MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Trung Quốc nghĩ gì] Detroit phá sản - Bài học đô thị hóa cho Trung Quốc

08-08-2013 - 08:38 AM | Tài chính quốc tế

Ngành sản xuất đơn nhất, quản lý yếu kém và những khoản nợ chồng chất là nguyên nhân dẫn đến sự phá sản của Detroit. Nhiều thành phố tại Trung Quốc cũng đang vấp phải các vấn đề tương tự.

Sự kiện Detroit phá sản ngày 18 tháng 7 đang gây xôn xao thế giới vì thành phố đã từng hỗ trợ rất nhiều cho sự phát triển ngành công nghiệp chế tạo tại Mỹ trong thời gian dài. Vào thời điểm đệ đơn phá sản, khoản nợ của Detroit lên tới 18 tỉ USD trong đó 9,2 tỉ USD là phúc lợi hưu trí.

Do Mỹ áp dụng chế độ chính phủ liên bang, các thành phố phải tự chịu trách nhiệm cho tình trạng lãi lỗ của mình. Từ năm 1937 tới nay, Mỹ có tất cả 619 cơ quan chính quyền địa phương hoặc khu vực đệ đơn phá sản.

Luật phá sản đặt ra cho các thành phố có tính bảo hộ: một khi chính quyền địa phương đạt điều kiện và rơi vào thời kỳ phá sản, họ có thể tạm ngừng mọi nghĩa vụ trả nợ và được phép hoàn trả trong thời gian dài không tính lãi.

Trong thời gian này chính quyền có cơ hội "xả hơi lấy sức" bằng cách nâng cao nguồn thuế, giảm chi tiêu, giảm phúc lợi... để đối mặt với những cuộc đàm phán lâu dài với chủ nợ.

Sự kiện này mang lại bài học rất lớn về phát triển công nghiệp, quản lý thành phố và công nợ địa phương cho Trung Quốc.

Thứ nhất, đừng dựa vào duy nhất một ngành.

Đầu thế kỷ 20, Detroit nổi lên với ngành chế tạo ô tô. Sự thịnh vượng của thành phố gắn kết mật thiết với sự phát triển toàn ngành. Khi dân số chạm ngưỡng cao nhất là 4,4 triệu người thì 90% kiếm sống trực tiếp hoặc gián tiếp bằng ngành ô tô.

Chiến tranh thế giới thứ hai đã tạo điều kiện cho ngành này thêm phát triển. Năm 1942, Detroit tạm ngừng sản xuất ô tô gia đình để làm nguồn cung hùng hậu cho quân sự với những đơn đặt hàng lên tới 10 tỉ USD.

(Xem thêm: Ngắm lại Detroit thời hoàng kim)

Dĩ nhiên, việc lệ thuộc trong thời gian dài sẽ đem lại những nguy hiểm khó lường. Không giống như các lão làng công nghiệp khác như Chicago hay Pittsburgh, Detroit đã không toàn lực chuyển đổi sang kinh tế xanh và kinh tế tài chính mà chỉ muốn mở rộng đối tượng đánh thuế để giải quyết khó khăn. 80% kinh tế Detroit phụ thuộc vào ô tô, một khi ngành ô tô gặp nạn thì toàn bộ khu vực cũng sẽ điêu đứng theo.

Tại Trung Quốc, có rất nhiều thành phố cũng chỉ dựa vào một, hai ngành hoặc nguồn tài nguyên đặc thù để phát triển. Đến nay nước này đã có 69 thành phố được liệt vào danh sách "thành phố cạn kiệt tài nguyên", phần lớn nằm ở Đông Bắc và Tây Trung Quốc.

Ví dụ như một vài thành phố tại tỉnh An Huy (khai thác than, đồng), Trùng Khánh (khoáng sản phi kim) hay Cát Lâm (rừng, than, phi kim...)... Sau vài chục năm phát triển, nguồn tài nguyên cạn kiệt khiến thu nhập giảm liên tục.

Nếu muốn thoát khỏi vết xe đổ của Detroit cần nhớ lấy bài học và đưa ra chiến lược phát triển mới, phong phú hóa ngành sản xuất và đẩy mạnh sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thứ hai, cần quản lý thành phố một cách khoa học.

Detroit phá sản vì quản lý yếu kém, phúc lợi được đặt ra quá cao trong khi nợ quá nặng gây ra sự mất cân bằng. Cùng với xu thế ngoại ô hóa thành phố của Mỹ, tầng lớp trung lưu và cơ cấu dịch vụ chuyển dịch khỏi trung tâm thành phố ngày một nhiều.

Tại Detroit, điều này càng nghiêm trọng hơn khi nguồn thuế thu hẹp và quy hoạch thành phố ngày một lủng củng. Trong phạm vi 89,6 nghìn mẫu đất, quy hoạch nơi đây đã thể hiện sự bất hợp lý rõ rệt.

(Xem thêm: Bài học từ sự sụp đổ của biểu tượng Detroit

Chính quyền thành phố cũng từng đổ tiền vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng và đổi mới cho thành phố, ví dụ như 57 triệu USD để tân trang Joe Louis Arena, 200 triệu USD tu sửa đường xá dài 3 dặm cho du khách.

Tỉ suất sử dụng những công trình này cực thấp, lại thêm kinh doanh thua lỗ nên không những đời sống người dân không được cải thiện mà chính quyền cũng phải gánh thêm nợ nần. Tỉ lệ tội phạm tăng lên không ngừng khiến gần 33% chi tiêu công cộng đều dốc vào an ninh.

Chính quyền Trung Quốc chiêm nghiệm rằng cần sử dụng chiến lược phát triển thành thị xuất phát từ con người, từ đó xây dựng môi trường thành phố tiện nghi, lâu dài, phát triển lành mạnh.

Thứ ba, phải cẩn trọng khi khoản nợ đã bị ủ quá lâu.

Đối với Trung Quốc, việc chính quyền địa phương tuyên bố phá sản là không thể nhưng không có nghĩa ở đây không tồn tại những vấn đề tương tự. Hiện tại khoản nợ nần của một số thành phố Trung Quốc đã gần chạm mức báo động.

Luật ngân sách quy định chính quyền địa phương không được phát hành trái phiếu nhưng không có nghĩa thành phố không mang nợ khi các nhà đầu tư góp tiền vào xây dựng thành phố là chuyện rất phổ biến.

Một khi thành phố mất đà phát triển, lãng phí đầu tư rất dễ sinh ra kéo theo việc người dân bỏ đi và để lại một thành phố ma. Cuối năm 2011 đến đầu năm 2013, 36 thành phố tại Trung Quốc đã có tổng mức nợ lên tới 3,9 nghìn tỉ Nhân Dân Tệ, nhiều thành phố còn áp dụng việc lấy nợ mới trả nợ cũ.

(Xem thêm:Chuyên gia nói về tình hình nợ xấu của chính quyền địa phương Trung Quốc)

Detroit là hồi chuông cảnh báo cho những khu vực đô thị hóa đang gồng gánh với những khoản nợ chồng chất.

Thùy An

huongnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên