MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham vọng thung lũng Silicon của Trung Quốc

28-04-2013 - 17:29 PM | Tài chính quốc tế

Thời kỳ bùng nổ của ngành công nghệ Trung Quốc đã bước sang giai đoạn thứ hai chỉ sau một thập kỷ.

Được hậu thuẫn bởi thị trường di động và internet lớn nhất thế giới, các công ty khởi nghiệp của Trung Quốc giờ đây đã trở thành những “ông lớn” trong các ngành thương mại điện tử, trò chơi, mạng xã hội và điện toán đám mây. Những “đại gia công nghệ” như Baidu, Alibaba và Tencent đã khẳng định được vị thế dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực, đánh bại cả những đối thủ sừng sỏ đến từ phương Tây khi họ xâm chiếm sân nhà. Các công ty này cũng tiếp tục lớn mạnh khi thâu tóm ngày càng nhiều công ty khởi nghiệp. 

Sau khi sao chép các ý tưởng từ phương Tây và biến chúng thành những mô hình kinh doanh phù hợp với quê nhà, các doanh nghiệp Trung Quốc giờ đây đã có thể phát triển và thương mại hóa các ý tưởng một cách cực kỳ khéo léo. Dường như hiện tượng sao chép giờ đây chỉ là câu chuyện của quá khứ. Các công ty công nghệ Trung Quốc đã tìm được bản sắc cho riêng mình và không còn chịu nhiều ảnh hưởng từ thung lũng Silicon. 

Câu chuyện cải tiến của Trung Quốc nằm ở những vấn đề mang tầm vi mô, phát triển các công nghệ sẵn có và biến đổi để chúng trở nên phù hợp với người bản địa. Ví dụ, Sina Weibo – phiên bản Trung Quốc của Twitter – có nhiều công cụ hơn so với nguyên bản của thung lũng Silicon.

Các nhà đầu tư mạo hiểm cũng trở nên “địa phương hóa” nhiều hơn trong phương thức tài trợ vốn cho các công ty công nghệ khởi nghiệp của Trung Quốc. Ngày nay, họ đầu tư bằng đồng nhân dân tệ từ các quỹ nhân dân tệ, cùng với các đối tác người bản địa. 

Cơn sốt công ty khởi nghiệp đã lan từ các khu vực trung tâm như Thượng Hải và Bắc Kinh sang những nơi cách xa các thành phố lớn như Thành Đô và Trùng Khánh. Các công viên công nghệ với hệ thống cơ sở hạ tầng có thể sáng ngang với các thành phố lớn mọc lên như nấm.

Trong khi đó, những nơi mà sự phát triển đã đạt được độ chín như Bắc Kinh và  Hải Điến (thủ phủ của các trường đại học hàng đầu Trung Quốc) đã trở thành điểm đến hàng đầu của các sinh viên mới tốt nghiệp hay những người trẻ tuổi muốn mạo hiểm. Điều này vẫn xảy ra bất chấp nơi đây có khí hậu khắc nghiệt và tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng nề. Thượng Hải không còn là địa điểm yêu thích duy nhất của các công ty đầu tư mạo hiểm. Ngày càng có nhiều người chuyển đến Bắc Kinh. 

Những kẻ phù hợp nhất sẽ sống sót

Tuy nhiên, các công ty vẫn còn gặp rất nhiều thử thách ở phía trước. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vẫn là vấn đề nổi cộm. Đặc biệt là trong lĩnh vực internet di động, các ý tưởng kinh doanh có thể nhanh chóng bị sao chép. Trung Quốc cũng thực hiện kiểm duyệt nội dung trên Internet một cách gắt gao. 

Trong khi đó, có quá nhiều công ty cùng hoạt động trong một lĩnh vực, và không phải tất cả đều có thể sống sót. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại và doanh thu quảng cáo trực tuyến sụt giảm mạnh, tăng trưởng và lợi nhuận của các công ty công nghệ gần như biến mất. Đối với rất nhiều công ty, để có thể sống sót, họ phải tận dụng được nguồn lực tài chính ngày càng eo hẹp và vượt qua được xu thế chung. 

Chỉ cách đây 2 năm, số công ty khởi nghiệp của Trung Quốc niêm yết trên Nasdaq và NYSE đạt đỉnh. Giờ đây, có rất ít công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Scandal về kế toán của một số công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ và giá cổ phiếu sụt giảm khiến rất nhiều công ty Trung Quốc phải xem xét lại việc phát hành cổ phiếu ra công chúng. 

Kết quả là, các công ty khởi nghiệp phải bảo toàn số tiền mặt để hoạt động trong khi chờ đợi cơ hội tốt để IPO. Các quỹ đầu tư mạo hiểm đang cố gắng duy trì danh mục hiện có và việc tài trợ cho công ty mới không còn được sôi động như cách đây 2 năm.

Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực, các nhà đầu tư thiên thần (angel investor) đang giúp lấp đầy chỗ trống. Nhà đầu tư thiên thần Lei Jun là người đứng đằng sau một số thương vụ thành công mới đây như smartphone Xiaomei hay mạng xã hội YY (hai công ty này niêm yết trên Nasdaq hồi tháng 11 vừa qua). Fritz Demopolous, đồng sáng lập của Qunar (trang tìm kiếm du lịch Qunar vừa được Baidu mua lại với giá hơn 300 triệu USD), giờ đây cũng là nhà đầu tư thiên thần. 

Thu Hương

huongnt

CNBC

Trở lên trên