MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tương lai mù mịt của ngành ngân hàng nước Mỹ

29-07-2013 - 15:47 PM | Tài chính quốc tế

Giới phân tích dự đoán đây sẽ là thập kỷ các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng doanh thu tồi tệ nhất kể từ những năm 1930.

“Mọi thứ đáng ra đã tồi tệ hơn” là điệp khúc được nhắc lại nhiều lần khi các ngân hàng Mỹ bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý II. Đặc điểm nổi bật nhất của mùa báo cáo là tính nhất quán. Ngân hàng lớn, ngân hàng nhỏ, ngân hàng có phạm vi hoạt động trên khắp nước Mỹ cũng như ngân hàng chỉ hoạt động ở địa phương, tất cả đều có được lợi nhuận nhờ vào một vài “cơn gió thuận chiều”. Các vụ kiện tụng đã lắng xuống, nền kinh tế tăng trưởng dù có chậm chạp, thị trường nhà đất phục hồi.

Tuy nhiên, có thể ngăn chặn thảm họa không phải là nguyên nhân thực sự để ăn mừng. Người tiêu dùng tiếp tục hoàn trả các khoản nợ, lượng tiền mặt của các công ty ở mức kỷ lục. Doanh thu trước khi lập dự phòng của các ngân hàng gần như không tăng trưởng (bảng 1), và tăng trưởng tín dụng ở mức thấp hơn nhiều so với các thời kỳ hậu suy thoái trước đó (bảng 2). Theo Michael Mayo – chuyên gia phân tích đến từ CSLA, đây là những dấu hiệu không hề tốt đẹp đối với hệ thống ngân hàng. Mayo dự đoán đây sẽ là thập kỷ các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng doanh thu tồi tệ nhất kể từ những năm 1930. 

Trong bối cảnh hoạt động vay mượn chuyển từ bảng cân đối kế toán của ngân hàng sang các thị trường vốn, một số ngân hàng đã hưởng lợi. Bộ phận ngân hàng đầu tư của Citigroup cũng như Goldman Sachs (vốn là những ngân hàng gặp nhiều rắc rối trước đó) đã hoạt động khá tốt trong quý II. Doanh thu từ hoạt động tư vấn và bảo lãnh đều tăng. 

Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Goldman hiếm khi ở mức 2 con số. Số nhân viên ngày càng giảm chứ không phải tăng. Trong khi đó, chỉ số ROE của Citigroup thấp hơn nhiều so với Goldman (khoảng 6,5%). Phần lớn lợi nhuận của Citi đến từ các thị trường mới nổi – nơi cũng đang dần lâm vào rắc rối. Nhà đầu tư sẽ không thể kiên trì chịu đựng nếu tình trạng này kéo dài.  

Khả năng môi trường kinh doanh của ngành ngân hàng được cải thiện trong tương lai gần là khá thấp. Đà tăng của lãi suất (với dự đoán Fed sẽ bắt đầu thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng) sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thế chấp tái cấp vốn – mảng đem lại nhiều doanh thu cho các ngân hàng trong những năm gần đây. Không phải ngẫu nhiên mà giá cổ phiếu của hầu hết các định chế tài chính liên tục đi ngang trong mấy tuần gần đây. 

Các nhà quản lý và chính trị gia vẫn đang cố gắng kiềm chế tâm lý ưa rủi ro của các ngân hàng. Các định chế tài chính Mỹ đang ráo riết chuẩn bị để đáp ứng tiêu chuẩn Basel 3. Tám ngân hàng lớn nhất nước Mỹ (gồm Bank of America, BNY Mellon, Citigroup, Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Morgan Stanley, State Street và Wells Fargo) được yêu cầu giữ tỷ lệ đòn bẩy 5% đối với tập đoàn mẹ và 6% đối với ngân hàng. Tỷ lệ mới sẽ buộc các định chế tài chính phải tài trợ nhiều hơn bằng vốn chủ sở hữu. Mặc dù qui định về vốn ngặt nghèo nhận được một số ý kiến trái chiều, các qui định này là cần thiết.

Các nhân viên ngân hàng vẫn chưa đưa ra phản hồi mạnh mẽ đối với đề xuất này. Nguyên nhân có thể là do họ lo ngại qui định thậm chí còn được thắt chặt hơn, hoặc do họ đang muốn chuẩn bị kỹ lương cho những cuộc chiến khác. Các nhà làm luật vẫn tiếp tục tấn công vào ngành tài chính. 

Tháng 4 vừa qua, hai thượng nghị sĩ  Sherrod Brown và David Vitter đã giới thiệu dự thảo yêu cầu những ngân hàng lớn nhất nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu lên 15% tài sản. Ngày 11/7, bốn thượng nghị sĩ đề xuất khôi phục đạo luật Glass-Steagall tách bạch ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại. 


Những đề xuất trên nhanh chóng bị phớt lờ. Tuy nhiên, chắc chắn là môi trường pháp lý sẽ trở nên khắc nghiệt hơn. Ngày 16/4, Thượng viện Mỹ đã bổ nhiệm Tom Perez làm Bộ trưởng Lao động và Richard Cordray làm người đứng đầu Cục Bảo Vệ Tài Chính Người Tiêu dùng (CFPB). Khi còn làm ở Bộ Tư pháp, Perez là người ủng hộ qui luật “tác động phân biệt” – ý tưởng cho rằng chính sách cho vay có thể tạo nên phân biệt đối xử. 

Trong khi đó, việc Cordray được bổ nhiệm bổ sung thêm quyền lực cho CFPB, trong đó có khả năng giám sát và điều hành giá cả và phạm vi hoạt động của các sản phẩm tài chính. 

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên