MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao bóng đá Đức thống trị Châu Âu?

27-05-2013 - 08:48 AM | Tài chính quốc tế

Người Đức thắng nhờ múa may với trái bóng mà không quên nhìn vào ví tiền.

Người viết là ông Jim O’Neill, Chủ tịch Goldman Sachs Asset Management.

Rạng sáng hôm qua, Bayern Munich vừa đánh bại Borussia Dortmund trong trận chung kết Champions League “toàn Đức” đầu tiên trong lịch sử. Người Đức có thống trị nốt môn thể thao được yêu thích nhất Châu Âu cũng là phải đạo.

Dù sao thì họ cũng thống trị mặt trận kinh tế từ lâu.

Người Đức đã tiến vững chắc suốt mấy mùa giải gần đây. Cả Bayern và Dortmund đều vào chung kết sau khi đánh bại hai đội bóng nhiều sao nhất: Barcelona và Real Madrid. Kỷ luật Đức đã thắng ngẫu hứng Tây Ban Nha.

Mà không chỉ xứ sở bò tót, người Đức đã loại cả những đối thủ “bóng mượt” tới từ Ý và Anh. Thế mới biết “thực lực” và “chiều sâu đội hình” là gì.

Không chỉ có thế. Dortmund và Munich là hai đội bóng khác hẳn nhau. Dortmund tượng trung cho trung tâm công nghiệp cũ của Đức. Còn Munich, thủ phủ bang Bavaria, là trái tim hiện đại của cả một vùng giàu có.

Kinh tế Đức kiên cường như hiện nay là nhờ họ biết phân phối sức mạnh ra rất nhiều thành phố lớn. Ở Châu Âu đây là điều không phải nước nào cũng bắt chước được.

Ngoài các trung tâm kinh tế nổi tiếng như Munich hay Stutgart, Đức còn có những thành phố như Hamburg – từng vỡ nợ y như các thành phố phía Bắc nước Anh, nhưng nay đang phát triển bùng nổ nhờ Đức dành được nhiều đơn hàng xuất khẩu tới các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc.

Chiều sâu ví tiền

Người Đức thắng nhờ múa may với trái bóng mà không quên nhìn vào ví tiền. Họ có:

 

  • Doanh thu ổn định: các CLB Đức có lượng khán giả tới sân cao nhất Châu Âu, thậm chí còn vượt mặt cả Giải Ngoại hạng Anh.
  • Tài chính thận trọng: Đức có quy định chặt chẽ về việc vay mượn để mua cầu thủ, ngoài ra, các CLB Đức phải do người Đức nắm cổ phần chi phối.
  • Kiểm soát chi phí: so với các đội bóng khác trên thế giới, Đức trả lương cầu thủ ít hơn.

 

Ngược lại, hãy xem tin tức về các giải đấu “lòe loẹt” khác nói gì. Đội hình có chiều sâu? Madrid và Barcelona thống trị tuyệt đối giải quốc nội khiến La Liga nhàm chán hơn bao giờ hết.

Riêng chuyện tiền, tôi từng đùa cứ đợi bao giờ các ngân hàng Tây Ban Nha không còn dốc tiền cho các đội bóng nữa, ấy là lúc khủng hoảng Châu Âu bùng nổ. Rút cục cái thời khắc ấy đã đến.

Bóng đá Ý nay chẳng còn bóng dáng của một thời hùng mạnh.

Còn giải Ngoại hạng Anh, nên bắt đầu từ đâu bây giờ nhỉ? Nhờ danh tiếng toàn cầu mà các CLB thu được vô khối tiền, nhưng tiền ấy lại biến mất vì thói tiêu pha vô tội vạ vào những cầu thủ chỉ ở mức trung bình.

Kỷ luật ở đâu? Tỷ lệ lương trên doanh thu của các đội bóng tại giải Ngoại hạng Anh cao hơn nhiều so với các đội bóng ở Bundesliga, có CLB còn vượt 100%.

Không giống cơ quan quản lý ngành tài chính, cơ quan quản lý ngành bóng đá Anh không thích quản lý nhiều. Bóng đá Anh mở cửa cho mọi nhà đầu tư, bất kể năng lực tài chính lẫn cam kết với dân địa phương tới đâu.

Chiến lược là của hiếm. Cầu thủ ngoại tràn ngập trong các đội bóng Anh, thế nên chỗ đứng của cầu thủ nội ngày càng nhỏ lại. Dù có nhiều cầu thủ ngoại, nhưng đội tuyển quốc gia Đức vẫn thuộc hàng đầu thế giới. Có lẽ, người Đức biết lo nghĩ cho tài sản quốc gia hơn.

Rút cục người Đức có thắng?

Siêu sao bóng đá Anh thời thập niên 1980 Gary Lineker từng định nghĩa bóng đá như sau: đó là một môn thể thao đơn giản, 22 người đuổi theo một quả bóng trong vòng 90 phút, và rút cục người Đức thắng.

Có thể chỉnh cái định nghĩa này đi một chút được không nhỉ? Liên minh tiền tệ Châu Âu: một hệ thống tiền tệ mà 17 quốc gia luôn nỗ lực tăng sức cạnh tranh, và rút cục người Đức thắng.

Cái đó còn phải chờ xem, nhưng các dữ liệu mới đây cho thấy kinh tế Đức không phải bất khả chiến bại như bóng đá Đức.

Xuất khẩu của Đức gặp nhiều khó khăn khi các nước láng giềng suy thoái. Trung Quốc cũng đang tăng trưởng chậm đi, nên lại thêm một thị trường sống còn nữa của người Đức sắp thu hẹp.

Cầu nội địa vẫn yếu hơn bình thường do cái đức “cần kiệm” là tâm lý chủ đạo ở cả Berlin lẫn trong từng hộ gia đình Đức, thế nên rút cục kinh tế Đức phải rơi vào suy thoái.

Có lẽ nhiều người đã quên, nhưng thuật ngữ “bệnh xơ cứng Châu Âu” (eurosclerosis) ra đời hồi thập niên 1990 là để mỉa mai chuyện người Đức kém khả năng thích ứng. Cái gì cũng có tính chu kỳ, nên ai biết sau này chuyện sẽ thế nào?

Cổ động viên Tây Ban Nha vẫn hay an ủi nhau trước đêm chung kết: kiểu gì rồi một đội Đức cũng thua. Tiếc là logic này hoàn toàn có thể khái quát lên tầm “vĩ mô”, ví như: kiểu gì rồi một ngân hàng Đức cũng phá sản.

Hằng Lê

tuannm

Bloomberg

Trở lên trên