MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc thách thức Bretton Woods

06-11-2014 - 09:11 AM | Tài chính quốc tế

Mặc dù quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ còn lắm gian nan, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có những bước đi rất rõ ràng.

Suốt từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã miệt mài triển khai những bước cần thiết để đặt nền móng cho một hệ thống tài chính lấy đồng nhân dân tệ làm trung tâm. Mặc dù quá trình ấy còn lắm gian nan, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có những bước đi rất rõ ràng.

Đầu tiên, Trung Quốc hướng đến mục tiêu tạo ra một khu vực sử dụng đồng nhân dân tệ đối trọng với khu vực sử dụng USD vốn đã thống trị hệ thống tài chính toàn cầu suốt từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đã khuyến khích sử dụng đồng nhân dân tệ như một đồng tiền dự trữ, một phương tiện thanh toán trong các giao dịch thương mại và cả vai trò như một nơi cất giữ giá trị. Ở tất cả các khía cạnh, Trung Quốc đều ghi dấu ấn. Ví dụ, số trái phiếu niêm yết bằng nhân dân tệ ở hải ngoại được phát hành trong 9 tháng đầu năm đã tăng từ mức 376 tỷ nhân dân tệ trong cả năm 2013 lên mức cao kỷ lục 451 tỷ nhân dân tệ. 

Bước thứ hai trong kế hoạch của Bắc Kinh là thiết lập các định chế tương tự như các định chế đa phương đang điều hành lộ trình phát triển toàn cầu. Tháng 7, nhóm các nước BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã đồng ý thành lập Ngân hàng Phát triển mới đối trọng với Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế. Tháng trước, Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á đã ra mắt với sự hậu thuẫn của 20 quốc gia nhằm cạnh tranh với Ngân hàng Phát triển châu Á. Bắc Kinh cũng đang đẩy mạnh kế hoạch thành lập Ngân hàng phát triển hợp tác Thượng Hải với sự tham gia của 6 nước đến từ cả châu Á và châu Âu. Nhóm này sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau về chính trị, kinh tế và quân sự. 

4 định chế này sẽ củng cố thêm sức mạnh tài chính cho Ngân hàng phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Hai năm qua, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã cấp lượng tín dụng trị giá tổng cộng 670 tỷ USD – vượt qua tổng các khoản cho vay, bảo lãnh và bảo hiểm phát hành bởi Ngân hàng xuất nhập khẩu Mỹ trong suốt 8 thập kỷ trước. 

Những con số trên thể hiện tham vọng rất lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, liệu Trung Quốc có thể suôn sẻ hoàn thành kế hoạch này hay không là câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ. Sẽ có những thách thức mà Trung Quốc phải vượt qua như tình trạng tham nhũng tràn lan, những ưu ái dành cho các doanh nghiệp nhà nước và cả sự thiếu minh bạch trong các giao dịch tài chính. 
Về phần mình, Trung Quốc cho rằng bản thân không muốn thay thế trật tự hệ thống tài chính hiện tại mà chỉ muốn cải thiện nó. Trung Quốc dẫn ví dụ các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Á thiếu hụt tới 8.000 tỷ USD để nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm thêm nguồn vốn ngoài World Bank, IMF, ADB và các tổ chức đa phương có sẵn hiện nay. 

Thêm vào đó, rõ ràng là các định chế nhận được sự hậu thuẫn của Trung Quốc được sinh ra từ nhu cầu. IMF bị các nước đang phát triển chán ghét. Các nước này cho rằng IMF luôn áp đặt những cải cách thị trường khiến các nước nghèo thêm trì trệ chứ không phải thoát khỏi đói nghèo. 

Các tổ chức đa phương sẽ phải thay đổi để có thể cạnh tranh hiệu quả hơn trong một thế giới mà Trung Quốc ngày càng củng cố vị thế. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ nhận thấy rằng nước này chưa có đủ sự minh bạch và những tiêu chuẩn quản trị tốt để điều hành các định chế tài chính sánh ngang với những định chế đã có. 


Thu Hương

huongnt

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên