MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thiếu sót trong "phép màu" tăng trưởng của châu Á

10-04-2014 - 19:22 PM | Tài chính quốc tế

Phần lớn lợi ích từ tăng trưởng kinh tế đang chảy vào túi bộ phận giàu có hơn. Tình trạng bất bình đẳng thu nhập ngày càng gia tăng ở châu Á.

“Hãy để cho một số người trở nên giàu có trước người khác”, cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng nói. Vào thời điểm đó, lời nói của ông chỉ gói gọn trong phạm vi Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày nay dường như điều này cũng đúng với toàn bộ châu Á.

Trong 2 thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ đã khiến chênh lệch giàu nghèo ở châu Á tăng lên đáng kể. Theo Vinod Thomas – Tổng Giám đốc của Cơ quan Đánh giá Độc lập tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong khi chênh lệch giàu nghèo ở Nam và Trung Mỹ được thu hẹp, xu hướng ngược lại đã và đang diễn ra ở châu Á. Trong thời kỳ từ những năm 1990 đến những năm 2000, chênh lệch giàu nghèo ở châu Á (được đo bằng hệ số Gini) đã tăng khoảng 1% mỗi năm. 

Trong một báo cáo mới đây, ADB đã đánh giá những tác động của tăng trưởng đối với xóa đói giảm nghèo, bất bình đẳng thu nhập và phúc lợi xã hội. ADB kết luận rằng không nên coi tốc độ tăng trưởng là chỉ số tốt nhất để đánh giá sức khỏe của một nền kinh tế. Các thước đo rộng hơn như “cải thiện chất lượng cuộc sống và phúc lợi xã hội” cũng rất quan trọng. 

Trong những năm 1990, GDP của khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng trưởng khoảng 9%/năm. Tỷ lệ giảm xuống còn 8,2% trong những năm 2000. Tuy nhiên, chất lượng cuộc sống không phát triển tương xứng. Trong những năm 1990, chi tiêu của các hộ gia đình tăng trưởng chậm hơn nhiều so với GDP (chỉ khoảng 5,7%). Kết quả là tỷ trọng của tiêu dùng trong GDP giảm trên toàn khu vực. 

Đúng là tăng trưởng nhanh giúp giảm mạnh số người được xếp vào dạng “cực nghèo” (sống dưới mức 1,25 USD/ngày vào năm 2005 – tính theo phương pháp ngang giá sức mua). Nhóm này giảm mạnh từ 1,23 tỷ người trong năm 1990 xuống còn 790 triệu người trong những năm 2000. Chỉ riêng ở Trung Quốc, số người thuộc diện cực nghèo giảm từ 520 triệu (khoảng 43% tổng số dân) trong những năm 1990 xuống còn 230 triệu (tương đương 17%) trong những năm 2000. 

Tuy nhiên, số liệu về nhóm những người sống dưới mức 2 USD/ngày không ấn tượng như vậy. Nói cách khác, nhóm những người giàu hơn đã được hưởng phần lớn lợi ích từ tăng trưởng kinh tế. Điều này khiến chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng lên. 

Trong những năm 1960 và 1970, tăng trưởng kinh tế của châu Á đem lại những hiệu ứng khá công bằng cho xã hội. Xu hướng này chỉ được duy trì ở một số ít quốc gia như Việt Nam và Philippines. 
Ngược lại, ở hầu hết các nước đông dân (như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia), chênh lệch giàu nghèo đã gia tăng mạnh mẽ. Ở Trung Quốc, đó là chênh lệch giữa thành thị và nông thôn trong khi chênh lệch ở Ấn Độ là giữa các nhóm công dân thành thị khác nhau. 

Một điểm đáng chú ý khác là ở khoảng một nửa trong số các quốc gia châu Á (trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Philippines), chi tiêu cho giáo dục chiếm chưa đến 4%. Con số trung bình của các quốc gia phát triển là 5,2%. Nghiên cứu của ADB cũng chỉ ra rằng tỷ lệ tăng trưởng của chi tiêu cho y tế thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng kinh tế. 

Báo cáo của ADB kết luận rằng tổ chức này đã quá tập trung vào con số tăng trưởng mà không chú ý đến những tác động mà tăng trưởng mang lại. Tuy nhiên, đây cũng là bài học dành cho các chính phủ.

Rõ ràng là chênh lệch giàu nghèo là vấn đề nhức nhối mà châu Á cần sớm giải quyết triệt để. Một khảo sát mới được Viện nghiên cứu Pew thực hiện cho thấy 82% người Ấn Độ coi đây là vấn đề lớn. Các chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ từ nhiều năm nay đã luôn tranh cãi về việc chính phủ nên ưu tiên tăng trưởng hay nên tập trung vào nâng cao các điều kiện xã hội. 

Tất nhiên, chính sách tối ưu nhất là tăng trưởng càng nhiều càng tốt và sau đó đảm bảo rằng tất cả người dân đều được hưởng cơ hội ngang bằng nhau. Điều này đồng nghĩa với chính phủ phải cung cấp đầy đủ những hàng hóa công cộng, xây dựng hệ thống thuế ổn định và công bằng cũng như xóa bỏ tình trạng tham nhũng – điều còn thiếu ở rất nhiều nước châu Á. 

Thu Hương

huongnt

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên