MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trật tự thế giới mới của Tổng thống Obama

06-04-2009 - 07:53 AM | Tài chính quốc tế

Chính sách ngoại giao của Mỹ chuyển sang trọng tâm mới là hợp tác quốc tế. Tuyên bố về một siêu cường quân sự trước đây nay là hợp tác và ngoại giao.

So với một năm trước, nước Mỹ vẫn vậy dù đã mất đi tới 6 triệu việc làm. Tuy nhiên chiến dịch thương hiệu quốc tế do Tổng thống Obama tiến hành mang nhiều điểm mới đến nỗi nếu thế giới cảm thấy ngạc nhiên cũng không có gì là lạ.

Những dấu ấn của chính sách đối ngoại thời kỳ Tổng thống Bush nay không còn nữa. Ý tưởng bảo thủ về một nước Mỹ siêu việt để đưa nước Mỹ lên một vị thế cao hơn hẳn thế giới nay đã bị loại bỏ.

Chủ đề nước Mỹ như một siêu cường kinh tế đã được thay bằng lời kêu gọi từ chính Tổng thống Obama về việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tại thế giới các nước đang phát triển.

Ở mỗi điểm dừng chân, ông Obama công bố thông điệp rõ ràng rằng Mỹ là một phần của cộng đồng thế giới. Tuyên bố về một siêu cường quân sự đã chuyển sang nhấn mạnh về hợp tác và ngoại giao.

Ngay từ buổi họp báo đầu tiên với Thủ tướng Anh Gordon Brown, ông Obama đã thể hiện thái độ trên với công chúng, ông nói với người Anh rằng : “Ông đến để lắng nghe chứ không phải để thuyết giảng.”


Tổng thống Obama trong chuyến công du châu Âu

Trong một buổi họp với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 04/04 vừa rồi, khi được hỏi về những thiết kế lớn lao của công cho NATO, ông nói : “Tôi không mang đến đây bất kỳ bản thiết kế lớn lao nào. Tôi đến đây để lắng nghe, để chia sẻ ý tưởng và là một trong những thành viên của NATO, tôi cùng góp sức để định hình tầm nhìn cho tương lai.” Ông bỏ qua hoàn tòan vai trò của Mỹ trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Tối ngày thứ Năm (ngày 03/04) sau khi hội nghị thượng đỉnh G20 kết thúc, ông nhận được nhiều câu hỏi từ phía báo giới nước ngoài trong đó có phóng viên Anh, Ấn Độ và Trung Quốc, nhiều phóng viên đã vỗ tay khi ông kết phúc phần trả lời. Hai phóng viên Mỹ hỏi ông về sự đồng thuận Washington, ông trả lời ngắn gọn và chia sẽ ý kiến với ông Brown : “Sự đồng thuận Washington đã chấm dứt.”

Ông Obama đồng ý với ông Brown và nhấn mạnh sự đồng thuận Washington bắt nguồn từ những chính sách kinh tế mà bản thân nó đã không hoàn thiện. Ông sau đó tiếp tục nói đến những lợi ích của việc cạnh tranh kinh tế với Mỹ.

Đề cập đến sự đi lên của nhiều cường quốc kinh tế khác, ông nhận xét : “Đây không phải là một sự thiệt thòi đối với Mỹ, điều đáng mừng là châu Âu đã được tái thiết và trở thành siêu cường kinh tế. Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật đều ngày một đi lên. Đây là một điều tốt đẹp.”


Tổng thống Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel

Tại tòa thị chính ở Strasbourg, Pháp, Tổng thống Obama thừa nhận với công chúng trẻ tuổi người Pháp và Đức rằng nước Mỹ nên tôn trọng châu Âu : “Nước Mỹ đã sai khi không đánh giá cao vai trò dẫn đầu châu Âu trên thế giới. Có những khi người Mỹ đã thể hiện sự kiêu ngạo và coi thường người khác.”

Tổng thống Obama khác hẳn với cựu Tổng thống Bush trước đây. Chỉ 4 năm trước thôi, Tổng thống Bush trong bài diễn văn nhậm chức lần thứ 2 của ông tuyên bố nước Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn và sẽ sử dụng ảnh hưởng đó trong sự nghiệp vì tự do.

Tầm nhìn về sức mạnh nước Mỹ của Tổng thống Bush vừa hiếu chiến vừa hung hăng. Ông cho biết nước Mỹ sẽ tìm kiếm và ủng hộ hoạt động và tổ chức dân chủ tại tất cả các quốc gia và nền văn hóa. Nước Mỹ với đầy tự tin sẽ đi đến thắng lợi cuối cùng của tự do.

Tổng thống Obama, ngược lại, tìm kiếm con đường hợp tác. Ông hướng đến tầm nhìn hợp tác chứ không phải áp đặt tầm nhìn Mỹ. Thế giới ủng hộ ông, đó là những ánh đèn chớp máy ảnh không ngớt trong tòa thị chính cho đến những đám đông hò reo dọc những con đường ông đi qua tại London.

Vào cuối buổi họp báo của ông Obama, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đề cập đến vấn đề này một cách trực tiếp thông qua phiên dịch : “Tôi cảm thấy hài lòng khi làm việc với Tổng thống Mỹ, ông ấy muốn thay đổi thế giới và ông ấy hiểu thế giới không bó hẹp chỉ trong biên giới hay ranh giới của nước Mỹ. Đây quả là tin tốt lành cho năm 2009.”

Ngọc Diệp

Theo Time


ngocdiep

Trở lên trên