MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tháo chạy khỏi Tacloban

15-11-2013 - 16:06 PM | Tài chính quốc tế

Tacloban suy sụp và mở cửa nhà tù. 'Vỡ tù' đã khiến làn sóng tháo chạy khỏi Tacloban ngày càng dâng cao...

Rạng sáng 13.11, cảng Tacloban tấp nập. Sau bão Haiyan, hải cảng này không có tàu dân sự đón đưa khách như thường lệ. Sở dĩ người dân Tacloban kéo tới đông là do hôm ấy tàu cảnh sát biển lớp San Juan rời Tacloban để đến Cebu nhận hàng cứu trợ. Vậy là, chiếc tàu này phải làm thêm nhiệm vụ chở người di tản.

Thành phố trở nên nguy hiểm

Sáng hôm ấy, tôi rời trung tâm điều phối cứu trợ ở tòa thị chính, bởi điểm kết nối internet ở đây đã được chuyển tới nơi khác, không còn hy vọng gửi tin bài về tòa soạn. Khi tôi tới bến cảng, dân di tản đã tập trung rất đông. Sau vài chục lần nhắn tin, tôi kết nối được với anh Sổ, một Việt kiều ở Tacloban cũng đang tìm đường thoát ra khỏi thành phố, để nhắn anh ra cảng lên tàu di tản. “Bọn tôi đang trên đường tới Ormoc. Sau mấy ngày chết gí, cuối cùng cũng thoát ra được”. “Lên đó rồi anh còn đi đâu nữa không?”, tôi hỏi. “Không còn chỗ nào để đi anh ạ. Tôi ở lại Ormoc”, anh Sổ nói.

Hơn hai tiếng chờ đợi, cuối cùng tôi cũng bước được lên sân đỗ trực thăng của chiếc tàu biển có độ choán nước 120 tấn này. Xung quanh tôi là những con người đã hết hy vọng ở Tacloban, muốn tìm cho mình một lối thoát, trong khi chưa biết ngày nào sẽ trở về lại thành phố thân yêu từng một thời rất tươi đẹp.

Joel Albios, 20 tuổi, là sinh viên cao đẳng kỹ thuật ở Tacloban. “Em phải đưa mẹ và các em ra khỏi thành phố. Thành phố nồng nặc mùi hôi, tối tăm và không có bất cứ điều kiện nào cho gia đình em tồn tại. Sau khi tàu cập Cebu, tụi em sẽ tới Dalaguete sống nhờ ở nhà bà dì”, Albios nói. “Bao giờ thì bạn trở về Tacloban? Hay là định cư tại nơi mới luôn?” “Trở về chứ. Tùy tình hình, nhưng em nghĩ sớm nhất cũng phải một năm”.

Jayme Mahinay mới 16 tuổi và đang học trung học nhưng là một trụ cột của gia đình, vì cậu là người con trai duy nhất và lại là con cả. “Nhà em ở gần bờ biển. Gió kinh hoàng, nhưng sóng mới đáng sợ. Từng đợt sóng cao tới sáu, bảy mét, quật vào khu bờ biển, từ Palo tới cảng Tacloban, khu chợ Cảng. Nhà cửa bị đánh sập chủ yếu do sóng, nhiều người bị cuốn ra biển. Đến hôm nay xác vẫn bập bềnh trên biển. Lúc nãy ở cảng, em thấy hai cái xác, một lớn một nhỏ”. 

Mahinay kể nhà của cậu cũng bị ngập tới tầng 1, cả nhà trèo lên mái, nằm rạp xuống trong tiếng gió rít ghê rợn và tiếng sóng vỗ ầm ầm. “Thế rồi sau đó thì sao?”, tôi hỏi. “Ba em bị tường đè chấn thương phải chuyển lên Ormoc sớm rồi bây giờ đã được chuyển qua Cebu. Cũng may là gia đình em sống sót cả. Nhưng bà dì ruột em và một đứa con của bà đã thiệt mạng. Sóng đánh sập nhà và họ chết. Sau ba ngày mới tìm thấy xác. Lúc tìm thấy thì đã trương lên rồi”. 

“Thế sao bây giờ gia đình lại di tản? Hay là lên Cebu đón ba?” “Không. Tụi em di tản lâu dài. Thành phố giờ đang trở nên quá nguy hiểm. Mùi hôi, ô nhiễm, nhưng nghiêm trọng nhất là nạn cướp bóc. Sau bão, vì không thể duy trì được hoạt động nên người ta đã mở cửa nhà tù ở Tacloban. Cả ngàn phạm nhân ở đấy đổ ra đường”, Mahinay giải thích.

Chính sự kiện “vỡ tù” đã khiến làn sóng người tháo chạy khỏi Tacloban ngày một nhiều. Trong hai ngày vừa qua, đám đông đã kéo lên sân bay để tìm cách leo lên những chuyến bay chở hàng cứu trợ với mong muốn được thoát khỏi nơi chốn chết chóc này, sau đó ra sao thì ra. Một số khác đi đường bộ tới Ormoc ở phía đông đảo Leyte. 

Thông thường, đi xe đò đường này chỉ mất 2 tiếng, nhưng do cây cối, cột điện đổ ngã trên đường, xe chạy bây giờ phải mất 5-6 tiếng. Lối thứ ba là đi bằng tàu thủy ở cảng Tacloban. Nhưng do không có tàu khách như thường lệ, chỉ có tàu quân sự làm nhiệm vụ nhân đạo nên việc đi ké nói chung cũng rất khó khăn. Vài ngày tàu mới rời cảng một lần.

Nước mắt trên cầu cảng Cebu

Sau hành trình dài 20 tiếng, từ 9 giờ sáng ngày 13.11 tới hơn 5 giờ sáng ngày hôm sau, chiếc tàu cảnh sát biển hú một hồi còi dài chào cảng Cebu, đánh thức đám đông đang nằm ngủ vật vờ trên bãi đáp trực thăng, trên các lối đi, trên mũi tàu, trong phòng ăn, trước cửa toa lét, nói chung là bất cứ nơi đâu có thể ngả lưng. Nhiều tiếng reo vang lên, vui mừng vì được tới nơi, đau xót vì những điêu tàn sau lưng, âu lo vì không biết những gì đang đón đợi trước mặt.

Nước mắt trên cầu cảng Cebu
Nước mắt trên cầu cảng Cebu

Nhưng dù thế nào, những người leo được lên tàu San Juan vẫn là những người đỡ khốn khổ. Họ còn sống sót qua cơn cuồng phong, họ đã chạy thoát khỏi một nơi chốn hiểm nguy, một số họ có người thân, bà con ở đâu đó để nương tựa. 

Còn số rất đông những người kém may mắn phải ở lại Tacloban, dù còn sống hay đã chết, đó là những người chết mất xác, xác trôi bập bềnh trên biển, nằm vất vưởng nơi vệ đường; là những người mất đi những phần ruột thịt, những người vô vọng nhưng vẫn bám trụ lại Tacloban, không phải bởi kiên cường muốn thi gan cùng hoàn cảnh khắc nghiệt, mà chỉ bởi họ không còn chỗ nào khác để đi.

Trên cầu cảng, những người bà con ở Cebu đã đứng đợi từ rất sớm, những tiếng gọi, những giọt nước mắt, những nụ cười, những cái ôm rất chặt. “Chị còn sống. Làm sao chị còn sống được tới ngày hôm nay!”, chị Lorena Rosca ôm chầm lấy người chị gái. Họ cùng khóc trong niềm vui đoàn viên, trong nỗi tủi hờn cay đắng trước nghịch cảnh, khi người chị gái của Rosca cũng bị cơn cuồng phong cướp mất một cậu con trai.

Sau phút giây đoàn viên, đoàn người di tản, kẻ lên xe, người đi bộ rời khỏi cảng Cebu, đi tới những nơi chốn trú ngụ trong những ngày đau buồn và hoảng hốt. Một số sẽ còn tiếp tục đi nữa, tới các địa phương khác, một số ở lại Cebu. 

“Gặp ba xong, em và gia đình sẽ đi tiếp tới Bohol, chỗ có đồi Chocolate nổi tiếng ấy. Tụi em ở nhờ nhà người bà con. Cũng chưa biết phải làm gì để sống trong khi chờ đợi ngày về. Khó khăn lắm anh ạ. Có lẽ còn rất lâu nữa mới có thể trở về”, Jayme Mahinay nói và bắt tay từ biệt tôi. Tôi nhìn bóng dáng cậu bé nhỏ gầy vừa trở thành bạn đồng hành của tôi trong một hành trình bất đắc dĩ.

Cậu ấy mới 16 tuổi thôi.

Trung Quốc tăng tiền giúp đỡ Philippines

Anh hôm qua thông báo sẽ gửi tàu sân bay trực thăng HMS Illustrious, Nga điều 2 máy bay IL-76 chở hàng cứu trợ.

Theo Reuters, Nhật đang chuẩn bị đưa 1.000 binh sĩ cùng các tàu bè và máy bay đến Philippines. Sau khi gây nhiều tranh cãi với khoản đóng góp khiêm tốn 100.000 USD, Trung Quốc hôm qua thông báo sẽ cung cấp số hàng tiếp tế trị giá 1,64 triệu USD cho Philippines.

Trùng Quang


Theo Đỗ Hùng

huongnt

Theo TTXVN

Trở lên trên