MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thách thức kép của châu Âu

23-01-2015 - 14:38 PM | Tài chính quốc tế

Các nhà lãnh đạo châu Âu tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của gói nới lỏng định lượng của ECB, kêu gọi cải cách và bày tỏ quan điểm ủng hộ TTIP.

Trong khuôn khổ hội nghị thường niên lần thứ 45 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ, các nhà lãnh đạo đến từ chính phủ Phần Lan, Đức, Ireland, Latvia và Hà Lan đã tranh luận xung quanh cách thức mà châu Âu đang phải đối mặt: làm sao để có được tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đồng thời giữ gìn sự ổn định ở Đông và Nam Âu.

Nhận định về việc công bố một gói kích thích kinh tế nới lỏng định lượng (QE) lớn của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Sigmar Gabriel, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Liên bang về vấn đề kinh tế và năng lượng của Đức, bày tỏ thái độ hoài nghi đối với sự cần thiết của một gói kích thích QE hiện nay. "Phải mất tám năm để nền kinh tế Đức được hưởng lợi từ chương trình cải cách cơ cấu của Chính phủ. Liệu thời gian này có kéo dài hơn tại các quốc gia châu Âu khác?”

Ông cho rằng thực thi các chính sách châu Âu không chỉ là trách nhiệm của riêng ECB. Nhiệm vụ của nước Đức hiện nay là hỗ trợ Liên minh châu Âu, tuy nhiên mỗi quốc gia cần có can đảm để thực hiện cải cách cơ cấu. Các chính trị gia lo sợ mất vị thế trong cuộc bầu cử nếu họ tiến hành cải cách cơ cấu, nhưng thay vào đó hệ quả là khủng hoảng kéo dài”.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Hà Lan đang đạt mức tăng trưởng khiêm tốn dù trước đó quốc gia này đã từng bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng. Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte, nhận xét "Hà Lan đã áp dụng một công thức cơ bản: củng cố tài chính, cải cách cơ cấu và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng." Thủ tướng Rutte cho rằng: "Châu Âu chỉ đơn giản là không có cạnh tranh. Chúng ta cần phải đẩy mạnh củng cố tài chính và cải cách cơ cấu. Kinh tế châu Âu dễ bị tổn thương bởi các cú sốc bên ngoài vì chúng ta mất quá nhiều thời gian để thực hiện cải cách"

Đồng tình với quan điểm trên, Thủ tướng Ireland, Enda Kenny, nhận xét: "Các quyết định chính trị cần được thực thi nhanh chóng ngay khi được ban hành, tránh tệ nạn quan liêu thường thấy ở EU. Cần loại bỏ sự cách biệt giữa các tổ chức châu Âu và các nước thành viên và người dân thuộc các nước này "

Nền kinh tế của Phần Lan vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thủ tướng Phần Lan, Alexander Stubb, nhận định "Các chính trị gia nên dừng ảo tưởng rằng khu vực công thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đó là vai trò của khu vực tư nhân. Phần Lan đã làm quá ít và quá muộn. Chúng tôi cần một thị trường kỹ thuật số duy nhất ở châu Âu; cần phải chống lại chủ nghĩa bảo hộ; và cần sự ra đời của Hiệp định về quan hệ đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương giữa EU và Hoa Kỳ (TTIP).

Các thành viên khác trong phiên thảo luận cũng bày tỏ sự ủng hộ TTIP. Dân số và sức mạnh kinh tế đang chuyển hướng tới châu Á. "Châu Âu cần phê chuẩn Hiệp định TTIP với Hoa Kỳ vì đây có thể là cơ hội cuối cùng của châu Âu để gây ảnh hưởng tới các tiêu chuẩn thương mại tự do," Gabriel thúc giục. Thách thức đối với các chính trị gia là thuyết phục người dân về sự quan trọng và lợi ích của tự do thương mại. Tương tự, việc làm rõ vai trò cần thiết và lợi ích lâu dài của cải cách cơ cấu cũng là thách thức không nhỏ.

Hướng sự quan tâm về các cuộc bầu cử tại Hy Lạp vào tuần tới, các nhà lãnh đạo bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với Chính phủ mới. Tuy nhiên, cam kết giảm khoản nợ đáng kể cho quốc gia này là không dễ dàng. Tất cả các lãnh đạo đều không mong đợi một Hy Lạp nặng gánh nợ nần tách khỏi EU.

Về lệnh trừng phạt chống lại nước Nga do hành động chiếm đóng Crimea và can thiệp vào miền Đông Ukraine, các nhà lãnh đạo trong phiên thảo luận đều bày tỏ sự không đồng tình. Tuy nhiên, tất cả các lãnh đạo cho rằng lệnh trừng phạt là cần thiết trừ khi và cho đến khi Nga tuân thủ các cam kết của mình theo thỏa thuận Minsk. "Trong thế kỷ 21, chúng ta không thể chấp nhận một nước can thiệp vào các nước khác," Straujuma nói. Thủ tướng Rutte cho biết thêm: "Đây không phải là một trò chơi có tổng bằng 0. Ukraine có thể có mối quan hệ chặt chẽ với cả Nga và châu Âu. "

Vân Hằng

Thu Hương

World Economic Forum

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên