MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường dầu mỏ xáo trộn giống những năm 1990?

09-12-2015 - 12:26 PM | Tài chính quốc tế

Có thể nhìn thấy vài điểm rất giống nhau trong tình thế của OPEC ở thời điểm hiện tại và thời kỳ 1997 – 1999. Khi đó OPEC cũng mất quyền kiểm soát thị trường và giá dầu giảm xuống dưới mức 10 USD/thùng.

Đến đây, nhà đầu tư có thể tự hỏi liệu lần này thị trường có đi theo “vết xe đổ” của quá khứ hay không. Tuy nhiên, cần phải nhớ một điều quan trọng: chính OPEC đã nổi lên từ khủng hoảng và sau đó giá dầu đã hồi phục, có lúc đã chạm đến mức giá 150 USD/thùng. Do đó, nếu lịch sử lặp lại, giá chắc chắn sẽ phục hồi.

Các thành viên lớn của OPEC đẩy tăng sản lượng

Năm 1992, sản lượng của Venezuela là 2,2 triệu thùng/ngày. 6 năm sau con số đã tăng lên mức 3,5 triệu thùng/ngày. Đáp lại, Saudi Arabia cũng tăng sản lượng và thị trường ngay lập tức rơi vào tình trạng dư cung.

Lần này, Saudi Arabia lập kỷ lục mới về sản lượng, sản xuất tới 10,6 triệu thùng/ngày. Iran cũng đang có kế hoạch tăng sản lượng trong năm tới, sau khi hoàn toàn thoát khỏi cấm vận.

Kinh tế châu Á giảm tốc

Năm 1997, khi OPEC nâng sản lượng, châu Á cũng bước vào thời kỳ suy giảm kinh tế. Tháng 7 năm đó, khi Thái Lan phá giá đồng baht, khủng hoảng tài chính cũng nổ ra và đẩy nền kinh tế Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan rơi vào suy thoái. Theo số liệu của IMF, GDP của nhóm này đã suy giảm tổng cộng 8,3% trong năm 1998, so với mức tăng trưởng trung bình 7,5% của thập kỷ trước đó.

Hiện nay, mặc dù châu Á đang không ở trong một cuộc khủng hoảng kinh tế, Trung Quốc đang tăng trưởng ở tốc độ thấp nhất 25 năm.

Sự xuất hiện của Indonesia

Quay lại năm 1997, trong một cuộc họp ở thủ đô Jakarta ở Indonesia, OPEC đã quyết định tăng sản lượng đúng vào thời điểm khủng hoảng kinh tế châu Á bắt đầu, khiến giá dầu tụt xuống mức 10 USD./thùng. Các cựu bộ trưởng dầu mỏ thường nhắc đến chuyện “bóng ma Jakarta” đang ám ảnh các quyết định của OPEC.

Tuần trước, Indonesia vừa quay trở lại OPEC sau khi bị ngừng tư cách thành viên vào năm 2009.

El Nino

Trong giai đoạn 1997 – 1999, thị trường dầu mỏ càng tồi tệ hơn khi El Nino hoành hành và làm giảm nhu cầu về khí đốt. Trái đất nóng lên khiến mùa thu và mùa đông ấm hơn thường lệ.

Năm 2015, El Nino cũng đang trở thành vấn đề đáng lo ngại. Lượng dầu diesel tồn kho của Mỹ và châu Âu đang ở mức cao và sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu về dầu thô.

Naimi vs Zanganeh

Giống như 2 thập kỷ trước, al-Naimi (Bộ trưởng dầu mỏ của Saudi Arabia) và Bijan Namdar Zanganeh (Bộ trưởng dầu mỏ của Iran) cũng đang đứng ở hai bên chiến tuyến trên bàn đàm phán ở Vinenna. Cả hai đều có nhiều kinh nghiệm trong việc cùng nhau giải quyết tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ, nhưng lần này sự khác biệt là rất lớn. Saudi Arabia và Iran đang ở trong những vị thế hoàn toàn đối lập về vấn đề Syria, Yemen và Iraq.

Sự thay đổi chính trị ở Venezuela

Tháng 12/2008, Venezuela có một sự thay đổi lớn về chính trị khi Hugo Chavez đắc cử Tổng thống, mở ra thời kỳ mới cho đất nước này và tạo ra bước ngoặt cho thị trường dầu mỏ. Ông Chavez đã cùng với Saudi Arabia cắt giảm sản lượng, chấm dứt 1 thập kỷ sản lượng bùng nổ dù chính sách này khiến rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài bỏ đi. Sau 16 năm, sản lượng của Venezuela đã giảm 10%.

Đầu tuần vừa qua, thế giới vừa chứng kiến một sự xoay chuyển quyền lực ở Venezuela khi đảng đối lập thắng cử và giành quyền kiểm soát quốc hội.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên