MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ phú giàu nhất Brazil đã xây dựng cơ đồ như thế nào?

26-11-2015 - 09:22 AM | Tài chính quốc tế

Lãnh đạo các doanh nghiệp của Brazil coi Lemann là một nhà tiên phong theo phong cách hướng đến hiệu quả đậm chất Mỹ.

HJ Heinz hợp nhất với Kraft Foods Group qua hợp đồng trị giá 46,7 tỷ. Burger King từ công ty đang phải vật lộn với nhiều vấn đề bỗng trở thành một kênh sinh lời. AB InBev - một trong những công ty bia lớn nhất thế giới - được hình thành. Ít ai biết rằng đứng sau những thương vụ này là Jorge Paulo Lemann - đồng sáng lập của quỹ đầu tư 3G Capital và hiện là tỷ phú giàu nhất Brazil (theo xếp hạng của Bloomberg).

PHẦN 1: Chân dung người cùng Warren Buffett "phá nát" ngành thực phẩm thế giới

Sống giản dị và có những người trung tín

Năm 1999, con của Lemann suýt bị bắt cóc, người lái xe bị bắn vào cánh tay và sống sót. Từ đó, Lemann hạn chế tiếp xúc với truyền thông. Ông luôn chia thời gian sống tại Mỹ, ở nhà Thụy Sỹ và trở về quê hương Brazil. Ông cũng rất giản dị, thích mặc áo sơmi với quần kaki hơn mặc vest.

Phần lớn thành công Lemann có được là từ sự trung thành của những người thân tín nhất. Telles và Sicupira là những người mà Lemann nuôi dưỡng hơn 50 năm qua. Lemann thu hút các nhà quản lý mới bằng cách tài trợ học bổng cho đại học Harvard, Stanford, và các trường hạng A khác. Carlos Brito (CEO của AB InBev) và Bernardo Hees (CEO của Kraft Heinz) đều được Lemann chi trả tiền đến trường.

Quỹ từ thiện của gia đình Lemann là Fundação Lemann đang cố gắng cải tiến hệ thống giáo dục Brazil. Quỹ này tài trợ cho 305 học giả trình độ sau đại học về chính sách công và có kế hoạch tiếp cận với nhiều người Brazil thông qua phương pháp đào tạo trực tuyến.

Học hỏi để thành công

Sinh năm 1939 tại Rio, trong gia đình có cha mẹ là người Thụy Sĩ, Jorge Paulo được cho là có thể thành công tại trường của Mỹ. Mặc dù vậy, ông dành nhiều thời gian để lướt sóng tại Arpoador, Rio. Ông cũng giỏi tennis, chơi ở Wimbledon và hai lần tranh tài tại Davis Cup.

Cha Lemann qua đời khi ông còn nhỏ. Cha ông muốn mở rộng kinh doanh pho mát ở Brazil trong khi mẹ ông ấp ủ kế hoạch lớn hơn: phải để Lemann vào Harvard. Trong một sự kiện ghi hình vào tháng 4/2014, Lemann cho biết: ông "không nghĩ lớn".

Tại Harvard, Lemann chuẩn bị kiểm tra bằng cách "cày bừa” những bài thi cũ ông tìm thấy trong thư viện và chỉ mất 3 năm để có được bằng cử nhân kinh tế. Sau thời gian làm việc tại các công ty tài chính tại Brazil và Thụy Sĩ, năm 1971, Lemann gia nhập một nhóm các nhà đầu tư mua lại một công ty môi giới nhỏ gọi là Garantia. Họ đã biến nó thành ngân hàng đầu tư hàng đầu, giúp Philip Morris và Colgate-Palmolive mở rộng thị trường ở nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latin.

Lemann quen Telles và Sicupira chính tại ngân hàng này. Fernandes, đồng sáng lập ngân hàng cho biết, phần lớn nhân viên mới chỉ đôi mươi. Telles và Sicupira bây giờ đều thuộc top 4 người giàu nhất Brazil. Họ vẫn cùng Lemann lặn biển bắt cá, thậm chí đeo đồng hồ lặn đến nơi làm việc để cho mọi người thấy mối quan hệ bền chặt giữa 3 người.

Lemann học hỏi triết lý quản lý từ Mỹ thời kỳ 1970 - 1980. Ông và Sicupira đã thấy cách người sáng lập Wal-Mart tạo áp lực lên các nhà cung cấp và kiểm soát hàng tồn kho. Họ áp dụng những bài học này vào Lojas Americanas- chuỗi bán lẻ mà Lemann có được trong năm 1982, cũng là vụ thâu tóm thù địch đầu tiên của Brazil. Tại Garantia, họ lại áp dụng mô hình quan hệ đối tác và chế độ lương thưởng của Goldman Sachs. Lấy ý tưởng từ Jack Welch, CEO của General Electric, Lemann đưa ra quy tắc thưởng 20% những người lao động hàng đầu, giữ 70%, và sa thải 10% kém nhất. "Chúng tôi lấy những phương pháp tốt nhất của các nơi khác và biến nó thành văn hóa của mình," Lemann cho biết trong một đoạn video đăng trên YouTube vào tháng 4/2014.

Rủi ro và lợi nhuận

Lemann dám chấp nhận rủi ro cao khi tại Brazil lãi suất cao ngất trời, mà rủi ro càng cao- lợi nhuận càng lớn nên các nhà đầu tư có thể kiếm lợi nhuận béo bở từ thu nhập cố định. Trước khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á diễn ra năm 1997, Garantia bán bảo hiểm trái phiếu chính phủ của Brazil. Khi khủng hoảng lây lan, các ngân hàng mất hàng trăm triệu USD và danh tiếng của Lemann cũng bị lung lay.

Raul Boesel, một tay đua người Brazil sau khi mất đến 1,5 triệu USD tiền đầu tư đã phải thốt lên: "Tôi không biết làm thế nào họ có thể nhắm mắt mà ngủ được". Làn sóng bất bình lan rộng ra, công ty bia Brahma, vốn được Lemann và đối tác của ông kiểm soát đã vô hiệu hoá hoạt động của ông tại công ty.

Các đối tác bán Garantia cho Credit Suisse vào năm 1998 và chuyển sang GP Investments, một công ty cổ phần tư nhân được thành lập dưới sự giúp đỡ của Lemann. Họ nhanh chóng nhận ra rằng giúp một doanh nghiệp đã có thương hiệu nhưng đang ốm yếu vươn lên sẽ dễ hơn làm lại từ đầu. Ngoài khu vực Mỹ Latin, Lemann cũng tham gia vào hội đồng quản trị của Gillette trong năm 1998. Buffett là giám đốc của hãng sản xuất dao cạo khi đó. Tuy nhiên, Lemann và Buffett tại thời điểm đó vẫn chưa thân nhau.

Bill Gantz, một thành viên hội đồng quản trị vào thời điểm đó, nhớ lại: trong những cuộc họp có sự hiện diện của Henry Kravis, mỗi người có một cái tôi riêng nhưng đây là một tập thể. Buffett thì cười đùa còn Lemann lại tỏ ra dè dặt nhưng sau đó, tham vọng của ông trở nên rõ ràng hơn. Có lẽ thời điểm đó, ông đang nghĩ đến việc chuyển việc kinh doanh ra ngoài biên giới Brazil.

Thương vụ lớn đầu tiên tại Mỹ của Lemann chính là Anheuser-Busch. Do đã kiểm soát cổ phần tại nhà máy bia của Bỉ là InBev nên Lemann quyết định vay nợ để mua công ty bia Budweiser.

Những người quản lý của Lemann nhanh chóng tìm ra cách để tăng quy mô trở lại. Anheuser-Busch sa thải khoảng 1.400 người, tương đương với 6% số lao động của công ty tại Mỹ. Từ đó, máy bay phản lực của công ty không còn được sử dụng và bia cũng không còn là đồ uống miễn phí nữa. Các nhà đầu tư rất thích điều này. Cổ phiếu của AB InBev tăng gấp 5 lần kể từ khi sáp nhập, đến ngày 30/9, giá trị thị trường của công ty là 171 tỷ USD.

Lãnh đạo các doanh nghiệp của Brazil coi Lemann là một nhà tiên phong theo phong cách hướng đến hiệu quả đậm chất Mỹ. Trong khi đó, Lemann không chấp nhận phúc lợi kiểu Brazil. Ngân hàng phát triển quốc gia Brazil (BNDES) tiết lộ: từ năm 2012 đến năm 2014, chi nhánh của AB InBev tại Brazil là AmBev được cho vay 1,8 tỷ reais (khoảng 464 triệu USD) với lãi suất thấp hơn so với mặt bằng thị trường. Những khoản vay được nhà nước hỗ trợ kiểu này thường chỉ dành cho các công ty rất lớn.

Giống như rất nhiều công ty lớn khác, các công ty Lemann cũng quan tâm đến chính trị. AmBev là công ty hàng đầu chuyên hỗ trợ tài chính cho các chiến dịch tranh cử cho đảng cầm quyền. Cùng với Lojas Americanas, AmBev tài trợ cho các bài diễn thuyết của Luiz Inácio Lula da Silva kể từ khi ông rời chức tổng thống.

Lehman từng nói ông sẽ mua lại Coca-Cola, nhưng Warren Buffett từng nói điều này là không thể. Cổ đông lớn nhất của Coca-Cola là Berkshire, do đó sẽ rất khó để 3G mua lại nếu Buffett không đồng ý. Tuy nhiên, có thể chắc chắn rằng bất cứ khi nào Jorge Paulo gọi, Warren Buffett sẽ nhấc điện thoại trả lời, bởi ông từng nói: "Tôi thích ý tưởng những người làm việc lớn. Cơ hội để tếp xúc với những người có tâm và có tầm thực sự hiếm”.

Thu Trang

Bloomberg

Trở lên trên