MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Trung Quốc có thể khiến thị trường toàn cầu chao đảo?

25-08-2015 - 12:40 PM | Tài chính quốc tế

Cơn bán tháo bắt đầu một cách rất nhẹ nhàng, với những đợt giảm điểm của chứng khoán Trung Quốc bị lầm tưởng là quá trình “gạn đục khơi trong” của thị trường chứng khoán có nhiều bong bóng nhất thế giới. Tuy nhiên, sự hoảng loạn bắt đầu lan ra châu Á (sau khi chứng khoán Mỹ giảm rất mạnh vào cuối tuần trước) và tiếp tục lan ra toàn cầu.

Đóng cửa phiên hôm qua (24/8), Shanghai Composite mất 8,5%, mạnh nhất trong 8 năm. Nếu tính trên mức tối đa mà các cổ phiếu Trung Quốc được phép giảm, đây là mức giảm gần như là lớn nhất có thể. Tờ Nhân dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - gọi ngày hôm qua là “thứ Hai đen tối”.

Chỉ số Nikkei giảm 4,6%, các chỉ số cơ bản của chứng khoán châu Âu giảm 4-5%. Chỉ số Dow Jones mất hơn 1.000 điểm ngay sau khi mở cửa và chốt phiên vẫn giảm gần 600 điểm sau khi ở trong thế giằng co. Chỉ số Eurofirst 300 có ngày tồi tệ nhất kể từ năm 2009. Chỉ số Dax của TTCK Đức xóa sạch số điểm tăng được từ đầu năm đến nay.

Những điều tồi tệ không chỉ xảy ra trên thị trường chứng khoán. Tiền tệ của các thị trường mới nổi, từ đồng rand của Nam Phi tới ringgit của Malaysia đều giảm mạnh. Thị trường hàng hóa chao đảo với giá dầu thế giới xuống dưới 39 USD/thùng, lập đáy thấp nhất 6 năm rưỡi. Chỉ số hàng hóa thấp nhất trong 16 năm. Chỉ có những tài sản được coi là hầm trú ẩn an toàn như trái phiếu được phát hành bởi các Chính phủ Mỹ và Đức thoát được cơn bán tháo. Kể cả vàng cũng giảm giá vì trước đây các nhà đầu tư đã sử dụng vàng để làm tài sản đảm bảo khi mua cổ phiếu. Giờ đây họ phải đáp ứng call margin từ các công ty chứng khoán.

Có hai câu hỏi nổi lên: điều gì khiến thị trường hốt hoảng đến vậy và nhà đầu tư nên lo lắng đến mức nào là đủ? Câu hỏi đầu tiên rất dễ trả lời: Trung Quốc và Fed. Hãy bắt đầu với Trung Quốc. Nguyên nhân dễ thấy nhất dẫn đến chuỗi các sự kiện vừa qua là động thái phá giá nhân dân tệ đầy bất ngờ của Trung Quốc hôm 11/8. Hơn 5.000 tỷ USD vốn hóa đã bị “thổi bay” khỏi chứng khoán toàn cầu kể từ đó đến nay. Thứ Sáu tuần trước Trung Quốc công bố chỉ số PMI cho thấy hoạt động sản xuất suy giảm mạnh. Cuối tuần trôi qua mà không có bất cứ biện pháp can thiệp mới nào từ Chính phủ Trung Quốc và ngay lập tức thị trường “đổ máu” trong phiên đầu tuần.

Triển vọng kinh tế Trung Quốc xấu đi kết hợp với sự trượt giá của nhân dân tệ đã tạo nên áp lực rất lớn đè nặng các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là những nước có mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào nhu cầu của Trung Quốc. Trước đó họ đã bị “đốn ngã” bởi những động thái chuẩn bị cho lần tăng lãi suất đầu tiên trong gần 1 nửa thập kỷ của Fed. Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ khiến dòng vốn chảy vào các nền kinh tế mới nổi giảm xuống, khiến USD tăng giá mạnh và thổi phồng các khoản nợ bằng USD.

Kinh tế toàn cầu đang ở giữa một bước chuyển đổi quan trọng: các nền kinh tế phát triển cố gắng bình thường hóa chính sách tiền tệ trong khi Trung Quốc cố gắng tái cân bằng. Các nhà hoạch định chính sách khó có thể quản lý tốt bước chuyển mình ấy, và tất nhiên thị trường sẽ bất ổn.

Vậy thì, nhà đầu tư nên lo lắng bao nhiêu là đủ? Đà giảm của chứng khoán Trung Quốc gần như là điều chắc chắn sẽ xảy ra sau khi tăng giá quá mạnh trong nửa đầu năm 2015. Nên đặt xu hướng giảm điểm của thị trường này trong bối cảnh của nó: Shanghai Composite vẫn tăng tới 43% so với 1 năm trước.

Chí ít thì trong ngắn hạn hiệu ứng lan tỏa trên các thị trường mới nổi nên được kiềm chế. Người Trung Quốc không để nhiều tài sản trong các cổ phiếu mà trong thị trường bất động sản vốn đã ổn định trong vài tháng trở lại đây. Hơn nữa, Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa tung hết các biện pháp can thiệp, ví dụ như vẫn còn nhiều dư địa để cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Không có nhiều khả năng khủng hoảng tài chính châu Á 1997 sẽ lặp lại. Các chính phủ châu Á đang ở trong một vị thế tốt hơn rất nhiều và có thể đương đầu với những thay đổi trong môi trường kinh tế toàn cầu. Chính sách neo tỷ giá – thủ phạm gây nên khủng hoảng trong quá khứ - đã được thay thế bằng cơ chế thả nổi. Dự trữ ngoại hối đã được củng cố, và hệ thống tài chính được quản lý tốt hơn.

Kịch bản 2008 cũng sẽ không lặp lại. Hệ thống ngân hàng toàn cầu đã khỏe mạnh hơn. Không còn những tài sản rủi ro bị định giá sai hay các định chế tài chính mỏng manh như năm 2008.

Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều lý do để lo lắng mà mối bận tâm lớn nhất chính là Trung Quốc – nền kinh tế hiện đã chiếm tới 15% GDP toàn cầu và đóng góp một nửa tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới. Vẫn còn những hoài nghi về khả năng kiểm soát sự xoay chuyển của thị trường và tâm lý đám đông của Chính phủ nước này. Và, điều mà thị trường lo sợ nhất là kinh tế giảm tốc quá mạnh sẽ khiến Chính phủ Trung Quốc phản ứng với sự hoảng loạn của thị trường bằng cách ngừng tái cấu trúc.

Cũng có thể coi cơn bán tháo vừa qua là dấu hiệu cho thấy thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ của các thị trường mới nổi (bắt đầu từ năm 2000) đã đi đến hồi kết. Các chỉ số chứng khoán và đồng tiền mới nổi, từ Brazil tới Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan, là những bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy “ly cocktail” kết hợp giữa tăng trưởng của Trung Quốc, chính sách lãi suất thấp và giá hàng hóa tăng cao đã cạn. Và, tàn dư của ly cocktail ấy chính là tình trạng mơ màng của các nền kinh tế đang phát triển. Tàn dư ấy có thể biến thành một cuộc khủng hoảng tài chính trên diện rộng.

Trong khi các thị trường mới nổi lao đao và quá trình tái cân bằng của Trung Quốc vẫn còn dang dở, các nền kinh tế phát triển sẽ một lần nữa trở thành cỗ máy tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Đó thực sự là một viễn cảnh đáng lo ngại. Dù đã hồi phục, kinh tế châu Âu vẫn rất mỏng manh. Kinh tế Mỹ khỏe mạnh hơn, nhưng tỷ trọng đóng góp của Mỹ trong kinh tế toàn cầu đã giảm xuống so với thời kỳ những năm 1990 và 2000, khi các hộ gia đình Mỹ được coi là người tiêu dùng cuối cùng.

Quan trọng hơn, Chính phủ các nước phát triển không còn nhiều lựa chọn để đẩy tăng nền kinh tế. Lãi suất đang ở mức thấp kỷ lục, thậm chí còn âm ở một số nước. Nợ và thâm hụt ngân sách vẫn ở mức đáng lo ngại. Năm 1998, khi những rắc rối của châu Á khiến thị trường Mỹ chao đảo, Fed đã nhanh chóng hạ 75 điểm cơ bản đối với lãi suất cơ bản. Giờ đây điều đó là không thể.

Thị trường đã nhìn thấy những điều tồi tệ từ cách đây rất lâu. Tuy nhiên, ít ai nghĩ rằng những hiệu ứng nghiêm trọng lại xảy ra sớm đến vậy.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên