MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Trường phục hồi nhân phẩm" Goldman Sachs

29-10-2013 - 12:30 PM | Tài chính quốc tế

Goldman Sachs đang nỗ lực khôi phục lại danh tiếng đã bị tổn hại trong mấy năm gần đây.

Tin đồn về tình trạng căng thẳng tiền mặt và các khoản lỗ giao dịch phái sinh bị che giấu bắt đầu rộ lên. Tâm lý sợ hãi và hoảng loạn bao trùm các thị trường. Cổ phiếu giảm điểm. Một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới đang bên bờ sụp đổ, đe dọa đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới. Các lãnh đạo của Goldman Sachs tự hỏi liệu họ nên đứng về phía khách hàng (dù điều này khiến Goldman Sachs gặp rủi ro) hay nên tự bảo vệ mình (điều có thể gây nên một cuộc khủng hoảng tài chính). 

Bộ phim đang được trình chiếu đột ngột dừng lại. Căn phòng sáng điện và khoảng 100 người, gồm cả những người đang và đã giữ chức phó chủ tịch của Goldman Sachs, đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên. Họ sẽ không trở nên ngu ngốc trước mắt đồng nghiệp, cũng không bị coi là vụ lợi trong mắt những người quản lý cấp trên. Một cánh tay giơ lên đi kèm với câu trả lời: “Trách nhiệm hàng đầu của chúng ta là trách nhiệm đối với công ty”. 

“Vậy thì, ngân hàng được đặt lên hàng đầu, những phép tắc trong kinh doanh như hãy đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu bị bỏ qua?”, người chủ trì cuộc họp nói. Ông là người đã từng dẫn dắt bộ phận kinh doanh tại châu Âu của Goldman Sachs. Ông đưa ra câu hỏi liệu vị thế là một định chế tài chính hết sức quan trọng có ảnh hưởng gì đến việc đưa ra quyết định hay không. Liệu nghĩa vụ đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính có chiến thắng tất cả các nhân tố khác? Cuộc họp kéo dài trong vài giờ đồng hồ. Trước đó là một bộ phim tài liệu đầy cảm xúc về lịch sử của Goldman Sachs với các cuộc phỏng vấn nhiều nhân vật kỳ cựu. 

Nhóm những người chỉ trích Goldman Sachs có thể sẽ cười phá lên khi đọc những dòng này. Tuy nhiên, những buổi đào tạo nội bộ (giống như buổi học mà The Economist được tham dự và tường thuật lại ở trên) là một phần trong nỗ lực nhằm khôi phục lại danh tiếng vốn đã bị tổn hại của Goldman Sachs.

Kể từ khi khủng hoảng bắt đầu, Goldman Sachs - vốn luôn tự hào về sự điềm tĩnh và khiêm tốn của các lãnh đạo - đã trở thành mục tiêu để người khác nhạo báng và châm biếm. Năm 2009, tạp chí Rolling Stone miêu tả Goldman Sachs là "một con quỷ hút máu tìm kiếm con mồi ở bất cứ nơi nào có mùi tiền". Kể cả đến thời điểm hiện tại, một số lãnh đạo cấp cao của Goldman cũng cho rằng đáng lẽ ra ngân hàng này nên hành động theo cách khác. Thậm chí, khi được hỏi về án phạt 550 triệu USD từ Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) vì tội bán nhầm các sản phẩm thế chấp dưới chuẩn, một số "cựu binh" của Goldman vẫn cho rằng những điều họ làm chẳng có gì sai trái. 

Dẫu vậy, Goldman buộc phải tự kiểm điểm bản thân bởi rõ ràng là lòng tin của khách hàng đã bị xói mòn. Khảo sát được thực hiện trên 200 khách hàng quan trọng nhất của Goldman được công bố hồi đầu năm 2011 cho thấy điều này. Một số người cho rằng Goldman Sachs đã đặt lợi ích trước mắt lên trên khách hàng, và một số hoạt động của Goldman còn đi ngược lại với lợi ích của khách hàng. "Không có niềm tin của khách hàng, biết cách tạo ra tiền chẳng có nghĩa lý gì nếu như không có ai muốn giao dịch với chúng ta", một lãnh đạo cấp cao của Goldman đã nói. 

Nỗ lực khôi phục danh tiếng của Goldman được thể hiện ở việc thay đổi các quy định nội bộ về giao dịch với khách hàng. Các chi nhánh sẽ không được phép mua bán hợp đồng phái sinh trừ khi chúng có tài sản gốc thật chắc chắn. Nhân viên cũng phải cởi mở hơn đối với khách hàng, cho khách hàng biết chính xác ngân hàng thu được bao nhiêu tiền từ các giao dịch. 

Goldman cũng "lập trình lại" văn hóa doanh nghiệp. Những chương trình đào tạo (như được mô tả ở trên) được triển khai trên toàn hệ thống. Lương thưởng và quy chế thăng tiến được gắn chặt hơn với khả năng làm việc nhóm, tập trung ít hơn vào yếu tố doanh thu mà họ mang về cho ngân hàng. 

Tuy nhiên, những cải cách này sẽ là chưa đủ nếu như Goldman không thực hiện những thay đổi sâu hơn về mặt cấu trúc. Những thay đổi phải hướng tới mục tiêu giảm thiểu xung đột. Trong cuốn sách có tiêu đề "What Happened to Goldman Sachs?” (tạm dịch: Điều gì đã xảy ra với Goldman Sachs?), tác giả Steven Mandis (đã từng làm việc ở Goldman) cho rằng văn hóa của ngân hàng này bị bỏ mặc trong nhiều năm. Một trong những ví dụ được đưa ra là việc Goldman mở rộng hoạt động tự doanh chứng khoán. "Cho tới khi khủng hoảng xảy ra, Goldman vẫn là quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới". 

Kể từ đó tới nay, Goldman đã trở lại với các giao dịch thuần túy. Tuy nhiên, bộ phận đầu tư vẫn lớn mạnh. Bộ phận đầu tư tài chính đã mang lại doanh thu lớn hơn so với mảng ngân hàng đầu tư trong 6 tháng đầu năm. Thay vì xóa bỏ xung đột lợi ích, Goldman hi vọng công tác công bố thông tin tốt hơn và sự thông minh của đội ngũ nhân viên sẽ giúp ngân hàng lấy lại được niềm tin của khách hàng. Tuy nhiên, rõ ràng là nếu như vẫn đi theo mô hình kinh doanh cũ, vấn đề của Goldman sẽ không thể được giải quyết triệt để. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên