MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao người cao tuổi Nhật Bản muốn vào tù sống?

29-03-2016 - 09:34 AM | Tài chính quốc tế

Lương hưu không đủ sống và không có người thân là những lý do đẩy người cao tuổi Nhật Bản vào tù.

Hệ thống nhà tù ở Nhật Bản đang gặp phải một cuộc khủng hoảng ngân sách nghiêm trọng chưa từng thấy, gây ra bởi tình trạng già hóa dân số, phúc lợi suy giảm và một tầng lớp tội phạm mới: người cao tuổi. Đáng buồn là nhiều người cao tuổi lại đang khao khát được sống sau song sắt nhà tù.

Số liệu của chính phủ Nhật Bản cho thấy 35% các vụ trộm đồ trong siêu thị được thực hiện bởi những người trên 60 tuổi. 40% trong nhóm này tái phạm hơn 6 lần sau khi bị bắt.

Đứng đằng sau làn sóng trộm đồ trong siêu thị này là những người cao tuổi cố ý phạm tội để vào tù, nơi đem lại cho họ thực phẩm, chỗ ở và thuốc men miễn phí.

Ngay cả với chế độ ăn đạm bạc và chỗ tồi tàn, một người về hưu với mức chi tiêu tằn tiệu cũng có chi phí sinh hoạt cao hơn 25% so với mức lương hưu được nhận là 780.000 yên (6.900 USD) một năm.

Chỉ cần ăn trộm một chiếc bánh mỳ trị giá 200 yên là có thể nhận được bản án hai năm tù mà chính phủ phải bỏ ra 8,4 triệu yên để trang trải chi phí hoạt động cho nhà tù.

Số tội phạm cao tuổi đang gia tăng và hệ thống nhà tù ở Nhật Bản sẽ phải đối mặt với làn sóng này trong vài thập kỷ tới. Theo Bộ Tư pháp Nhật Bản, từ năm 1991 đến năm 2013, số người cao tuổi tái phạm từ 6 lần trở lên đã tăng vọt 460%.

Số người cao tuổi phạm tội gia tăng phản ánh một viễn cảnh ảm đạm của xã hội Nhật Bản. Tỷ lệ phạm tội ở người cao tuổi tăng nhanh hơn tốc độ già hóa dân số mà dự kiến 40% dân số sẽ trên 65 tuổi vào năm 2060.

Akio Doteuchi, cố vấn cấp cao về phát triển xã hội của Viện nghiên cứu NLI ở Tokyo dự đoán tỷ lệ tái phạm sẽ tiếp tục gia tăng.

“Hoàn cảnh xã hội ở Nhật Bản đã xô đẩy người cao tuổi phải phạm tội”, ông nói. Tỷ lệ người già cần hỗ trợ của cộng đồng đang ở mức cao nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai. Khoảng 40% người cao tuổi sống một mình. Đó là một vòng tròn luẩn quẩn. Họ ra tù, nhưng không có tiền và người thân vì thế lại phạm tội để vào tù”.

Vấn đề này cũng bộc lộ gánh nặng chi tiêu cho hệ thống phúc lợi xã hội khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này già hóa. Dù vậy, nhà tù không phải là môi trường thích hợp để thay thế các cơ sở phúc lợi xã hội.

Doteuchi cho biết các nỗ lực phóng thích tù nhân cao tuổi trước thời hạn đã gặp phải những vấn đề pháp lý khó vượt qua, và về dài hạn người cao tuổi sẽ chiếm tỷ lệ áp đảo trong các nhà tù.

Long Nam

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên