"Sợi dây nguy hiểm" liên kết giá dầu và thị trường chứng khoán
Kể từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán đã có nhiều phiên diễn biến cùng chiều với giá dầu nói riêng cũng như thị trường hàng hóa nói chung. Giá dầu giảm thì chứng khoán cũng giảm và ngược lại.
- 24-03-2016Chứng khoán Mỹ lại giảm vì giá dầu
- 22-03-2016Điều tồi tệ nhất với giá dầu đã qua?
- 19-03-2016Các “ông lớn” dầu mỏ phải “thắt lưng buộc bụng” vì giá dầu
Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử thì đây không phải là điều thường xuyên xảy ra. Nhìn lại thời điểm 2008, trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, thì việc giá các loại hàng hóa cơ bản tăng sẽ lại là tin xấu đối với các nền kinh tế và thị trường chứng khoán nói chung vì nó ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất.
Kể từ sau khi các NHTW trên thế giới tung ra một loạt chính sách nới lỏng tiền tệ, thì điều ngược lại đang xảy ra: giá các loại hàng hóa cơ bản tăng lại được xem là tốt đối với các nền kinh tế và đặc biệt là tốt đối với các thị trường chứng khoán toàn cầu, vì nó chứng tỏ rằng các biện pháp kích thích đã có hiệu quả khi mà lực cầu tăng lên và các công ty đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất bằng nguồn vốn vay giá rẻ từ chính phủ.
Nhưng đó chỉ là phần nổi. Sự giải thích chuẩn xác hơn nằm ở chỗ nhiều nhà đầu tư tổ chức lớn (mà đặc biệt là các ngân hàng đầu tư) đang nắm giữ một lượng lớn các loại cổ phiếu, trái phiếu của nhiều công ty trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Theo báo cáo tài chính mới nhất của 5.000 công ty đại chúng lớn nhất trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực luyện kim loại cơ bản, khai khoáng, sản xuất năng lượng mà Bloomberg thống kê thì tổng nợ của 5000 công ty này đã lên tới mức 3,6 nghìn tỷ USD, tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2008.
Trong khoảng thời gian trước, với giá hàng hóa ở mức cao, các công ty có thể có lãi và do đó cũng dễ dàng thanh toán nợ. Nhưng hiện tại, giá cả hàng hóa sụt giảm đang đe dọa tới khả năng thanh toán nợ của những công ty này do đó nợ bị chồng chéo và gia tăng đáng kể, tỷ lệ nghịch với đà giảm của giá hàng hóa mà đặc biệt là giá dầu.
Trong khoảng thời gian từ 2010 đến giữa 2014, thời kỳ mà giá dầu đứng quanh ngưỡng 80 – 90 cho đến 100 USD/thùng thì những công ty này nói chung đều đạt được mức lợi nhuận trước thuế và lãi suất (EBIT) cao hơn mức nợ của mình. Với giá dầu chỉ quanh ngưỡng 30USD/thùng như hiện tại, những công ty này sẽ phải mất khoảng 8 năm tích góp lợi nhuận và đi kèm với điều kiện là không trả thuế, không thực hiện khấu hao tài sản thì mới có thể thanh toán hết toàn bộ tổng nợ. Qua đó có thể thấy tác động từ giá hàng hóa cơ bản, giá dầu to lớn đến như nào.
Các nhà đầu tư ưa thích rủi ro đã mua vào rất nhiều nợ - trái phiếu của các công ty trong lĩnh vực hàng hóa như trên vì rủi ro cao đi kèm với mức lợi suất nhận được cũng cao, và theo ước tính hiện những nhà đầu tư này đang nắm giữ khoảng 2,1 nghìn tỷ USD nợ trái phiếu chưa đáo hạn. Cần phải hiểu các nhà đầu tư ở đây gần như tất cả đều là các nhà đầu tư tổ chức: các loại quỹ, ngân hàng đầu tư... Đây sẽ là những đối tượng đầu tiên chịu thiệt hại sau khi hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor hạ mức tín nhiệm đối với một loạt các công ty trong tổng số 5000 công ty đại chúng lớn nhất trong lĩnh vực hàng hóa. Biến động này làm gợi nhớ thời kỳ các ngân hàng đã bị các hãng đánh giá xếp hạng tín dụng làm khốn đốn, sụp đổ do trái phiếu – nợ bị hạ tín nhiệm liên tục khiến nhiều ngân hàng mất khả năng trả nợ (default) rồi phá sản trong suốt cuộc Đại khủng hoảng 2008.
Nhưng may mắn so với thời kỳ 2000 – 2006, là nợ của các công ty hàng hóa đã không bị chứng khoán hóa thành nhiều tầng, nhiều lớp và lan rộng trong hệ thống tài chính như cái cách mà các khoản vay nợ dưới chuẩn trên thị trường Bất động sản Mỹ bị thổi phồng trước khi khủng hoảng 2008 chính thức nổ ra. Nhưng với kích cỡ nợ lớn như vậy nằm trong tay các ngân hàng trên thế giới thì đó rõ ràng cùng là một mối rủi ro lớn cho nền kinh tế toàn cầu.
Tại các quốc gia như Brazil và Venezuela, khủng hoảng kinh tế đã và đang gõ cửa tới từng gia đình. Liệu những nhà cho vay nào đó tại bất kỳ nền kinh tế phát triển nào có rơi vào bất ổn trong khi những nền kinh tế hàng hóa như Brazil hay Venezuela đang gặp khủng hoảng – điều chắc chắn đe dọa tới khả năng thanh toán nợ cho các nhà cho vay kia. Và như vậy không thể loại trừ khả năng, khủng hoảng do giá hàng hóa gây ra sẽ lây lân từ những khu vực bất ổn nhất đến những khu vực khác trên khắp thế giới.
Nếu cứ tiếp tục đà sụt giảm của giá dầu nói riêng và giá hàng hóa cơ bản nói chung trong thời gian vừa qua thì thực sự sẽ là tin rất xấu cho nền kinh tế thế giới. Do vậy có thể hiểu được nguyên nhân phần nào tại sao các thị trường tài chính thế giới phản ứng tích cực trước tuyên bố sẽ đưa ra một thỏa thuận nhằm hỗ trợ giá dầu từ những nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới.