MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thụy Sĩ tạo “cơn sóng thần” trên thị trường tiền tệ thế giới

16-01-2015 - 09:34 AM | Tài chính quốc tế

Franc Thụy Sĩ cao kỷ lục so với USD và euro, chứng khoán Thụy Sĩ đỏ lửa trong khi sắc xanh bao trùm chứng khoán châu Âu.

NHTW Thụy Sĩ (SNB) khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo với quyết định bất ngờ loại bỏ giới hạn đối với cặp tỷ giá franc – euro, mặc dù trước đó Phó Chủ tịch của cơ quan này vẫn khẳng định đây là một trụ cột quan trọng của chính sách tiền tệ.

Kết quả là, đồng franc tăng giá 23% so với euro, lên mức 97,55 centimes đổi 1 euro. Trước đó có lúc đồng tiền này tăng vọt 41%, lên 85,17 centimes – mạnh nhất kể năm 1999, khi đồng euro ra đời. Franc Thụy Sĩ cũng tăng giá 21% so với USD sau khi chạm mức mạnh nhất kể từ tháng 8/2011.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm khoảng 16 điểm cơ bản, xuống còn 1,7%. Lợi suất trái phiếu Đức kỳ hạn 2 năm giảm xuống mức thấp kỷ lục -0,154%.

Trên TTCK Thụy Sĩ, chỉ số SMI giảm 14%, mạnh nhất kể từ năm 1988. Cổ phiếu của hãng sản xuất đồng hồ lớn nhất Thụy Sĩ là Swatch lao dốc mạnh. Chỉ số đo lường mức độ biến động của SMI tăng tới 138%.

Ngược lại, các thị trường chứng khoán châu Âu đồng loạt tăng điểm. Chỉ số Euro Stoxx 50 tăng 2,2%, FTSE MIB Index của chứng khoán Italy tăng 2,4% và chỉ số DAX của TTCK Đức cũng tăng 2,2%.

Một số trong các đồng tiền mất giá mạnh nhất trên thị trường tiền tệ quốc tế từ đầu năm đến nay hồi phục trở lại, vì động thái bất ngờ của SNB buộc các nhà đầu tư phải hành động.

Đồng nội tệ của Canada tăng 1,2% nhưng sau đó số điểm tăng lên lại bị xóa sạch. Đồng tiền này đã giảm giá 2,8% kể từ đầu năm tới nay. Dollar New Zealand tăng 1,4% trong khi dollar Australia tăng 0,8%.

Các cặp tỷ giá sẽ tiếp tục biến động mạnh trong vài ngày tới, với ưu thế thuộc về các đồng tiền như yên Nhật và euro, theo ngân hàng BNP Paribas. Đồng yên cũng tăng giá 1%, lên mức 116,7 yên đổi 1 USD.

Ở bên ngoài châu Âu, tiền tệ của các thị trường mới nổi giảm ít nhất 18% so với đồng franc giữa những lo ngại rằng các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ khó có thể hoàn trả các khoản nợ niêm yết bằng đồng franc. Nhiều người ở các quốc gia như Hungary và Romania đã vay mượn bằng franc trong thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008 bởi lãi suất ở đây rẻ hơn. Đồng forint của Hungary và leu của Romania đều ở mức thấp kỷ lục so với franc.

Bảo vệ động thái này, Chủ tịch SNB Thomas Jordan cho rằng ngạc nhiên là điều cần thiết. Tuy nhiên, giới phân tích không nghĩ như vậy. Hans Redeker, chuyên gia tiền tệ đến từ Morgan Stanley, nhận định sự can thiệp bị động của SNB vào cặp tỷ giá euro – franc là quá đắt đỏ và không hiệu quả bởi với mỗi euro mà SNB xóa bỏ khỏi thị trường, đã có ECB sẵn sàng in thêm euro với số lượng gấp 3.

Thu Hương

PV

Bloomberg

Trở lên trên