MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Singapore: Có nên 'bình thường' hơn?

05-08-2015 - 21:54 PM | Tài chính quốc tế

Singapore có thể bớt đi các quy định quá nghiêm khắc của mình, trở thành một quốc gia “bình thường” hơn.

Nội dung nổi bật:

- 50 năm trước, Singapore trở thành một quốc gia độc lập với vô vàn khó khăn. Các lãnh đạo nước này quan niệm, Singapore phải thật khác thường mới có thể tồn tại được.

- Tuy nhiên, những “khác thường” của Singapore lại gồm nhiều quan niệm cứng nhắc và luật lệ quá nghiêm ngặt. Với điều kiện phát triển như hiện nay, Singapore hoàn toàn có thể nới lỏng các luật lệ đó mà tiếp tục vươn lên.


Cuốn sách mới nhất của tác giả Kishore Mahbubani mang tựa đề gây khá nhiều sự chú ý: “Can Singapore Survive?” (Tạm dịch: Singapore có thể tồn tại hay không?). Người Singapore không bao giờ cho phép mình quên quốc gia của họ nhỏ, tương lai còn mong manh. Thủ tướng Singapore từng phát biểu trong ngày Quốc tế Lao động: Nếu không duy trì sự khác biệt, người Singapore sẽ bị “chèn ép, xô đẩy, giẫm đạp”.

50 năm trước, Singapore chính thức trở thành một quốc gia độc lập, tách khỏi Malaysia. Cũng trong giai đoạn đó, Indonesia tiến hành cuộc đối đầu Konfrontasi chống lại Malaysia và Singapore. Đây là khoảng thời gian nhiều biến động với cả ba quốc gia.

Năm 1967, ASEAN ra đời làm giảm căng thẳng trong khu vực. Quan hệ giữa Singapore với Malaysia và Indonesia cũng trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng liệu mối quan hệ đó sẽ duy trì được bao lâu khi thỉnh thoảng, những người hàng xóm này lại khiến Singapore nổi giận?

Năm 1998, một tờ báo đưa tin về phát biểu của tổng thống Indonesia bấy giờ, Bacharuddin Jusuf Habibie, cho rằng ông không coi Singapore là bạn. Theo bài báo, ông đã chỉ vào bản đồ và nói: “Với tôi thì ổn thôi, nhưng Indonesia có tới 211 triệu người. Tất cả vùng màu xanh là Indonesia. Và cái chấm đỏ kia là Singapore”.

Tổng thống Habibie phủ nhận mình từng phát biểu như vậy. Tuy nhiên, với tính đa nghi và lòng tự hào, Singapore chấp nhận cách gọi “chấm nhỏ màu đỏ” như một khẩu hiệu.

Ngoài việc giữ hòa bình với các nước láng giềng, một cột trụ khác của nền an ninh Singapore là trật tự ôn hòa do Mỹ đứng đầu tại châu Á Thái Bình Dương. Trật tự này đã thống trị từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, nhưng giờ lại đang bị đe dọa.

Dưới thời Thủ tướng Lý Quang Diệu, Singapore trở thành “người bạn thân nhất” ở Đông Nam Á với cả Mỹ và Trung Quốc. Chính điều này đã tạo nên bất hòa giữa các ông lớn. Singapore chọc giận Mỹ khi gia nhập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc thành lập. Trung Quốc lại không mấy hài lòng về việc Singapore gửi quân nhân sang Đài Loan đào tạo.

Vậy nên những lo ngại về tương lai của Singapore cũng dễ hiểu. Điều đó được phản ánh qua số tiền lớn mà Singapore đầu tư cho quốc phòng: 12,4 tỷ SGD, chiếm 3,3% GDP nước này. Về giá trị, số tiền gấp hơn hai lần Malaysia, quốc gia có dân số nhiều gấp 5 lần Singapore. Ngoài ra, việc nam giới phải thực hiện nghĩa vụ quân sự hai năm, theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ng Eng Hen, cũng được 90% người dân ủng hộ.

Lý Quang Diệu đã truyền cho các lãnh đạo Singapore nhận thức rằng Singapore dễ gặp nguy hiểm, từ đó hiểu rõ tầm quan trọng của sự đoàn kết trong nước. Đây cũng là nguồn gốc cho những điều khác thường ở Singapore: Sợ phải dung thứ cho những thành phần chống đối chính trị, lo ngại về căng thẳng chung, duy trì luật pháp hà khắc từ thời thuộc địa như Đạo luật An ninh Nội địa. Tư tưởng này cũng tác động đến chính sách kinh tế, bao gồm những phản đối về phúc lợi và ảnh hưởng làm suy yếu tinh thần dân tộc.

Điều này cũng được thể hiện trong những chính sách về luật và trật tự nổi tiếng nghiêm ngặt của Singapore. Những người theo đảng Tự do phản đối việc nước này sử dụng án tử hình cũng như hình thức tra tấn thể xác mà thuật ngữ chính thức là “phạt đòn” – đã giảm nhẹ rất nhiều tính chất dã man của nó. Nhưng nhiều người Singapore lại nhận xét những chính sách này hoạt động hiệu quả. Hệ thống do Thủ tướng Lý Quang Diệu tạo nên được đưa ra như một gói chính sách, như thể sự tăng trưởng kinh tế, bằng cách nào đó, đã biện minh cho các hình phạt thể xác nặng nề.

Thủ tướng Lý Quang Diệu là người thực tế và sẵn sàng thay đổi quan điểm. Ông từng phản đối mở sòng bạc tại Singapore, nhưng lại chấp thuận mở hai sòng bạc năm 2005. Chỉ trong vòng vài năm, doanh thu từ sòng bạc đã tương đương với Dải Las Vegas. Sau này, ông cũng chấp nhận đồng tính “không phải là một lựa chọn”, dù đồng tính nam vẫn bị coi là bất hợp pháp.

Có vô số lý do để lạc quan về kinh tế Singapore trong tương lai. Thế hệ trẻ Singapore được giáo dục tốt, nhận thức rõ về thế giới và sinh sống tại một trong những quốc gia thuận lợi nhất để dẫn dắt làn sóng phát triển của châu Á.

Tuy nhiên, giới trẻ và các lãnh đạo cần quyết định xem đâu là kiểu xã hội mình mong muốn. Họ không còn là nhân tài ngồi trên đỉnh một xã hội nhỏ nhưng hòa thuận nữa. Giờ đây họ là con người ưu tú trong một quốc gia trông cậy vào lượng dân nhập cư ngắn hạn. Số người nhập cư ngày càng tăng trong khi công dân Singapore chính gốc, những người lớn tuổi hơn, điều kiện giáo dục kém hơn, lên tiếng phản đối mạnh mẽ tình trạng nhập cư ồ ạt.

Nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng phải đối mặt với những nguy cơ tương tự. Nhưng với Singapore, tình hình đặc biệt khó khăn vì nước này có quy mô nhỏ và vấn đề già hóa dân số đang trầm trọng.

Singapore được trang bị nhiều điều kiện thuận lợi hơn hầu hết các nước khác để phòng chống hậu quả tồi tệ nhất. Nước này có thể nới lỏng chính trị mà không gây rối loạn, nới lỏng trật tự xã hội mà không gây căng thẳng vượt tầm kiểm soát, cung cấp nhiều dịch vụ tốt hơn cho người nghèo và người già mà không khiến xã hội quá phụ thuộc vào phúc lợi. Nói cách khác, Singapore có thể bớt đi các quy định quá nghiêm khắc của mình, trở thành một quốc gia “bình thường” hơn.

Theo Thu Thảo

Trí Thức Trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên