MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc có bước vào vết xe đổ của Nhật Bản ở thỏa thuận Plaza?

13-11-2015 - 12:24 PM | Tài chính quốc tế

Với thỏa thuận Plaza, đồng yên Nhật liên tục tăng giá so với USD, giúp kinh tế Mỹ bùng nổ. Tuy nhiên, kinh tế Nhật đã phải gánh những hậu quả khó lường với dư âm đến tận ngày nay.

Trung Quốc hiện đang trải qua những gì mà Nhật Bản đã gặp phải cách đây mấy thập kỷ. Vào khoảng thời gian cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, thời điểm mà hàng hóa của Nhật Bản đang vươn ra và thống trị thị trường toàn cầu một cách mạnh mẽ, thì Mỹ với mục đích bảo vệ cho các nhà xuất khẩu của mình, đã cáo buộc Nhật Bản là cạnh tranh không lành mạnh.

Mỹ sau đó, đã tung ra những trừng phạt thương mại nghiêm khắc, hạn chế việc nhập khẩu hàng hóa của Nhật Bản và đã thành công trong việc ép buộc Nhật Bản phải đồng ý để Yên tăng giá so với đồng USD, qua đó tự làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Nhật đặc biệt là so với hàng hóa Mỹ.

Năm 1964, yên Nhật chính thức được chuyển đổi với các loại ngoại tệ khác trên tài khoản vãng lai. Từ đó đến 2014, đồng tiền này đã tăng giá trên 66% so với USD, đặc biệt từ sau 1985 trở đi.

Giá trị của đồng Yên đã tăng dần dần trong các năm 1960 và 1970, mức tăng này thì không có gì bất thường vì nó trùng với khoảng thời gian tăng trưởng kinh tế thần kỳ của Nhật Bản (giai đoạn phục hồi: 1945 – 1954 và giai đoạn bứt phá 1954 - 1973). Tuy nhiên, bước ngoặt lớn nhất xảy ra vào năm 1985, khi thỏa ước Plaza được ký kết.

Được ký ngày 22/9/1985 bởi 5 nước Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nhật, các nước tham gia đồng ý can thiệp vào tỷ giá trên thị trường ngoại hối để làm giảm giá trị đồng USD so với đồng Yên Nhật và Mác Đức bằng việc bán ra tổng cộng 10 tỷ USD trên thị trường ngoại hối và mua lại vào các đồng tiền: Yên, Mác. Đồng USD đã giảm 51% giá trị so với Yên Nhật chỉ 2 năm sau khi hiệp định được ký kết và tiếp tục giảm trong các năm sau đó.

Thỏa ước này nhằm giúp kinh tế Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1980 cũng như bảo vệ vị thế thương mại quốc tế của hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ.

Tuy nhiên, đối với kinh tế Nhật Bản lúc đó – nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu, việc đồng Yên tăng giá mạnh mẽ so với đồng USD và các đồng tiền khác đã khiến các nhà xuất khẩu Nhật Bản thiệt hại nặng nề, kéo theo kinh tế Nhật Bản đi xuống. Để kích thích nền kinh tế, cứu vãn tình hình, Nhật Bản đã phải nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách cắt giảm lãi suất xuống mức thấp.

Các chính sách kích thích kinh tế có hai mặt: thu hút dòng vốn nước ngoài đổ bộ vào Nhật Bản nhưng lại thôi thúc các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài vì yên vẫn không ngừng tăng giá so với USD. Kinh tế Nhật mất đi động lực tăng trưởng cơ bản, trong khi dòng vốn đầu cơ khiến giá các loại tài sản tăng, tạo ra bong bóng tài sản.

Yếu tố dòng vốn đầu cơ thể hiện ở chỗ sau năm 1985 các quỹ đầu tư Mỹ, đi đầu là Solomon Brother và tiếp đó là hàng loạt các quỹ Phòng hộ - Hedge Fund kéo vào Nhật Bản, đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản, trong số những cái tên nổi bật nhất thì có quỹ Quantum của tỷ phú George Soros. Chỉ sau vài năm, ngay trước khi bong bóng nổ vỡ George Soros và quỹ Quantum đã rút chân nhanh chóng khỏi Nhật Bản.

Đến năm 1990, bong bóng đầu tư trên TTCK Nhật Bản nổ vỡ kéo theo cả bong bóng bất động sản nổ vỡ theo vào năm 1992, đã chính thức kéo Nhật Bản bước vào 2 thập kỷ tăng trưởng trì trệ và giảm phát.

Bất chấp việc kinh tế Nhật Bản đã rơi vào tình trạng trì trệ, yên vẫn ở mức cao so với USD, làm lợi cho kinh tế Mỹ. Xu hướng này chỉ suy giảm từ sau năm 2000 và kéo dài tới khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra năm 2008.

Sau các diễn biến như vậy thì lý do hợp lý nhất để giải thích cho việc tại sao Nhật Bản lại vẫn phải luôn duy trì giá trị của đồng Yên bất chấp việc nền kinh tế trì trệ sau hàng thập kỷ đó là vì Nhật Bản sợ Mỹ trả đũa thương mại nếu như họ phá giá đồng Yên.

Năm 2012 đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ mà chính xác là sự “đảo ngược” mạnh mẽ trong chính sách tiền tệ của Nhật Bản. Có một sự kiện lớn trùng với thời điểm này: trong giai đoạn cuối năm 2012 đến giữa năm 2013, tỷ phú George Soros đã kiếm được khoản lợi nhuận khoảng 1,3 tỷ USD nhờ vào các vị thế đặt bán đồng Yên Nhật so với USD từ hồi tháng 6/2012 – tức là George Soros đã đặt bán Yên Nhật 3 tháng trước khi ông Shizo Abe chính thức trở thành Thủ tướng Nhật vào tháng 9/2012.

Sự chiến thắng của ông Abe chính là mốc đánh dấu cho sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Nhật Bản. Sau các gói nới lỏng định lượng ồ ạt, đà tăng của yên bị đảo ngược. Từ tháng 6/2012 tới nay, yên đã mất khoảng 55,8% giá trị so với USD. Kể từ thời điểm BOJ phá giá nội tệ, các tập đoàn kỹ nghệ, nhóm lợi ích công nghiệp Mỹ luôn kêu ca, vận động hành lang chính phủ Mỹ để cáo buộc Nhật Bản đang thao túng tiền tệ, cạnh tranh không lành mạnh.

Mỹ đã không ít lần lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đang bóp méo tỷ giá và hối thúc nước này tăng giá nhân dân tệ. Xuất khẩu của Trung Quốc bắt đầu bùng nổ vào giữa những năm 2000, khiến các quan chức Mỹ thấp thỏm và đe dọa trả đũa thương mại trừ khi các chính phủ Trung Quốc phải thực hiện những bước đi nhằm hạn chế xuất khẩu. Sức ép đòi tăng giá đồng Nhân Dân Tệ của Mỹ đã càng trở nên mạnh hơn sau khi Đại khủng hoảng kinh tế năm 2008 nổ ra.

Và quả thực thì khi nhìn lại tỷ giá hối đoái thực tế của đồng Nhân Dân Tệ Trung Quốc kể từ khi Trung Quốc cho phép Nhân Dân Tệ được chuyển đổi với các loại ngoại tệ khác trên tài khoản vãng lai (1996) cho đến ngày hôm nay thì đồng tiền này bắt đầu tăng giá mạnh từ sau năm 2007.

Còn tiếp

Tuấn Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên