MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc không cần nới lỏng định lượng

30-04-2015 - 09:34 AM | Tài chính quốc tế

Từ xưa tới nay Trung Quốc vẫn đang nới lỏng định lượng. Hiện nay vấn đề mà Trung Quốc cần giải quyết là thoát khỏi nó.

Nội dung nổi bật:

- Suy luận cho rằng NHTW Trung Quốc đang thực hiện chính sách nới lỏng định lượng giống như Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu là sai lầm.

- Trung Quốc vẫn sử dụng các công cụ định lượng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên các công cụ này đang tỏ ra không phù hợp vì nền kinh tế ngày càng mở cửa.


Trong bối cảnh NHTW Trung Quốc tích cực bơm tiền vào hệ thống tài chính để thúc đẩy tăng trưởng, các nhà bình luận nhanh chóng đưa ra kết luận đây là khởi đầu của một chương trình nới lỏng định lượng (quantative easing – QE) theo kiểu Trung Quốc.

Thông thường, các phép suy luận khá hữu ích trong việc gải thích các vấn đề tài chính phức tạp. Tuy nhiên, trường hợp này là một phép so sánh khập khiễng và có thể gây ra những lầm tưởng. QE là một mô tả nghèo nàn về cách mà chính sách tiền tệ của Trung Quốc hoạt động. Cụm từ này cũng thổi phồng quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ mà NHTW Trung Quốc (PBOC) đang thực hiện.

Chính sách tiền tệ của Trung Quốc đang được cho là giống với những gói nới lỏng định lượng mà Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đang áp dụng. NHTW các nước này đã mua vào một lượng lớn trái phiếu chính phủ cùng một số chứng khoán khác từ các ngân hàng để mở rộng cung tiền và PBOC được cho là cũng đang làm điều tương tự. Một số cho rằng PBOC sẽ mua tài sản trực tiếp từ các ngân hàng thương mại (giống như Fed), trong khi một số khác so sánh chương trình nới lỏng định lượng của Trung Quốc với “các chương trình tái tài trợ dài hạn” của châu Âu (tức là cho các ngân hàng vay một cách gián tiếp, lấy trái phiếu chính phủ làm tài sản đảm bảo).

Không thể chối cãi sự thực là Trung Quốc đang nói lỏng tiền tệ và chiến dịch này đang được thực hiện trên nhiều “mặt trận”. Tuy nhiên, những suy luận nói trên sai ở hai chỗ. Thứ nhất, từ xưa đến nay Trung Quốc đã thường xuyên sử dụng các công cụ định lượng trong chính sách tiền tệ. Chính phủ vẫn đặt mục tiêu cung tiền cho mỗi năm (năm nay mục tiêu là cung tiền M2 tăng trưởng 12%). Cơ quan quản lý cũng dựa vào hạn ngạch tín dụng để gây ảnh hưởng lên hành vi của các ngân hàng. Thay vì sử dụng lãi suất như các nước khác, PBOC sẽ điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc để quyết định các ngân hàng thương mại sẽ có thể cho vay bao nhiêu tiền mặt.

Chính sách bất thường nhất kể từ đầu năm tới nay là cam kết cấp tín dụng cho Ngân hàng Phát triển Trung Quốc để từ đó cấp tín dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, nói một cách chính xác, đây không phải là chính sách mới. Trong 2 năm gần đây, NHTW Trung Quốc thường sử dụng một số dạng thức cho vay lại phổ biến. Giống như các chuyên gia phân tích đến từ Westpac (một ngân hàng của Úc) nhận định, Trung Quốc đã đẩy mạnh nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng vẫn không thay đổi phong cách. “Chính sách tiền tệ của Trung Quốc lấy định lượng làm trọng tâm, do đó phần lớn các chính sách mà PBOC đang theo đuổi hiện nay sẽ tập trung vào định lượng hơn là giá cả”.

Vấn đề thứ hai khi so sánh động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của Trung Quốc với gói QE nằm ở chỗ quy mô các gói nới lỏng định lượng của Trung Quốc bị thổi phồng. Mục tiêu của việc nới lỏng chính sách tiền tệ là để thay thế lượng tiền mặt rời khỏi Trung Quốc thay vì bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Trong quá khứ PBOC đã phụ thuộc vào lượng ngoại tệ chảy vào để tạo nên tăng trưởng cung tiền (nói một cách đơn giản, PBOC in thêm một lượng nhân dân tệ nhất định để mua hết số USD chảy vào Trung Quốc thông qua cả hai con đường thương mại và đầu tư). Tuy nhiên, dòng vốn đã đảo chiều trong một nửa năm trở lại đây, buộc PBOC phải tạo thêm cung tiền thông qua các kênh thay thế.

Trung Quốc cũng không cần đến QE. NHTW Nhật Bản và NHTW châu Âu phải sử dụng QE vì họ không thể sử dụng những chính sách tiền tệ thông thường. Lãi suất ở các quốc gia này hiện đã ở mức gần 0 và họ cần đến những cách mới lạ để giảm chi phí tài trợ vốn cũng như khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn. Trong khi đó Trung Quốc còn rất nhiều dư địa để triển khai các biện pháp thông thường. Lãi suất cơ bản hiện đang ở mức trên 5% và tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên tới 18,5%.

Vậy thì, tại sao Trung Quốc lại chọn cách cho vay lại trong khi nới lỏng trên diện rộng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều trong việc kích thích khu vực tài chính? Câu trả lời có ở ngay trong câu hỏi. Không giống như các NHTW khác đã chuyển sang các công cụ phi truyền thống để nới lỏng tiền tệ trên diện rộng sau khi nhiều cách khác đã thất bại, Trung Quốc sử dụng công cụ cho vay lại với những mục đích rõ ràng, đặc biệt là tránh bơm quá nhiều tiền mặt vào nền kinh tế trong khi tỷ lệ nợ quá cao. “PBOC chọn cách cho vay lại vì họ không tin rằng thị trường tài chính có thể phân bổ tín dụng vào đúng những nơi mà các nhà hoạch định chính sách mong muốn chứ không phải do lo ngại về tính thanh khoản của ngành ngân hàng”, các chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn Capital Economics nhận định. Nếu PBOC chấp nhận lấy trái phiếu chính phủ làm tài sản đảm bảo, mục tiêu của PBOC sẽ là thuyết phục các ngân hàng mua trái phiếu từ gốc.

Bản thân cách tiếp cận của Trung Quốc cũng có nhiều vấn đề. Đối với một nền kinh tế đã phát triển đến quy mô lớn và phức tạp như Trung Quốc, các công cụ định lượng ngày càng tỏ ra lỗi thời bởi chúng sẽ tỏ ra hữu hiệu nhất khi hệ thống tài chính chưa mở cửa. Tuy nhiên, khi cán cân vốn được mở cửa và thị trường trái phiếu thay thế cho các ngân hàng, các NHTW nên tập trung vào giá của tín dụng (lãi suất) thay vì khối lượng tín dụng. Thêm vào đó, trong một vài năm qua Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc tự do hóa thị trường tài chính và PBOC cũng đang dần dần chuyển sang điều chỉnh chính sách tiền tệ dựa theo giá.

Từ xưa tới nay Trung Quốc vẫn đang nới lỏng định lượng. Hiện nay vấn đề mà Trung Quốc cần giải quyết là thoát khỏi nó.

>>> QE kiểu Trung Quốc

Thu Hương

Thu Hương

The Economist

Trở lên trên