MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Buffett "dị ứng" với các ngân hàng đầu tư?

11-03-2015 - 12:43 PM | Tài chính quốc tế

Trong bức thư thường niên gửi đến các cổ đông mới được công bố, Warren E. Buffett một lần nữa tỏ thái độ bất mãn với ngành ngân hàng thế giới.

Nội dung nổi bật:

- Trong lá thư gửi tới cổ đông năm nay, Buffett đã "nặng lời" chỉ trích các nhân viên ngân hàng đầu tư là những kẻ tham lam luôn muôn trục lợi từ các vụ M&A

- Buffett cũng chỉ trích các công ty vốn cổ phần tư nhân


Lâu nay, “nhà tiên tri xứ Omaha” vẫn luôn chê bai ngành công nghiệp tài chính. Tuy nhiên, lá thư năm nay với phép so sánh các chủ ngân hàng, luật sư và nhà tư vấn với “những  “kẻ tham lam luôn đòi hỏi quá đáng” dường như đã thu hút được nhiều sự chú ý của ngành này.

Ngoài những dòng điểm lại hoạt động của Berkshire Hathaway như thường lệ, Buffett đã đưa ra lời cảnh báo (hay giáo dục) các tín đồ trung thành về “cư dân của phố Wall” và cái cách họ luôn sẵn sàng loại bỏ những hoài nghi về những dòng chảy mập mờ được sử dụng để tăng thu nhập trên mỗi cổ phiếu, đặc biệt nếu các vụ mua bán sáp nhập đem về những khoản phí khổng lồ cho các ngân hàng đầu tư.

Buffett lập luận:” Các nhân viên ngân hàng đầu tư, được trả thù lao cho những gì họ làm, không ngừng thúc giục bên mua trả mức giá cao hơn 20% đến 50% giá thị trường. Họ nói với người mua rằng đây là mức giá xứng đáng sau khi đã điều chỉnh theo những điều tuyệt vời sẽ xảy ra khi quá trình sáp nhập hoàn tất”.

“Tuy nhiên, vài năm sau đó, cũng chính những nhân viên ngân hàng này lại xuất hiện và nài nỉ chia tách nhằm “giải phóng giá trị cho cổ đông. Tất nhiên,  chia tách sẽ xóa bỏ hoàn toàn những giá trị mà quyền kiểm soát mang lại mà không có bất cứ khoản đền bù nào”.

Buffett đang nói lên sự thật. Trên thực tế có vô số ví dụ về hiện tượng “xây lên rồi đập bỏ”. Ví dụ gần đây nhất là Hewlett-Packard.

Quan điểm của Buffett cũng khiến ông trở thành một trong số ít những tỷ phú được đám đông yêu mến. Ông thường nói về việc tăng thuế đánh vào người giàu và sự cần thiết phải thu hẹp chênh lệch giàu nghèo.

Dù nặng lời với ngành ngân hàng, Buffett cũng không quên tán dương những đức tính cá nhân của một số tên tuổi lớn trong ngành ngân hàng đầu tư. Trong số các cổ phiếu mà Berkshire sở hữu có Goldman Sachs, và Buffett cũng từng nói về việc sở hữu cổ phiếu của JPMorgan Chase.

Nói về Lloyd Blankfein, giám đốc điều hành của Goldman, Buffett từng nói “Nếu Lloyd có một người anh em sinh đôi, tôi sẽ bầu cho anh ta.” Về giám đốc điều hành của JPMorgan, Jamie Dimon, Buffett phát biểu trên Nhật báo phố Wall: “Nếu tôi sở hữu JPMorgan Chase, người điều hành vẫn sẽ là Dimon và chắc chắn anh ấy sẽ mang về nhiều tiền hơn so với mức lương thưởng hiện tại. Nếu Jamie muốn kiếm được nhiều tiền hơn, tất cả những gì anh ta phải làm là gọi cho tôi, tôi sẽ tuyển anh ta vào Berkshire.”

Vậy thì tại sao Buffett lại có ác cảm với ngành công nghiệp tài chính đến vậy?

Epicurian Dealmaker – biệt danh của một blogger cũng là một nhân viên ngân hàng đầu tư giàu kinh nghiệm – cho rằng Buffett chỉ kinh thường những nhân viên ngân hàng đầu tư sử dụng mánh khóe để khiến các khách hàng tiềm năng chọn con đường phức tạp và đắt đỏ hơn thay vì những lựa chọn đơn giản.

Blankfein thì mỉa mai rằng ý kiến của Buffett về ngành ngân hàng ắt hẳn dựa trên sự phỏng đoán và tin đồn. “Ông ấy không nhận lời khuyên từ các ngân hàng và cũng không trả tiền cho họ mà chỉ thỉnh thoảng đầu tư vào ngân hàng đầu tư mà thôi."

Nhận định Buffett không trả tiền cho ngân hàng chỉ đúng một nửa. Dù không thường xuyên sử dụng ngân hàng đầu tư làm cố vấn, Buffett đã làm như vậy trong một số trường hợp nhất định (trong đó có Goldman).

Sự nhạo báng trong lá thư thường niên của ông Buffett không chỉ dành cho các chủ ngân hàng đầu tư, mà còn dành cho các công ty vốn cổ phần tư nhân. “Cổ phần là một từ tối nghĩa với những người mua vốn cổ phần tư nhân, những gì họ yêu thích là nợ. Và, do nợ hiện không đắt, những người mua này có thể thường xuyên trả bằng USD. Sau đó, kinh doanh bị bán lại, thường là bán cho người mua đòn bẩy, theo đó, kinh doanh trở thành một phần của nhượng quyền”.

Trong khi rất nhiều doanh nghiệp cổ phần tư nhân tìm kiếm vốn vĩnh cửu để giống Berkshire, Buffett đã nỗ lực nhằm khác biệt hóa. Ông từng mô tả sự khác nhau giữa Berkshire và các công ty tư nhân khác: “bạn có thể bán cho Berkshire và chúng tôi sẽ đặt nó trong bảo tàng Metropolitan, nó sẽ tự mọc thêm cánh và ở đó mãi. Hoặc bạn cũng có thể bán cho vài cửa hàng khiêu dâm, họ sẽ dán chúng lên cửa sổ để người qua đường có thể mua chúng.”

Ông Buffett, người luôn tránh xa đấu giá tài sản, thích làm việc trực tiếp với các công ty, bởi họ có thể đặt nền móng cho thỏa thuận tiếp theo từ đó.

Buffett khẳng định việc chỉ trích các chủ ngân hàng và cổ phần tư nhân không nhằm mục đích cá nhân.

“Hoàn toàn không sai khi có sự thiên vị về một lĩnh vực nhất định. Nếu bạn nói chuyện với nhân viên kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, anh ta sẽ cố bán bảo hiểm nhân thọ cho bạn. Với cá nhân tôi, sự thiên vị dành cho Berkshire”.

Thanh Trà

Thu Hương

New York Times

Trở lên trên