chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài tìm đến với Ranieri.

Ước tính đã có tới 1 nghìn tỷ đô la MBS qua tay các giao dịch viên (trader) của Salomon Brothers.

Nhà đầu tư tại London nay có thể tài trợ cho những căn nhà tại Los Angeles, Tokyo hay Frankfurt, khi nguồn cung vốn vay được khơi thông, tất yếu đẩy lãi suất cho vay thấp xuống.

Lãi suất hạ, số người đi vay mua nhà ngày càng tăng, thị trường MBS gần như là của riêng Salomon lại càng thêm sôi động.

Sáng tạo nối tiếp sáng tạo, sau nhà đất, những khoản vay mua xe ô tô, đi học, mua ti vi, tủ lạnh cũng được đóng gói thành các chứng khoản bảo đảm bằng tài sản.

Cụm từ “chứng khoán hóa” đăng ký nơi ra đời tại tầng 45 tòa nhà Trung tâm thương mại thế giới, trụ sở của Salomon Brothers.

Sáng tạo đồng nghĩa với lợi nhuận, tiền cứ thể đổ vào túi họ. Năm 1984, lợi nhuận của Salomon Brothers còn lớn hơn tất cả phố Wall cộng lại và con số 38 tỷ đô la danh mục đầu tư của nó lớn gấp 4 lần bất kỳ đối thủ nào.

Kế đến là quyền lực, ngay đến Bộ Tài chính cũng phải nhờ đến Salomon mới phát hành hết được 2,3 nghìn tỷ đô la nợ chính phủ trong thập kỷ 80, vì họ là người mua lớn nhất. Có nhiều lời đồn rằng Salomon điều khiển được cả lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ.

Trong ngôi đền của những huyền thoại, cái tên Salomon Brothers đã trở thành bất tử.

Mặt trái của tấm huân chương

Salomon dẫn đầu, Salomon là vua, Salomon vượt mặt toàn bộ phố Wall. Trong thập kỷ 80, những lời tung hô che giấu đi phần nào những mặt trái tại Salomon Brothers.

Trái với quan niệm trọng bằng cấp, bản thân Ranieri cùng nhiều nhân viên cao cấp tại Salomon chưa bao giờ có bằng đại học, một người mới chỉ học hết lớp 8.

Nhưng đó là chuyện bình thường tại Salomon.

Ranieri không yêu cầu nhân viên của mình phải có kiến thức chuyên sâu về tài chính, chỉ cần biết đánh vào điểm yếu của người khác, đe dọa để họ phải nghe lời, lừa người mua vướng vào mớ trái phiếu tệ hại thế là đủ.

Michael Lewis, tác giả cuốn Liar’s Poker kể về những tháng ngày tại Salomon, đã viết “Salomon là khu rừng hoang dại đầy những con thú khát máu gắn mác “giao dịch viên”.”

Cuốn sách cũng chỉ ra rằng tất cả chỉ là may mắn, họ chỉ ở đúng nơi vào đúng lúc mà thôi. Ranieri cũng bất ngờ khi biết MBS sẽ được chuyển nhượng như trái phiếu.

Khi giá đã ổn định, MBS không còn gì hơn các loại trái phiếu trên thị trường cũng như Salomon không còn gì hơn các đối thủ khác. Từ đây, như một quả báo, vận rủi và tai tiếng cứ liên tiếp ập xuống Salomon.

Năm 1991 là khoản phạt 290 triệu đô la vì gian lận đấu thầu chứng khoán và cáo buộc thao túng thị trường. Danh tiếng tiêu tan và công ty suýt bị thôn tính.

Thói gian lận có lẽ đã ám ảnh Salomon, 5 năm sau ngày trở thành một bộ phận của Citigroup năm 1998 với cái tên Salomon Smith Barney, công ty lại là trung tâm trong vụ án mâu thuẫn lợi ích “Global Settlement” với cáo buộc phát hành báo cáo nghiên cứu gian dối và hối lộ lãnh đạo doanh nghiệp.

Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay nhen nhóm từ MBS rồi bùng phát dữ dội vì CDO (collateralized debt obligation), một “sáng tạo” nữa của Ranieri thời còn gắn bó với Salomon. Chính Citigroup mà Salomon nay là một bộ phận cũng vì MBS và CDO mà suýt nữa rơi vào cảnh phá sản nếu không nhận được sự cứu trợ từ chính phủ Mỹ.

Về phần mình, Ranieri giúp ngân hàng Franklin Bank của mình tránh khỏi mớ bòng bong của những MBS và CDO, nhưng tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, tháng 11/2008, Franklin Bank vẫn sụp đổ vì nợ xấu của các nhà thầu xây dựng!

Salomon Brothers, thành lập năm 1910, làmột trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất phốWall (bulge bracket) trong thập kỷ 1980. Năm 1984, tổng tài sản của ngân hàng nàyđạt mốc 34 tỷđô la

Minh Tuấn

ngocdiep

Trở lên trên