MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao Uber chưa chịu “lên sàn”?

04-08-2015 - 19:11 PM | Tài chính quốc tế

Những công ty tư nhân kiểu này đang trì hoãn IPO lâu nhất có thể vì e sợ sự biến động của tâm lý nhà đầu tư Phố Wall, CNNMoney nhận xét.

Lật lại một chút câu chuyện của Facebook thời mới chân ướt chân ráo lên sàn. Tính đến tháng 5/2012, giá trị công ty đã đạt xấp xỉ 104 tỷ USD. Thế nhưng ngày đầu chào bán ra công chúng lại là một nỗi thất vọng lớn cho công ty mạng xã hội.

Cổ phiếu đứng dậm chân tại chỗ trong cả phiên IPO. Lo lắng về chiến lược di động của công ty, nhiều nhà đầu tư đã bán tháo không lâu sau đó. Đến đầu tháng Chín, hơn một nửa giá trị thị trường của Facebook đã bốc hơi.

Công ty lấy lại phong độ và tăng trưởng không ngừng từ đó tới nay. Hiện Facebook là 1 trong 8 công ty có quy mô lớn nhất Mỹ với tổng giá trị thị trường hơn 260 tỷ USD.

"Kỳ lân" của Thung lũng Silicon

Nhưng tình cảnh của Facebook trong những ngày đầu lên sàn vẫn là nỗi lo canh cánh của các công ty dịch vụ tư nhân đang làm nên hiện tượng như Uber, Airbnb, Snapchat và Pinterest. Họ được mệnh danh là những con “kỳ lân” của Thung lũng Silicon – biệt hiệu dành các công ty được định giá trên 1 tỷ USD.

Một số chuyên gia cho rằng những công ty tư nhân kiểu này đang trì hoãn IPO lâu nhất có thể vì e sợ sự biến động của tâm lý nhà đầu tư Phố Wall.

“Các chủ doanh nghiệp sợ cổ phiếu của họ bị bán tháo, công ty bị đẩy vào thế chân tường”, một nhà quản lý danh mục chỉ ra.

Đây là điều dễ hiểu. Những công ty công nghệ thường bị “trừng phạt” trên sàn sau khi báo cáo kết quả kinh doanh không như ý muốn của giới đầu tư.

Gần đây nhất, cổ phiếu Facebook và Apple chúi đầu lao dốc sau báo cáo kinh doanh quý II chưa đạt kỳ vọng, mặc dù sở hữu doanh thu và lợi nhuận khó có công ty nào trong ngành bì kịp.

Bên cạnh Facebook, Alibaba cũng là một “tấm gương” cho thấy công ty công nghệ chật vật ra sao sau khi lên sàn.

Sau đợt IPO gây tiếng vang năm 2014, cổ phiếu công ty thương mại điện tử Trung Quốc đã giảm 35% giá trị.

Nhà sáng lập Jack Ma từng thừa nhận nếu được làm lại, ông sẽ không đưa Alibaba lên sàn.

Nhưng sau cùng, cố thủ công ty ở dạng tư nhân không phải là lựa chọn hay dành cho các doanh nghiệp khởi sự.

Đến một lúc nào đó, các nhà đầu tư mạo hiểm sẽ muốn rút tiền ra, qua IPO hoặc bán lại cổ phần cho quỹ đầu tư khác.

Thêm vào đó, niêm yết trên sàn sẽ là động lực thúc đẩy doanh nghiệp hướng tới tăng trưởng và xây dựng thương hiệu. Khi đó, giá trị doanh nghiệp sẽ được cải thiện nhờ tính thanh khoản dồi dào trên thị trường chứng khoán.

 

Theo THẢO MAI

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên