MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẵn sàng cho AEC 2015?

23-05-2014 - 13:08 PM | Tài chính quốc tế

Các nước ASEAN dường như rất tự tin với các kế hoạch được chuẩn bị sẵn sàng để mở cửa thị trường và tham gia “sân chơi” khu vực.

ASEAN - cộng đồng hợp tác và phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị giữa các nước Đông Nam Á là một trong những “điểm sáng” kinh tế trong thời kỳ khủng hoảng. Hiệp định tự do mậu dịch khu vực ASEAN (AEC) dự kiến hoàn tất vào tháng 1 năm 2015 sẽ mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức. Liệu các quốc gia đã sẵn sàng xóa bỏ mọi rào cản để cùng nhau hợp tác phát triển?

Gregory L. Domingo – Tổng thư ký phòng Thương mại và Đầu tư Philippines cho rằng nước này đã chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch mở cửa. Từ nhiều năm nay, Philippines đã đàm phán giảm bớt gánh nặng thuế quan trên hầu hết các mặt hàng và dịch vụ với các nước trong khối ASEAN, tiến dần tới mục tiêu thuế quan 0% năm 2015. 

Trong khi đó, Sun Chanthol – Bộ trưởng thương mại Vương quốc Campuchia chia sẻ kinh nghiệm của nước mình. Campuchia tập trung phát triển chính sách thương mại mở cửa để thu hút đầu tư, nới lỏng luật đầu tư và luật sở hữu, đồng thời tăng cường giáo dục đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao.

Muhammad Lutfi – Bộ trưởng Thương mại Indonesia cho rằng việc tăng cường hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng giữa các nước ASEAN là yếu tố tiên quyết trước khi hội nhập. Tuyến đường sắt xuyên Đông Nam Á sẽ được hoàn thành vào năm 2015, nối liền Singapore – Malaysia – Thái Lan – Campuchia – Việt nam – Trung Quốc (Côn Minh) là ví dụ tiêu biểu. 

Bà Josephine Teo – Bộ trưởng cấp cao (Bộ Tài chính và Giao Thông) Singapore nhấn mạnh việc mở cửa thị trường chung ASIAN cần tập trung kết nối trên 3 phương diện: trên đất liền, trên biển và kết nối không dây (Internet). Bà cũng cho rằng, việc ASEAN kết nối thành một khối thống nhất sẽ tăng cường sức cạnh tranh của khu vực khi đàm phán các hiệp định hàng không với các cường quốc kinh tế lớn như Nhật Bản, Trung Quốc… hay các khu vực kinh tế thế giới như EU, NAFTA…

Về phía nhà đầu tư, ông Yorihiko Kojima – đại diện tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) rất ủng hộ kế hoạch thành lập thị trường phi thuế quan ASEAN. Công ty này đang có hoạt động đầu tư trải dài trên nhiều quốc gia trong khu vực. Vì vậy, việc kết nối thị trường chung sẽ giúp tăng cường lưu thông hàng hóa, luân chuyển nguồn nhiên liệu, nhân công …

Các nước ASEAN dường như rất tự tin với các kế hoạch được chuẩn bị sẵn sàng để mở cửa thị trường và tham gia “sân chơi” khu vực. Việc xóa bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan vào năm 2015 được kỳ vọng sẽ mang tới động lực phát triển mạnh mẽ và thắt chặt mối quan hệ giữa các nước thành viên.  Tuy nhiên, chính phủ cần cải cách khung chính sách luật pháp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để tạo nên một thị trường chung hội nhập thật sự.

AEC (Asean Economic Community) là tên viết tắt của Cộng đồng kinh tế ASEAN, được dự kiến ra đời vào năm 2015. Đây là sự kiện đánh dấu một bước tiến vượt bậc về hội nhập kinh tế của toàn khối Đông Nam Á

AEC sẽ tạo nên một thị trường đơn nhất với 5 yếu tố được lưu chuyển tự do (hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn vào lao động giữa 10 nước). Thuế suất sẽ được cắt giảm dần về 0% gần như với tất cả các mặt hàng. 

Đồng thời, AEC nhằm khai thác tối đa các ưu đãi thương mại từ các đối tác ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN và với mỗi nước thành viên, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Austraila - New Zealand...


Anh Thư

huongnt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên