Vì sao nước Anh muốn rời bỏ Liên minh Châu Âu
Thủ tướng Anh David Cameron đã gửi một thông điệp rõ ràng đến các lãnh đạo đồng cấp EU: vấn đề không phải ở chúng tôi, nó nằm ở phía các bạn.
Trong bài phát biểu mới đây, Thủ tướng Cameron cho thấy quan điểm thực tế rằng Anh không muốn trở thành một phần của Liên minh Châu Âu.
Thực hiện lời hứa trước bầu cử của Cameron, Quốc hội Anh vừa thông qua lời kêu gọi trưng cầu dân ý về việc xem xét lại tư cách thành viên EU của nước này trễ nhất là vào năm 2017. Và điểm chính trong bài phát biểu của Thủ tướng Anh cũng muốn đàm phán lại vấn đề này trước khi kêu gọi bỏ phiếu.
Ông Cameron đã bắt đầu chiến dịch tạo thay đổi đáng kể trong quan hệ giữa Vương quốc Anh với EU từ năm 2013 với 4 luận điểm chính: khủng hoảng tài chính khu vực đồng tiền Euro, sự suy giảm khả năng cạnh tranh của khu vực Châu Âu, vấn đề mất cân bằng nhận thức dân chủ giữa Anh và các nước, khủng hoảng người tị nạn tại Châu Âu.
Trong bản đệ trình gửi Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu về việc khởi đầu việc tái đàm phán, ông Cameron cam kết sẽ vận động hết sức để nước Anh ở lại trong EU nhưng cảnh báo tất cả hy vọng đều sẽ tắt nếu không đạt được các thỏa thuận thỏa đáng.
Kết quả thăm dò được thực hiện cho thấy, số người dân Anh muốn nước mình rời EU đã giảm nhưng ông Cameron đã nhấn mạnh kết quả tái đàm phán sẽ ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu của người dân Anh, đây cũng hàm ý lời cảnh báo đến các nhà lãnh đạo Châu Âu: “Cơ hội duy nhất để đưa mọi việc về đúng quỹ đạo”.
Cameron từng thừa nhận kế hoạch của ông có thể không làm hài lòng tất cả mọi người, thế nhưng giờ đây có vẻ như nó không làm hài lòng bất kỳ ai. Ủy ban Châu Âu mô tả một số yêu cầu của Thủ tướng Cameron có “vấn đề nghiêm trọng”, trong khi lãnh tụ đảng cánh tả UKIP Nigel Farage, đảng quyết liệt chống các chính sách của EU, lại cho rằng “rõ ràng ông Cameron không nhắm đến một vấn đề đáng kể nào trên bàn đàm phán”.
Dưới đây là những đề xuất cụ thể của Thủ tướng Cameron:
Khu vực đồng Euro nên tự lo liệu vấn đề của mình
Anh sẽ không chấp nhận chính sách đồng Euro mạnh, thủ tướng Cameron cũng làm rõ vấn đề ông không muốn Anh Quốc trở thành phần thiết yếu của liên minh. Ông sẽ tìm kiếm thỏa thuận pháp lý nhằm cho phép EU có nhiều hơn một đồng tiền chung và đảm bảo rằng người dân đóng thuế ở các nước không sử dụng đồng Euro sẽ không có nghĩa vụ bảo lãnh cho các nước sử dụng đồng tiền này.
Các Tòa án EU nên tự lo liệu vấn đề của mình
Thủ tướng Cameron cũng tái khẳng định cam kết hủy bỏ Đạo luật Nhân quyền chung và thay thế bằng Đạo luật Nhân quyền Anh Quốc, đồng thời áp dụng biện pháp để ngăn ngừa quyền lực của Tòa án Công lý Châu Âu áp dụng tại đây.
Ngoài ra, ông còn muốn Cơ quan lập pháp các quốc gia có quyền không áp dụng luật chung của EU, thay vào đó chỉ còn trách nhiệm giải trình khi thực hiện các luật riêng của nước mình.
EU không nên mở rộng quá lằn ranh đỏ
Thủ tướng Cameron muốn áp đặt mục tiêu cắt giảm ngân sách trong điều luật kinh doanh mở rộng của EU. Ngoài ra, tính cạnh tranh nên đóng vai trò cốt lõi của liên minh. “Chúng tôi muốn một EU có khả năng giúp chúng tôi gia tăng sức cạnh tranh chứ không phải làm suy yếu nó. Chúng ta cần phải làm như vậy để đối phó với sự trỗi dậy của Ấn Độ và Trung Quốc”.
Hạn chế việc di dân tự do
Ông Cameron đồng ý nguyên tắc thị trường lao động tự do là yếu tố cơ bản của EU, nhưng ông cho rằng nguyên tắc này đang bị lạm dụng. Thế nên cần khôi phục nguyên tắc công bằng của quá trình di cư.
Ông cho rằng khủng hoảng tị nạn ở Châu Âu không phải nằm ở vấn đề dân tộc mà nằm ở chỗ quy mô và tốc độ. Do vậy, các nhà lãnh đạo EU nên đảm bảo “các nguyên tắc di chuyển tự do không áp dụng cho các quốc gia mới gia nhập cho đến khi nào nền kinh tế của những nước này bắt kịp với các thành viên cũ”.
Trí Thức Trẻ/CafeBiz