MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thời kỳ vàng son của kinh tế học vi mô?

27-10-2012 - 11:14 AM | Tài chính quốc tế

Gần đây nhất, giải thưởng gianh giá Nobel Kinh tế học cũng được trao cho 2 nhà kinh tế học vi mô. Đằng sau thành công ấy là gì?

Các nhà kinh tế học vi mô đang đạt được những bước tiến lớn. Họ dành được nhiều giải thưởng lớn, giúp nền kinh tế chống chọi với khủng hoảng, đưa ra lời khuyên cho những doanh nghiệp tân tiến nhất trên thế giới. Gần đây nhất, giải thưởng gianh giá Nobel Kinh tế học cũng được trao cho 2 nhà kinh tế học vi mô. Tại sao họ có thể làm tốt như vậy? 

Đầu tiên, các nhà kinh tế học vi mô khá giỏi trong việc xây dựng các phát hiện mới dựa trên những nền tảng cũ. Giải Nobel Kinh tế năm nay chính là 1 ví dụ điển hình. 

Giải thưởng năm nay đã thuộc về 2 nhà kinh tế học người Mỹ với công trình nghiên cứu được xây dựng trên nền tảng là lý thuyết trò chơi. Đây vốn là lý thuyết kinh tế được phát triển từ những nguyên lý cơ bản nhất của kinh tế học. Lý thuyết trò chơi hợp tác (cooperative game theory) nghiên cứu về sự tương tác giữa các nhân tố. 

Bằng cách kiểm tra tất cả các khả năng kết hợp có thể, các nhà kinh tế theo trường phái này đưa ra những kết quả mà 1 cá nhân sẽ không thể đạt được nếu thực hiện 1 mình. Sau đó, họ tập trung vào “cốt lõi” của trò chơi – những kết quả được cho là ổn định với điều kiện không có phân nhóm nào có thể cho ra kết quả bằng hoặc tốt hơn bằng cách tách riêng hoặc hành động riêng rẽ. 

Tất nhiên, đây chỉ là lý thuyết. Tuy nhiên, lý thuyết  này đóng vai trò rất quan trọng trong việc lý giải quá trình thành lập hệ thống kết đôi trong y tế. Đây là hệ thống được kết hợp 1 cách bền vững sao cho không có bệnh viện hoặc trường y khoa nào muốn tách riêng hoặc tạo thành 1 nhóm nhỏ. Ngoài ra, lý thuyết này còn có thể được nhìn thấy trong 1 vài ứng dụng khác, điển hình là trong việc thiết kế các phiên đấu giá độc đáo. 

Giải Nobel năm nay chỉ là 1 ví dụ điển hình cho khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn của kinh tế học vi mô. Chính sách tiền tệ không theo qui ước là 1 ví dụ khác. Trong 2 năm 2007 và 2008, các NHTW và bộ trưởng tài chính đã quyết định áp dụng 1 biện pháp cải thiện thanh khoản độc đáo: hoán đổi các tài sản có tính thanh khoản tốt (ví dụ như tiền mặt hoặc tín phiếu kho bạc) với các tài sản thanh khoản kém. Tuy nhiên, làm thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất vẫn là 1 câu hỏi hóc búa. Một trong những trở ngại lớn nhất chính là không thể quyết định chính xác giá tài sản xấu là bao nhiêu. 

Các nhà kinh tế học vi mô vẫn tìm ra được câu trả lời. Ở Mỹ, rất nhiều nhà kinh tế học đã đưa ra lời khuyên cho Kho bạc Mỹ vào năm 2008. Tuy nhiên, ví dụ xuất sắc nhất cho quy trình này nằm ở nước Anh. NHTW Anh đã sử dụng 1 hệ thống đấu giá mới có tên gọi Product Mix được thiết kế bởi Paul Klemperer . 

Thống đốc NHTW Anh,  Sir Mervyn King, đã chỉ ra rất rõ ràng những điểm ứng dụng nguyên lý kinh tế học vi mô trong hệ thống này. “Việc NHTW Anh đã sử dụng Product Mix trong hoạt động đảm bảo thanh khoản là một ứng dụng tuyệt vời của các lý thuyết kinh tế trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn quan trọng hàng đầu đối với thị trường tài chính”, ông nói. 

1 cuộc đấu giá sử dụng rất nhiều phép toán phức tạp để cho ra kết quả. Tuy nhiên, với hệ thống Product Mix, những người không phải là chuyên gia đặc biệt trong lĩnh vực đấu giá (như các thống đốc NHTW) cũng có thể truy cập dễ dàng. Do đó, việc thiết lập chính sách trở nên dễ dàng hơn. 

Kinh tế vi mô cũng tạo nền những bước tiến lớn trong nhiều lĩnh vực quen thuộc. Chúng ta có thể nghĩ đến tính kinh tế học của Facebook, sở giao dịch chứng khoán, báo chí và tiền tệ. Đây là những hệ thống kết nối 2 loại người dùng. Trong khi Facebook kết nối người dùng và các nhà quảng cáo, các sàn giao dịch kết nối người bán và người mua. 

Trong  1 thị trường 2 phía, giá cả thay đổi có thể tạo nên 1 chuỗi các sự kiện phức tạp hơn nhiều so với nguyên lý giản đơn “giá tăng, số lượng giảm”. Hãy xem xét trường hợp 1 tờ báo địa phương muốn tăng giá bán. Giá tăng có nghĩa là lợi nhuận cũng tăng nhưng đi kèm với đó cũng là lượng đặt mua giảm xuống. Tuy nhiên, lượng độc giả thấp hơn khiến tờ báo ít có giá trị hơn dưới góc nhìn của nhà quảng cáo. Do đó, họ cắt giảm quảng cáo và giá trị của báo lại càng giảm xuống. Vòng tròn tiếp tục lặp đi lặp lại. 

Chi tiết này lý giải tại sao các nhà kinh tế học vi mô cũng chính là những nhà quảng cáo hàng đầu tại các công ty công nghệ tân tiến. Hal Varian, chuyên gia kinh tế trưởng tại Google, cũng là 1 nhà kinh tế học vi mô nổi tiếng. Các công ty nổi tiếng khác cũng trọng dụng các nhà tư vấn vi mô như Susan Athey ở Microsoft, Patrick Bajari đang làm việc tại Amazon hay Steve Tadelis ở eBay. Điều này cũng xảy ra ở các ngân hàng và trường kinh doanh. 

Thế mạnh cuối cùng của kinh tế học vi mô nằm ở sự đa dạng về địa lý. Trong khi các trường đại học của nước Mỹ dẫn đầu lĩnh vực này, kinh tế học vi mô cũng rất phát triển ở nhiều khu vực khác. Pháp và Anh cũng là nơi lý tưởng để phát triển và trở thành trung tâm của kinh tế học vi mô. Ngược lại, kinh tế học vĩ mô chỉ tập trung ở Mỹ.  

Điều này có thể mang lại nhiều khái niệm đa dạng về hoạt động của các doanh nghiệp, người tiêu dùng và thị trường và từ đó thúc đẩy kinh tế học vi mô phát triển. Tuy nhiên, dù lý do có là gì đi chăng nữa thì kinh tế học vi mô vẫn đang ở trong thời kỳ thịnh vượng và hứa hẹn sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên