MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Trung Quốc nghĩ gì] Năm bài học lớn từ chính biến Ai Cập

24-07-2013 - 08:38 AM | Tài chính quốc tế

Sao chép mù quáng hệ thống chính trị phương Tây, để quân đội can thiệp chính trị, quốc gia thiếu tính độc lập...

Bài viết được đăng tại mục Quan điểm Trung Quốc, thuộc báo Mạng Trung Quốc. Thành lập từ năm 2000, tờ báo hiện đang đăng tin bằng 11 ngôn ngữ. Đây là website thời sự trọng điểm quốc gia, được quản lý bởi Cục phân phối và phát hành xuất bản ngoại văn Trung Quốc và Văn phòng Thời sự Quốc vụ viện Trung Quốc.

Vài năm trước, Ai Cập là tâm điểm của giới truyền thông phương Tây. Nhân dân bất mãn với 30 năm chế độ độc tài Mubarak nên đã nổi dậy chấm dứt sự cai trị. Trong cuộc tuyển cử tổng thống vòng hai sau đó, Morsi đắc cử và trả lại chế độ dân chủ.

Nhưng một năm sau, người dân quay trở lại quảng trường Tahrir để phản đối tổng thống mới. Tiến trình dân chủ của Ai Cập lại quay về vị trí ban đầu khiến nhiều người hết sức choáng váng.

Nhân dân Ai Cập chia làm hai phe phản đối và ủng hộ Morsi. Tổng thống lâm thời không danh chính ngôn thuận nên khó lòng trấn an quốc gia trong thời gian ngắn. Từ cuộc chính biến lớn này, năm bài học rút ra có thể tóm lược như sau:

Thứ nhất, không nên sao chép mù quáng hệ thống chính trị phương Tây. Chế độ dân chủ phương Tây thường có một nền kinh tế thị trường tương đối phát triển, chế độ pháp luật và cơ cấu xã hội hoàn thiện, quy mô tầng lớp trung lưu khá lớn và toàn dân được hưởng chế độ giáo dục tốt.

Đây là những điều Ai Cập không có. Nền móng kinh tế yếu kém, quân đội nắm giữ chính trị kinh tế, các giáo phái chia năm xẻ bảy, ý thức dân chủ mờ nhạt và thiếu khuyết tầng lớp trung lưu. Tiến hành tuyển cử trên cơ sở này không khác nào xây lâu đài trên cát.

Có người nói Ai Cập đang phải hứng chịu cơn đau trước khi đi tới thành công. Nhưng thực chất đây là phản ứng dữ dội của việc uống nhầm phương thuốc.

Đáng tiếc là nhiều người vẫn đang ôm mộng tiến hành tuyển cử cứu nước. Những ảo tưởng của tự do dân chủ, chính sách "cây gậy lớn và củ cà rốt" của Mỹ có khả năng sẽ khiến Ai Cập thực hiện vòng bầu cử mới.

Thứ hai, phát triển xã hội cần tuân theo từng bước. Nóng vội và đốt cháy giai đoạn sẽ phản tác dụng. Morsi lên nhậm chức mới một năm, phe phản đối đã tỏ ra không phục.

(Xem thêm: Ai Cập hứng "mưa" viện trợ 8 tỷ USD)

Trong bối cảnh lợi ích kinh tế chính trị đan xen, hệ thống cảnh sát mập mờ, nền móng kinh tế yếu kém lại thêm khủng hoảng kinh tế thế giới đe dọa, Morsi cho xây dựng bộ máy chính phủ để ổn định quan hệ với Mỹ, Isarel...

Người Ai Cập quá thiếu kiên nhẫn, đòi hỏi một sự cải thiện rõ ràng và mau chóng chỉ trong một năm và dĩ nhiên khó có ai thực hiện được điều này.

Thứ ba, Đảng cầm quyền cần phải mở rộng tư tưởng, cởi mở và tiếp thu. Người lãnh đạo đảng phái nắm quyền cần có cái nhìn cởi mở, xây dựng cơ sở trị vì rộng rãi.

Morsi khi nắm quyền đã coi đất nước như hội Huynh đệ, tiến hành thay máu cho quân đội và cả lãnh đạo các thành phố. Hành động đó đã khiến Morsi tự cô lập chính mình và phá hủy cơ sở trị vì. 

Thứ tư, quân sự can thiệp chính trị, lợi bất cập hại. Trong mười năm gần đây, quân đội Ai Cập đã trở thành cái bóng không thể xóa mờ trong kinh tế lẫn chính trị quốc gia.

Nhiều quan chức đầu não chính phủ từng hoạt động trong quân sự, sau khi nghỉ hưu trong quân đội lại quay sang điều hành doanh nghiệp, nắm giữ mạch máu kinh tế và hình thành một tập đoàn mang lợi ích riêng biệt.

Xã hội bất ổn, các nhân vật quân sự ra tay giải quyết nhưng dù thế nào thì lợi ích cho phe quân đội vẫn phải được đảm bảo. Morsi là tổng thống được dân bầu chọn, việc bãi miễn ông cần làm theo trình tự quy định. Quân đội Ai Cập đã phá hỏng điều kiện tiên quyết này và cản trở tiến bộ xã hội.

Cuối cùng, mỗi quốc gia cần có tính độc lập, tự chủ và đi theo con đường phát triển phù hợp với mình.

(Xem thêm: Mỹ đổ bao nhiêu tiền vào Ai Cập)

Mỹ và các nước phương Tây làm chủ quân sự bằng những viện trợ kinh tế cho phe quân sự từ đó tác động vào xã hội Ai Cập, biến nước này trở thành một con tốt trong bàn cờ chiến lược Trung Đông.

Ai Cập phải tự nhận thức được mình đang nằm ở giai đoạn phát triển nào để tìm ra chiến lược riêng, nếu không sẽ chỉ trở thành con búp bê cho các cường quốc.

Đây là một nỗi đau lớn cho Ai Cập. Nhưng nếu có thể rút ra bài học và ghi nhớ sâu sắc, tình hình Ai Cập và cả thế giới có thể trở nên tươi sáng hơn.

Thùy An

tuannm

Mạng Trung Quốc

Trở lên trên